Nhiều bất cập khi phát triển thủy điện thiếu quy hoạch

Việc phát triển thủy điện đã bộc lộ, nảy sinh nhiều bất cập và thậm chí đã xảy ra hậu quả xấu khi quy hoạch không đi trước một bước.

Sau thời gian thủy điện phát triển “nóng,” đặc biệt là sự phát triển tăng tốc của thủy điện khu vực miền Trung, đến nay, việc phát triển thủy điện đã bộc lộ, nảy sinh nhiều bất cập và có thể nói đã xảy ra hậu quả khi quy hoạch không đi trước một bước.

Bên lề kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, ngày 30/10, sau khi Quốc hội nghe báo cáo và thẩm tra quy hoạch tổng thể về thủy điện, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các đại biểu về quy hoạch cũng như việc phát triển thủy điện trong thời gian tới.


Quy hoạch là cần thiết

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, khẳng định tầm quan trọng của thủy điện trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phát triển thủy điện để góp phần giải quyết cho việc cung cấp điện thời gian qua, tiến tới đưa giá thành điện rẻ hơn. Nhưng phải thừa nhận rằng, việc phát triển thủy điện thời gian qua đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ phát triển hơi nhanh và chưa theo quy hoạch, lộ trình được kiểm soát chặt chẽ.

Việc kiểm soát chưa chặt chẽ nên phát triển thủy điện đã ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng xây dựng công trình và quản lý giá thành nên một số thủy điện không phát huy hiệu quả hoặc làm xong phải bỏ.

Bên cạnh đó, khi xây dựng chi phí cao nhưng giá thành thấp nên hoạt động có trục trặc và hiệu quả không như mong muốn. Điều này cho thấy quy hoạch tổng thể về thủy điện là cần thiết để thủy điện phát triển theo đúng quy hoạch và lộ trình đề ra.

Đại biểu Vũ Công Tiến, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng thừa nhận phát triển thủy điện là yêu cầu của xã hội khi Việt Nam đang cần lượng điện năng lớn cho phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện cần phải trên cơ sở quy hoạch tổng tính toán, thực thi các vấn đề phù hợp vì nếu làm chỗ này, không làm chỗ kia, hay không làm theo đúng trình tự quy hoạch chung, thủy điện rất khó phát triển bền vững.

“Theo lộ trình giá điện ngày càng tăng, nếu chúng ta phát triển được thủy điện theo đúng hệ thống quy hoạch, theo lộ trình chung của quốc gia, đất nước thì lượng điện cung cấp dồi dào, từng bước đưa giá điện xuống thấp hơn, đáp ứng phục vụ sản xuất, kinh tế cũng như cuộc sống dân sinh của nhân dân,” đại biểu Vũ Công Tiến nói.

Đại biểu Phạm Văn Quý, đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An, cho rằng trong điều kiện các nguồn điện giảm đi rất nhiều khi các nhà máy điện, thủy điện lớn phát hết công suất cho thấy sự cần thiết phát triển thủy điện nhỏ và vừa. Tuy nhiên, phong trào đầu tư thủy điện nhỏ và vừa vào những năm 2006-2007 đã thể hiện nguyên nhân chủ quan, trình độ năng lực yếu kém, hạn chế, do dự báo không chính xác… cũng như quy hoạch chưa đi trước một bước.

Việc người đầu tư và người duyệt đều “dễ dãi,” chưa chặt chẽ cũng như sự nới lỏng trong cấp phép đầu tư, không tính đến hậu quả, tác động cũng như ảnh hưởng sau đầu tư, đã dẫn đến tình trạng các công trình manh mún, hay khi xây dựng xong đưa vào vận hành có vấn đề, đặc biệt khi có lũ, ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh vùng và người dân vùng hạ du.

Đồng quan điểm với việc phát triển thủy điện, đại biểu Ngô Văn Minh, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Nam, chia sẻ, quy hoạch thủy điện phải đặt mục tiêu tổng hợp, trong đó mục tiêu đầu tiên là góp phần cung cấp điện cho quốc gia, tiếp đến là ngăn lũ, chặn lũ trong mùa mưa và cấp nước trong mùa kiệt... góp phần vào sự ổn định phát triển dân cư trong vùng, giữ vững môi trường sinh thái và các điều kiện kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, việc dừng gần 400 dự án thủy điện vừa qua cho thấy các dự án thủy điện đã không đạt các mục tiêu đề ra. Xảy ra việc dừng này là do cách làm quy hoạch cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp đầu tư.

“Việc chúng ta rà soát lại quy hoạch, rà soát lại chủ trương đối với những dự án công trình thủy điện dù mới chỉ là bước đầu nhưng tôi nghĩ động thái này đã cảnh báo một điều quản lý quy hoạch chưa tốt, tổ chức thực hiện chủ trương không đạt mục tiêu đề ra. Nhưng động thái mạnh mẽ quyết liệt dừng các dự án thủy điện sẽ giảm hậu quả do các dự án gây ra,” đại biểu Ngô Văn Minh nói.

Về việc bùng phát thủy điện vừa và nhỏ, cần xem xét nếu cố tình làm sai thì doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm. Còn nếu chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước đã cảnh báo mà doanh nghiệp cố tình hay thế lực nào đó cứ cố gắng đẩy cho được thủy điện, phải xem xét trách nhiệm của người quyết định, xử lý trách nhiệm.

Trường hợp sai phạm do nguyên nhân khách quan thì có thể chấp nhận, còn nguyên nhân do chủ quan, hay “đổ” cho trình độ, năng lực yếu kém, hạn chế hay không dự báo không chính xác…, điều này cũng cần phải được xem xét thấu đáo để xử lý trách nhiệm cho đúng mực.

Kiểm soát chặt chẽ tác động của thủy điện

Đại biểu Vũ Công Tiến, đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho rằng việc huy động nguồn lực từ tư nhân cho phát triển thủy điện vừa và nhỏ là hết sức đúng đắn nhưng cần phải phát triển trên cơ sở quy hoạch.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các dự án thủy điện phải đảm bảo các yếu tố như đánh giá tác động môi trường, đảm bảo môi trường cũng chất lượng công trình để không ảnh hưởng đến sinh hoạt thậm chí sinh mạng của người dân, phải đảm bảo quyền lợi của dân, phải tính toán cả kế hoạch chi tiết trong từng dự án thủy điện, yếu tố phục vụ đời sống nhân dân, yêu cầu của người dân khi giải tỏa, bố trí tái định cư cho phù hợp…

Về chất lượng xây dựng công trình thủy, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cũng trăn trở bởi đây là vấn đề “nổi lên” đối với chất lượng xây dựng các đập, ảnh hưởng đến lưu chuyển dòng nước, đe dọa đời sống những người đân xung quanh, đặc biệt là người dân vùng hạ du. Điển hình là việc xả lũ của các hồ thủy điện, thủy lợi vừa qua trong cơn bão số 10 và số 11 đã tác động lớn đến đời sống người dân.

Đại biểu Phạm Văn Quý nêu vấn đề, việc bùng phát công trình thủy điện, đặc biệt tại khu vực miền Trung thời gian qua cho thấy quy hoạch phát triển thủy điện mới chỉ là một phần, còn khi triển khai các dự án thủy điện phải chứng minh được tính khả thi của doanh nghiệp đầu tư và chính quyền hay cơ quan cấp phép phải tư vấn, đánh giá để tính khả thi đảm bảo các chỉ tiêu như có nước để sản xuất ra điện, đảm bảo vốn cho nhà đầu tư cũng như khi xảy ra các trận bão, lũ… không ảnh hưởng đến người dân.

Đối với việc bùng phát công trình thủy điện, đặc biệt tại miền Trung thời gian qua gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến đời sống người dân đặc biệt là việc xả lũ không chỉ là của ngành điện mà của nhiều ngành.

Đại biểu Ngô Văn Minh, tỉnh Quảng Nam nêu điển hình, việc có tiêu chí khi rà soát thực hiện công trình thủy điện là phải trồng lại rừng thì tiêu chí này không thể thực hiện được khi chiếm bao nhiêu rừng, ngập bao nhiêu rừng thì phải trồng lại chừng đó. Nhưng vấn đề đặt ra là lấy đất đâu mà trồng? Hay vấn đề phải nộp tiền thì nộp tiền là bao nhiêu… tiền đó trồng rừng ở đâu khi không có đất.

Giải pháp đề ra trong quy hoạch thủy điện bất cập khi không thể chiếm rừng đầu nguồn thì lại trồng rừng ven biển. Chưa kể đến việc lợi dụng làm thủy điện để tận thu rừng, mặc dù việc tận thu là đúng, nhưng không tận thu để rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn biến thành rừng nghèo kiệt.

Bên cạnh đó, việc lách luật khi không chỉ sử dụng diện tích được phê duyệt mà còn lấy sang diện tích lân cận để khai thác gỗ một cách trái phép, điều này đồng nghĩa với việc hủy diệt rừng. Vì vậy cần kiểm soát chặt chẽ các tác động khi xây dựng công trình thủy điện.

Đại biểu Ngô Văn Minh cũng chia sẻ, việc lũ quét, lũ bất thường xảy ra, có những công trình thủy điện đã vỡ, gây hậu quả đến vùng hạ du, điều này thấy rõ việc lũ lụt xảy ra tại miền Trung ngày một nhiều có ảnh hưởng của việc quy hoạch thủy điện. Điều này cho thấy, vấn đề đặt ra khi quy hoạch dự án thủy điện phải xem xét quy trình vận hành hồ, liên hồ.

“Chúng ta vận hành hồ có quy trình, theo quy trình, nhưng quy trình đó đúng hay sai, ai thẩm định? Quá trình vận hành cần phải điều chỉnh bổ sung cho hợp lý, hay mối quan hệ giữa các công trình với Ban Quản lý các dự án thủy điện cũng như đối với chính quyền địa phương. Cụ thể, về vấn đề xả lũ, trước khi mưa lũ xảy ra Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn đều đã có dự báo trước mấy ngày, có thể có độ sai lệch, nhưng hầu hết là đúng, điều này đồng nghĩa với việc Ban Quản lý vận hành công trình phải đoán trước để điều hành việc xả nước, tích nước thế nào cho hợp lý, đảm bảo quy trình, phù hợp với thực tiễn để không xảy ra thiệt hại," Đại biểu Ngô Văn Minh nói./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục