Nhiều dấu hiệu cho thấy châu Âu đang cố thoát khỏi cái bóng của Mỹ

Một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những lời công kích, Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng trở nên ít hướng về phía Tây hơn.
Nhiều dấu hiệu cho thấy châu Âu đang cố thoát khỏi cái bóng của Mỹ ảnh 1Khách du lịch thăm quan tại khu vực Tháp Eiffel ở Paris. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những lời công kích, Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng trở nên ít hướng về phía Tây hơn.

Ngày 16/7, Tổng thống Mỹ thậm chí còn cho thấy ông ngày càng xích lại gần hơn về phía đối thủ của EU là Tổng thống Nga Vladimir Putin sau cuộc gặp thượng đỉnh đặc biệt tại thủ đô Helsinki (Phần Lan).

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ngày 11-12/7, ông Trump đã công kích châu Âu là những "gã khờ."

Ngày 17/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã có lời phát biểu ám chỉ "bóng tối ngày càng tăng trong quan hệ chính trị quốc tế."

Chủ tịch nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện châu Âu Manfred Weber đánh giá cuộc gặp giữa Trump và Putin là sự cảnh tỉnh đối với EU và người châu Âu phải tự nắm lấy vận mệnh của mình.

Khi ông Trump khăng khăng quan điểm chính trị của mình là ưu tiên số 1, châu Âu đã buộc phải hành động. Nhiều dấu hiệu cho thấy châu Âu đang cố thoát khỏi cái bóng của nước Mỹ, đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu hay thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ngày 17/7, các lãnh đạo chủ chốt của EU đã có mặt ở Trung Đông, Nhật Bản và cả Trung Quốc để tìm kiếm sự hợp tác.

Cuộc gặp Mỹ-Nga diễn ra trong khi EU đang tìm cách tiếp cận với châu Á cho thấy hố sâu ngăn cách đang gia tăng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Trước đó, Tổng thống Trump cũng đã đưa ra các mức thuế trừng phạt nặng đối với thép và nhôm châu Âu.

[Mega Story] Quan hệ Trung Quốc-EU: "Đồng sàng, dị mộng"]

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, Trump đã nói Đức "bị tù giam" bởi Nga và xúi giục Anh kiện EU về các điều khoản Brexit (việc Anh rời khỏi EU). Nghiêm trọng hơn, Tổng thống Mỹ còn gọi khối 28 quốc gia này là "kẻ thù thương mại" của Mỹ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại của Quốc hội Đức Norbert Roettgen, đối với ông Trump thì các khái niệm về bạn bè, đồng minh, đối tác, đối thủ hay kẻ thù không tồn tại một cách rõ ràng.

Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi EU đã hướng đến những bạn bè ở nơi khác, và họ dường như đã tìm được "người bạn" này khi tuyên bố ngày 17/7 rằng EU và Nhật Bản đã gây dựng được "một thỏa thuận thương mại song phương lớn hơn bao giờ hết."

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, ông Donald Tusk phát biểu rằng đây là một hành động có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, vào thời điểm một số người hoài nghi về trật tự này.

Ông nói thêm rằng hai bên đang gửi một thông điệp rõ ràng là EU và Nhật Bản đứng cùng nhau chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Cách đây hai năm là thời điểm mà mối quan hệ của Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) hay thỏa thuận thương mại giữa EU và Mỹ được cho là tiến triển vượt bậc.

Tuy nhiên sau đó, Donald Trump đã nhanh chóng khẳng định một thỏa thuận quốc tế như vậy sẽ không xảy ra dưới thời của mình.

Với châu Âu, thói quen dựa dẫm vào Mỹ trong việc đảm bảo an ninh là một thách thức lớn mà họ đang gặp phải. Về mặt quân sự, trừ Pháp và Anh thì các đồng minh khác ở châu Âu đã quen sống dưới chiếc ô hạt nhân của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Hợp tác quốc phòng bên ngoài NATO do Mỹ chi phối hiện nay đang bị lu mờ và các cuộc đàm phán Brexit thường xuyên bị chặn đứng khiến triển vọng này trở nên đầy bất trắc.

Do đó, hội nghị thượng đỉnh Helsinki ngày 16/7 gây lo ngại rằng Trump có thể đưa ra những nhượng bộ đáng kể trước Putin, đồng thời phó mặc châu Âu với một sự bảo vệ tối thiểu.

Mặc dù mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang bị chìm xuống mức thấp mới sau mỗi tuần, EU vẫn sẽ thực hiện một số nỗ lực khác trong tháng này để hàn gắn quan hệ.

Một trong số những nỗ lực đó là việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker có kế hoạch tới Mỹ vào ngày 25/7 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.