Ngày 12/5, Hội thảo “Điện ảnh Nhật Bản - Kinh nghiệm thành công và hướng hợp tác sản xuất với Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng lần thứ I năm 2023 (DANAFF I).
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Hội thảo là sự kiện rất ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (1973-2023) và Quốc hội nước ta vừa ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) xác định điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, điện ảnh đã trở thành một phương tiện truyền thông quốc tế quan trọng, mang lại những giá trị thẩm mỹ và văn hóa đa dạng cho các khán giả trên toàn thế giới, trong đó, điện ảnh Nhật Bản là một điểm sáng nổi bật với nhiều tác phẩm ấn tượng đã được chào đón trên thị trường quốc tế.
Điện ảnh Nhật Bản thành công nhờ vào những yếu tố đặc biệt như cốt truyện sâu sắc và tinh tế, kỹ xảo đẹp mắt, ý tưởng đột phá và điểm nhấn văn hóa đặc trưng.
Những tác phẩm như "Kimi no na wa," "Shoplifters" đã gây được tiếng vang lớn trên toàn thế giới, đem lại niềm tự hào cho người Nhật Bản và góp phần quảng bá văn hóa đất nước.
Với sự phát triển của công nghệ, nền điện ảnh Nhật Bản đã tiến bộ vượt bậc trong việc áp dụng các kỹ xảo và công nghệ tiên tiến. Hàng loạt bộ phim được sản xuất bằng công nghệ 3D, IMAX hay hình ảnh siêu nét HDR đã mang lại trải nghiệm hấp dẫn và chân thực cho khán giả.
Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, thành công của điện ảnh Nhật Bản không chỉ đến từ yếu tố kỹ thuật mà còn đến từ việc tôn trọng cảm xúc của khán giả.
Nhiều tác phẩm của điện ảnh Nhật Bản được tạo ra không phải là để kiếm lời, mà mang một thông điệp văn hóa, xã hội và tinh thần cao đẹp, giúp khán giả cảm giá trị nhân văn của cuộc sống.
Trên thực tế, điện ảnh Nhật Bản đã đóng góp vào hoạt động quảng bá văn hóa, vẻ đẹp đất nước và con người Nhật Bản đến toàn thế giới. Các tác phẩm phim, bộ phim và những sản phẩm giải trí nổi tiếng đã giúp các khán giả khắp thế giới có được những bức tranh đẹp, câu chuyện truyền cảm hứng về Nhật Bản.
[Chuyên gia Nhật: Hoạt hình Việt Nam cần nhân vật tốt, mang tính biểu tượng]
“Qua hội thảo, chúng ta sẽ có nhiều thông tin hữu ích về kinh nghiệm của điện ảnh Nhật Bản và từ đó trao đổi để có thể áp dụng thành công vào thị trường Việt Nam, nhất là khi điện ảnh Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Hội thảo sẽ mang đến những ý tưởng mới, sáng tạo và giúp nâng cao văn hóa, nghệ thuật điện ảnh của cả hai nước,” ông Bùi Hoài Sơn nói.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thành công của điện ảnh Nhật Bản; việc hợp tác sản xuất phim giữa điện ảnh Nhật Bản và điện ảnh Việt Nam; các tiềm năng và xu hướng hợp tác sản xuất hoạt hình giữa Nhật Bản và Việt Nam…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Nguyễn Thị Hội An chia sẻ, thành phố luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế. Trong đó, công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp điện ảnh nói riêng là một trong những trọng tâm thành phố chú trọng phát triển.
Thành phố cam kết sẽ có những cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, thu hút đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực điện ảnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Đà Nẵng trong tương lai.
Ông Yakabe Yoshinori, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng cho rằng, với các trao đổi giữa các đại biểu, hai bên sẽ tìm ra những cơ hội để hợp tác sản xuất phim giữa điện ảnh Nhật Bản-Việt Nam; Hội thảo còn là sự kiện đặc biệt để kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Ông Yakabe Yoshinori kỳ vọng hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về lĩnh vực điện ảnh trong thời gian tới.
Nhà Phê bình điện ảnh Singapore Philip Cheah, đánh gia cao vị trí địa lý, các điều kiện tự nhiên thuận lợi của Việt Nam để thúc đẩy kết nối sản xuất điện ảnh với các nước. Trong tương lai, hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản còn rất rộng mở.
Theo Đạo diễn Đặng Tất Bình, các nhà làm phim của Việt Nam và Nhật Bản có sự đồng cảm về tư duy làm phim dễ tạo cơ hội để kết nối, hiểu nhau cùng làm việc.
Ngoài ra, sự tinh thông về nghề nghiệp, tính kỷ luật, sự chuẩn bị chu đáo cho công việc của các chuyên gia trong đoàn làm phim của Nhật Bản là những kinh nghiệm quý để các nhà làm phim Việt Nam học tập được nhiều kinh nghiệm.
Nhiều ý kiến khác tại hội thảo cho rằng, hiện nay, nhiều diễn viên người Nhật Bản ở Nhật Bản và ở Việt Nam muốn tham gia đóng phim tại Việt Nam cũng là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác sản xuất phim trong tương lai.
Với Luật Điện ảnh (sửa đổi), các thủ tục làm phim hiện nay sẽ thông thoáng, đơn giản hơn. Làm phim ở Việt Nam có chi phí thấp hơn, lợi nhuận của phim sẽ tăng lên. Điều này thu hút các đoàn làm phim nước ngoài.
Bên cạnh đó, các nhà làm phim của Việt Nam cần chủ động tìm kiếm đối tác hợp tác và các nhà làm phim của Nhật Bản yêu mến Việt Nam và có các dự án phim sẵn lòng trao đổi với nhà làm phim Việt Nam để hai bên kết hợp sản xuất nhiều dự án phim hay, thúc đẩy ngành Điện ảnh hai bên ngày càng phát triển.../.