Nhiều diện tích lúa mới trổ bông và chuẩn bị gặt tại Vĩnh Phúc bị ngập

Dọc các tuyến đường về các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Bình Xuyên... thuộc tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều cánh đồng lúa mới trổ bông và chuẩn bị gặt bị ngập do mưa lũ.
Nhiều diện tích lúa mới trổ bông và chuẩn bị gặt tại Vĩnh Phúc bị ngập ảnh 1Diện tích trồng lúa và hoa màu ở Bình Xuyên- nơi có địa hình trũng và giáp sông Cầu Bòn tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bị ngập nước mưa lũ. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Những trận mưa lớn kéo dài từ ngày 22/5 đến hôm nay (24/5) đã khiến cả nghìn ha lúa mới trổ bông và chuẩn bị gặt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bị ngập trong nước mưa, nước lũ.

Điều này khiến nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang lo ngại bởi nếu nước mưa lũ không rút sớm, diện tích lúa ngập dài ngày có thể ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm của cây trồng và đặc biệt không ít hộ sẽ mất trắng mùa vụ.

Dọc các tuyến đường về các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Bình Xuyên... thuộc tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều cánh đồng lúa mới trổ bông và chuẩn bị gặt bị ngập do mưa lũ.

Trong khi đó, trong ngày 24/5 trên địa bàn tỉnh nhiều địa phương vẫn còn mưa và nước từ các địa bàn cao, phía thượng nguồn vẫn liên tiếp dồn về phía hạ lưu theo các sông, kênh, ngòi...

[Ruộng đồng ở Vĩnh Phúc, Tuyên Quang ngập nặng sau mưa lớn kéo dài]

Tại các xã Hợp Thịnh (Tam Dương), xã Đồng Văn (Yên Lạc) - những địa bàn cận kề Quốc lộ 2 nước mưa lũ chưa có dấu hiệu giảm và hàng chục ha lúa ở các xã này đang bị nhấn chìm trong nước mưa.

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Nhân dân huyện Tam Dương, mưa lớn kéo dài sau nhiều giờ từ ngày 22/5 đến 23/5 đã gây ngập úng một số tuyến đường trũng tại thị trấn Hợp Hòa, xã Duy Phiên… khiến các phương tiện di chuyển khó khăn, ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Về tình hình thiệt hại do mưa lớn, toàn huyện Tam Dương có gần 610 ha diện tích lúa và cây màu bị ngập úng; trong đó, diện tích lúa hơn 465 ha và diện tích cây màu 143 ha.

Huyện Lập Thạch, cơn mưa lớn kéo dài từ ngày 22/5 đến 23/5 khiến 660 ha lúa và rau màu bị ngập. Diện tích bị ngập úng tập trung chủ yếu ở các xã phía Nam của huyện như Tiên Lữ, Xuân Lôi…

Để khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra, Ủy ban Nhân dân huyện đã yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy lợi Lập Thạch, các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp huy động lực lượng tập trung khơi thông dòng chảy, kênh tiêu tạo thoát nước nhanh, không để gây ra thiệt hại về sản xuất.

Tại huyện Sông Lô, tính đến sáng 23/5, toàn huyện có hơn 700 ha lúa và 40 ha hoa màu bị ngập nước.

Nhằm chủ động ứng phó với tình hình mưa bão, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, huyện Sông Lô tiếp tục tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch phòng chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Huyện Bình Xuyên cũng có hàng chục ha lúa và hoa mùa bị ngập sâu trong mưa lũ. Phần lớn diện tích lúa và hoa màu của huyện bị ngập nằm ở các khu ruộng đồng trũng cạnh sông Cầu Bòn chảy qua huyện Bình Xuyên.

Sông Cầu Bòn là dòng sông nhỏ hẹp, bắt nguồn của dòng sông này từ Thác Bạc trên núi Tam Đảo, đổ xuống  xã Hồ Sơn hợp với suối Xạ Hương, suối Bàn Long thuộc xã Minh Quang (huyện Tam Đảo), chảy từ phía bắc xuống phía nam qua các xã thuộc huyện Bình Xuyên rồi đổ vào Sông Cánh đều thuộc huyện Bình Xuyên.

Tuy là dòng sông nhỏ nhưng mỗi khi có trận mưa lớn nước trên đồi núi... thượng nguồn đổ về hệ thống thủy lợi thoát không kịp và nước dâng cao phía dưới đồng ruộng, ảnh hưởng đến hoa màu của người dân.Trước tình hình mưa lũ bất ngờ, tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích ngập lụt và vận động người dân có các biện pháp khắc phục thiệt hại, nhất là nông dân ở nơi có địa hình canh tác trũng...

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão, vận hành an toàn các hồ đập và ứng phó mưa lớn, đồng thời yêu cầu các ngành chức năng  chủ động các biện pháp ứng phó với mưa bão; lắp đặt các biển cảnh báo tại một số tuyến đường có ngầm tràn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước diễn biến bất thường của thời tiết...

Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Từ đêm 22 đến ngày 24/5, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra mưa lớn diện rộng gây ngập úng, chia cắt một số nơi, làm nhiều tuyến đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi bị sạt lở cùng hàng ngàn héc ta hoa màu bị thiệt hại.

Nhiều diện tích lúa mới trổ bông và chuẩn bị gặt tại Vĩnh Phúc bị ngập ảnh 2Diện tích trồng lúa và hoa màu ở Bình Xuyên- nơi có địa hình trũng và giáp sông Cầu Bòn tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bị ngập nước mưa lũ. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Các ngành, địa phương tỉnh đang khẩn trương huy động lực lượng cùng người dân khắc phục hậu quả.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa đo được ở một số địa phương trên địa bàn trung bình trên 250mm. Nhiều nơi có lượng mưa lớn như huyện Tam Đảo trên 800mm, thành phố Vĩnh Yên trên 470mm, huyện Tam Dương 448mm…

Mưa lớn đã gây sạt lở tuyến đường Quốc lộ 2B khu vực đường đèo độc đạo dài khoảng 13km từ chân núi lên đến danh thắng Tam Đảo. Hàng trăm mét khối đất đá trên núi sạt lở, tràn xuống lòng đường tại các vị trí thuộc Km13, 14,  21 đường lên Tam Đảo.

Nước tiếp tục chảy từ trên các khe núi hòa với đất tạo thành bùn nhão khiến mặt đường bị trơn trượt, lưu thông khó khăn.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh phối hợp với các xã, thị trấn lập chốt kiểm soát để phân luồng, hướng dẫn người dân tham gia giao thông; đồng thời khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở.

Ngoài ra, mưa kéo dài trên địa bàn đã khiến hoa màu của người dân bị ngập úng, có nguy cơ bị thiệt hại. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc cho biết đã có hơn 4.900ha lúa và cây hoa màu bị ngập úng, hơn 23ha thủy sản bị ảnh hưởng.

Hiện nay, một số hồ, đập trên địa bàn tỉnh mức nước đã lên tới cao trình. Cụ thể, mực nước hồ Thanh Lanh đã lên tới +76,45m; mực nước hồ Đại Lải đã lên tới +21,08m.

Để đảm bảo an toàn hồ, đập, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã quyết định xả tràn.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các địa phương tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập úng; phối hợp với các xã, thị trấn theo dõi, cập nhật thông tin thời tiết; khuyến cáo người dân không di chuyển tại các khu vực gần sông, hồ dễ gặp hiện tượng sạt lở đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục