Nhiều hoạt động nâng cao ý thức về giảm ô nhiễm rác thải nhựa

Ngày 22/4, Tổ chức Việt Nam sạch và xanh phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức sự kiện Ngày Trái Đất 2018 chủ đề "Sống có trách nhiệm: Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa."
Nhiều hoạt động nâng cao ý thức về giảm ô nhiễm rác thải nhựa ảnh 1Tình nguyện viên tham gia nhặt rác thải trong Ngày Trái Đất năm 2018 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh Xuân Dự/TTXVN)

Ngày 22/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Việt Nam sạch và xanh phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện Ngày Trái Đất 2018 chủ đề "Sống có trách nhiệm: Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa" với sự tham gia của gần 2.000 tình nguyện viên.

Các tình nguyện viên được chia thành nhiều nhóm dọn rác thải tại các khu vực công cộng, công viên trên địa bàn quận 1, 2, 7 nhằm truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định.

Sáng 22/4, tại Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Sơn Trà (Đà Nẵng) tổ chức Chương trình hưởng ứng Ngày Trái Đất năm 2018 với chủ đề “Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa.”

Chương trình nhằm tuyên truyền, vận động người dân hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu sử dụng túi nilon và thực hiện phân loại các chất thải để tái chế rác thải.

Chương trình diễn ra với các hoạt động ý nghĩa như: ra quân làm sạch bãi biển và phân loại rác thải vô cơ và hữu cơ, đổi rác lấy các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa; các gian hàng trưng bày, giới thiệu về môi trường để nâng cao nhận thức về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa; các hoạt động tương tác, vui chơi, tìm hiểu về xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, triển lãm ảnh các hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức, câu lạc bộ trên địa bàn thành phố.

Tại buổi lễ, hơn 500 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các hội đoàn thể, các câu lạc bộ, nhóm tình nguyện và người dân Đà Nẵng tham gia sự kiện và ra quân dọn vệ sinh môi trường.

Ngày Trái Đất 22/4 hàng năm là một sự kiện môi trường được cả thế giới tổ chức, kêu gọi sự tham gia tích cực của mỗi người để bảo vệ hành tinh.

Đây là năm thứ 7 liên tiếp Trung tâm CECR tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Trái Đất, và là lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố biển Đà Nẵng.

Chương trình Ngày Trái Đất 2018 tại Đà Nẵng được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh.”

Dự án nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố Xanh và Thông minh.”

Sự kiện Ngày Trái Đất 2018 chủ đề "Sống có trách nhiệm: Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa" đồng thời diễn ra tại thành phố Hà Nội, Huế, Hội An và huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) với sự tham gia của hơn 4.000 tình nguyện viên trong cả nước.

Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, người sáng lập Tổ chức Việt Nam sạch và xanh, để giảm thải rác thải nhựa, mỗi người cần hạn chế mức thấp nhất sử dụng các sản phẩm nhựa, từ chối sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và túi nilông khi mua hàng hóa, thực phẩm.

Cần có ý thức sử dụng những túi xách bằng nguyên liệu thân thiện môi trường, những vật dùng có thể tái sử dụng nhiều lần.

Ống hút bằng thân cây sậy, bằng thủy tinh, bằng inox là những sản phẩm có thể thay thế hoàn toàn cho ống hút nhựa, các vật dụng thường được làm bằng nhựa như bàn chải đánh răng, bàn chải giặt quần áo cũng có thể được chế tạo từ gỗ hoặc các vật liệu thân thiện môi trường.

[Thanh niên vùng biển tiên phong vì một thế giới không ô nhiễm rác thải]

Theo một nghiên cứu quốc tế vừa công bố, Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra biển mỗi năm.

Rác thải nhựa ở đại dương phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy sản, trên đất liền, rác thải nhựa có ở nhiều nơi và gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người.

Các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường đề xuất giải pháp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thay đổi thói quen, nhận thức của cộng đồng trong sử dụng rác thải nhựa, sử dụng tiết chế và tái sử dụng tối đa đồ dùng bằng nhựa.

Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính trong việc thực hiện các dự án tái chế rác thải nhựa, dự án nghiên cứu sản xuất sản phẩm bằng nguyên liệu thân thiện môi trường.

Nhà nước cần ban hành các chính sách giảm sản xuất đồ dùng bằng nhựa, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất đồ dùng bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường thay thế đồ dùng bằng nhựa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục