Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết Hàn Quốc luôn là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam với những con số minh chứng ấn tượng; luôn dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp trực tuyến Việt Nam-Hàn Quốc. (Nguồn: diendandoanhnghiep)

Chiều 8/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) tổ chức sự kiện trực tuyến "Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc: Hợp tác vì một tương lai bền vững.”

Diễn đàn tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan tới hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia; đặc biệt trong một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện lực và năng lượng tái tạo, hợp tác giáo dục, hợp tác xây dựng thành phố thông minh...

Đại diện phía Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết Hàn Quốc luôn là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam với những con số minh chứng ấn tượng. Hàn Quốc luôn dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc.

Tính hết năm 2020, Hàn Quốc có hơn 8.900 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 70,65 tỷ USD, đứng đầu trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, về cả tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam. Năm 2020, Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 66 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Cũng kể từ năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và cộng đồng kinh doanh của toàn cầu, trong đó có Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều ưu đãi và tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực không ngừng để thể chế hóa việc di chuyển thiết yếu của người dân và doanh nghiệp; đồng thời tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối trong khu vực.

Nhân diễn đàn này, ông Phòng cũng đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Theo đó, trước nhất là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chú trọng hợp tác phát triển hạ tầng viễn thông bao gồm hạ tầng di động băng thông rộng tại Việt Nam, phát triển hợp tác trong thương mại điện tử…

[Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc]

Ngoài ra, trong lĩnh vực năng lượng, doanh nghiệp hai nước cần tăng cường trao đổi thông tin, thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực phát triển các nhà máy điện và năng lượng tái tạo.

Riêng về giáo dục, Việt Nam-Hàn Quốc cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong trao đổi học sinh, sinh viên, cùng phát triển các phương pháp giảng dạy, công nghệ giáo dục tiên tiến ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo, big data…; nhất là trong đào tạo ngoại ngữ, đào tạo lao động công nghệ cao theo nhu cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ông Phòng cũng bày tỏ hy vọng Chính phủ hai nước và cộng đồng kinh doanh của hai quốc gia sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động kết nối kinh doanh trực tuyến, góp phần duy trì và thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật từ Hàn Quốc trong các ngành công nghiệp nói chung tại Việt Nam, từ đó tạo năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đánh giá triển vọng hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc, ông Taeho Bark, Chủ tịch Lee&Ko Global Commercial Institute, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong nhiều năm qua. Hiện nay, rất nhiều công ty và doanh nghiệp Hàn Quốc đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam. Đây chắc chắn sẽ là cơ hội tốt để cộng đồng kinh doanh hai nước tích cực tiếp cận và mở rộng hợp tác giữa các bên.

"Trong thời kỳ đương nhiệm, tôi nhận thấy, Việt Nam và Hàn Quốc cần bắt tay nhau để tích cực vận dụng hơn nữa những lợi thế và hiệu quả của các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương hiện có

Đồng thời, xem đây là cơ sở để hai nước cùng hiểu biết lẫn nhau, cùng thống nhất để mở rộng thị trường, cùng nhau tiến tới phát triển hoạt động đầu tư kinh doanh thương mại ở những nước thứ 3, cùng nhau thực hiện mục tiêu đã cam kết là tới năm 2023 sẽ đạt kim ngạch hai chiều ở mức 100 tỷ USD.

Song song đó, phát triển mạnh mẽ khu vực các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Muốn có được điều này, cộng đồng kinh doanh hai nước cũng nên tích cực phát triển các nền tảng thương mại điện tử để phù hợp với xu hướng chung và bối cảnh dịch bệnh như hiện nay," ông Taeho Bark nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục