Nhiều doanh nghiệp kêu gọi tỉnh Quảng Nam hỗ trợ xây nhà cho công nhân

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng đi cùng nhà đầu tư để làm việc với các bộ ngành, trung ương.
Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. (Ảnh: Hoàng Quang Hà/TTXVN)

“Không có công nhân, không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì doanh nghiệp có muốn xây khách sạn đẹp, hay công trình khang trang thì chỉ vài hôm là họ bỏ đi. Đấy là vấn đề lớn nhất, tôi chỉ có đề nghị tỉnh Quảng Nam và phía ngân hàng BIDV hỗ trợ để xây nhà ở cho người lao động, chúng ta có hạ tầng tốt, có chỗ ở cho người lao động tự khắc doanh nghiệp sẽ đến.”

Đó là kiến nghị của ông Trịnh Thanh Huy, Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư thương mại HB tại tọa đàm giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam với các nhà đầu tư do BIDV tổ chức ngày 28/2 tại Hà Nội.

Cuộc tọa đàm đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào Quảng Nam như Tập đoàn Sungroup, FLC, Công ty Việt Thành, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại HB, Tập đoàn Vinatex và một số doanh nghiệp lữ hành lớn.

Về đầu tư cho nguồn nhân lực, ông Trịnh Thanh Huy nêu ví dụ ở Bình Dương, lãnh đạo tỉnh đã nhận thức được vấn đề nguồn nhân lực này khi xây nhà ở cho công nhân, bù giá và kêu gọi công nhân về ở.

Đồng tình với quan điểm của ông Huy, ông Trần Minh Sơn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Sungroup cũng cho biết, Quảng Nam muốn phát triển được du lịch thì nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng rất quan trọng. Do đó, tỉnh cần phải xây dựng thêm các trường học, có như vậy người lao động mới yên tâm gắn bó lâu dài với địa phương.

Lắp ráp ôtô tại cơ sở của công ty trong Khu Phức hợp Chu Lai-Trường Hải (Quảng Nam). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho rằng, tỉnh Quảng Nam đang xây dựng 5 khu nhà ở cho công nhân ở huyện Điện Bàn, nơi tập trung đông công nhân. Quảng Nam sẽ có một trường đào tạo chuyên ngành về du lịch được đặt tại Hội An. Đây là cơ sở hợp tác với Thái Lan, Nhật Bản, Australia để cấp chứng chỉ quốc tế.

Cũng theo ông Thanh, trong thời gian qua, tỉnh đã đào tạo khoảng 32.000 lao động cho ngành may mặc, 16.000 lao động cho ngành cơ khí.

Ông Thanh cũng cam kết, lãnh đạo tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng đi cùng nhà đầu tư để làm việc với các bộ ngành, trung ương.

Ông Thanh đưa ra dẫn chứng cho việc đã đồng hành với doanh nghiệp: Nhà máy ôtô Trường Hải khi đến với Quảng Nam cũng không có ý định đầu tư lớn mà chỉ thuê khu đất 36,8 ha xây dựng một nhà máy vừa nhưng bây giờ đã lên tổ hợp 600 ha sử dụng gần 9.000 lao động, 12 nhà máy công nghiệp phụ trợ, 3 nhà máy lắp ráp.

Hiện tỉnh Quảng Nam đang tập trung thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực ưu tiên: Xây dựng kinh doanh các khu đô thị, du lịch ven biển, ven sông (nhất là khu ven biển từ Quảng Nam đến Chu Lai); đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là ngành cơ khí ôtô (hiện đã có Khu liên hiệp sản xuất ôtô của Trường Hải); phát triển công nghiệp chế biến sử dụng nông lâm thủy sản, khoáng sản; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp./.

Doanh nghiệp kêu gọi tỉnh Quảng Nam hỗ trợ xây nhà cho công nhân
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục