Ngày 6/3, Bộ Quốc phòng Niger cho biết 5 binh sỹ đã thiệt mạng trong một vụ nổ mìn ở vùng Torodi, phía Tây Nam nước này, nơi ngày càng diễn ra thường xuyên các vụ tấn công thánh chiến bằng thiết bị nổ tự chế (IED).
Trước đó, trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Niger cũng cho biết 3 binh sỹ khác đã bị thương trong vụ nổ ngày 4/3 khi một xe tuần tra của quân đội vướng phải IED.
Các binh sỹ này thuộc lực lượng chống thánh chiến gồm 2.160 người Niger, được thành lập vào tháng trước ở phía Tây Nam nước này, gần biên giới với Burkina Faso.
Kể từ năm 2017, khu vực Tây Niger thường xuyên là mục tiêu tấn công của các nhóm Hồi giáo cực đoan, bất chấp việc hàng nghìn binh sỹ chống thánh chiến được triển khai và tình trạng khẩn cấp được thiết lập trong khu vực này.
[Nhiều dân thường dân thiệt mạng trong vụ tấn công ở Niger]
Các cuộc tấn công sử dụng IED nhằm vào quân đội đã trở nên đặc biệt thường xuyên ở Torodi và vùng lân cận Gotheye. Cả hai địa phương này đều nằm trong khu vực "ngã ba biên giới," điểm nóng giữa ba nước Niger, Burkina Faso và Mali, nơi các nhóm thánh chiến, bao gồm tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Đại sa mạc Sahara (ISGS) tự xưng, đang hoạt động.
Các nguồn tin an ninh cho biết các chiến binh thánh chiến đã tuyển mộ nhiều thanh niên ở Niger, đặc biệt là ở các khu vực dọc biên giới với Burkina Faso, nơi chúng đã thiết lập một số căn cứ hậu cần.
Niger, quốc gia nghèo nhất thế giới theo Chỉ số Phát triển Con người của Liên hợp quốc, đang đồng thời phải chiến đấu với một cuộc nổi dậy thánh chiến khác ở khu vực biên giới phía Đông Nam giáp Nigeria, nơi các nhóm khủng bố Boko Haram và Nhà nước Hồi giáo tỉnh Tây Phi (ISWAP) hoạt động mạnh.
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum cho biết nước này đã huy động 12.000 binh sỹ tham gia các hoạt động chống thánh chiến./.