Cuộc tuần hành hằng năm nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5 thường thu hút hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới tham gia.
Năm nay, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành, ngày đoàn kết quốc tế của người lao động càng mang ý nghĩa to lớn hơn bởi dịch bệnh đã đẩy nền kinh tế toàn cầu bên bờ vực lao đao, khiến hàng triệu người bị mất việc.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa, nhiều cuộc tuần hành đã buộc phải hủy bỏ hoặc giới hạn số người tham gia, trong khi nhiều sự kiện chuyển sang tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tại Pháp, người lao động hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động năm nay bằng cách đưa ra những lời kêu gọi đòi quyền lợi trên các trang mạng xã hội và thậm chí là từ ban công, trong bối cảnh nước này vẫn đang thực thi giãn cách xã hội.
Tổng Thư ký Liên đoàn Lao động Pháp Philippe Martinez tuyên bố đây là cơ hội để người lao động nước này đưa ra những đòi hỏi về quyền lợi.
Theo ông, cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 cho thấy những đòi hỏi này là chính đáng.
Trong khi đó, tại Hy Lạp, chính phủ nước này đã yêu cầu các nghiệp đoàn hoãn tổ chức các cuộc tuần hành thêm ít nhất là một tuần. Tuy nhiên, nghiệp đoàn GSEE lớn nhất ở Hy Lạp đã kêu gọi tiến hành tổng đình công vào đúng Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
[Bảo vệ nguồn lực lao động là mục tiêu tối thượng của mọi nền kinh tế]
Còn tại Bồ Đào Nha, liên đoàn lao động CGTP đang lên kế hoạch tập hợp các lãnh đạo nghiệp đoàn tham gia sự kiện diễn ra ở khu đất trống - điểm kết thúc của cuộc tuần hành hằng năm nhân Ngày Quốc tế Lao động ở nước này.
Tại sự kiện năm nay, các lãnh đạo nghiệp đoàn sẽ giữ khoảng cách 4m với nhau, giương cao cờ và biểu ngữ kêu gọi đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Ở Phần Lan, mọi năm, các cuộc tuần hành nhân Ngày Quốc tế Lao động thường bắt đầu bằng sự kiện tụ họp nơi công cộng được cho là lớn nhất trong năm.
Tuy nhiên, năm nay, chỉ có một vài nhóm nhỏ tụ tập ở nơi vẫn thường diễn ra cuộc tuần hành rầm rộ của người lao động. Phần Lan vẫn đang áp dụng lệnh cấm tụ tập trên 10 người ở nơi công cộng.
Trong khi đó, các nghiệp đoàn ở Indonesia đã kêu gọi biểu tình dưới hình thức trực tuyến để bày tỏ phản đối một dự luật mà họ cho là có lợi cho doanh nghiệp, trong đó đơn giản hóa quy trình sa thải nhân viên.
Liên đoàn Lao động Indonesia cũng tổ chức quyên góp mua khẩu trang cho công nhân các nhà máy cũng như mua thực phẩm hỗ trợ những người bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Các sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động năm nay diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 29/4 vừa qua cảnh báo 3/4 số người lao động trong các lĩnh vực kinh tế phi chính thức, tức là khoảng 1,6 tỷ người, có nguy cơ mất kế sinh nhai do đại dịch COVID-19.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: "Khi xảy ra khủng hoảng dịch bệnh và việc làm, việc khẩn cấp là phải bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Đối với hàng triệu lao động, không có thu nhập là không có thức ăn, không an toàn và không có tương lai"./.