"Hiến kế" để Việt Nam trở thành phim trường của điện ảnh thế giới

Người làm phim cho biết quay phim ở Việt Nam phải xin quá nhiều giấy phép, thời gian chờ đợi lại lâu, nếu có một hội đồng hướng dẫn về địa phương, hỗ trợ làm các giấy tờ thì sẽ có lợi đôi bên.
"Hiến kế" để Việt Nam trở thành phim trường của điện ảnh thế giới ảnh 1Hội thảo về phát triển công nghiệp điện ảnh, thông qua việc xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng, đặc biệt với các đoàn quốc tế. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Từ lâu nay, việc đón đoàn quốc tế đến quay phim là một cách quảng bá du lịch, đóng góp cho kinh tế hiệu quả tại nhiều quốc gia. Việt Nam với nhiều cảnh đẹp tự nhiên, giá trị văn hóa đặc sắc được nhiều dự án phim ảnh quốc tế nhắm đến làm phim trường.

Thực tế cho thấy, nhiều khán giả xem những bộ phim có cảnh đẹp sẽ muốn "check-in," đi du lịch tại địa điểm đó. Tại Việt Nam, phim trường "Kong" (Ninh Bình), "Hoa vàng trên cỏ xanh" (Phú Yên) cũng được nhiều người tìm đến.

Tuy phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định việc thu hút đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam quay, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước con người là chủ trương lớn và xuyên suốt, song trên thực tế số lượng đoàn phim thực sự đến Việt Nam là không hề nhiều.

[LHP Đà Nẵng: Tạo môi trường làm phim thuận lợi ở thành phố đáng sống]

Tại Hội thảo Phát triển công nghiệp điện ảnh-Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng tổ chức chiều ngày 10/5 (trong khuôn khổ Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng lần 1), theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc trên là thiếu chính sách hỗ trợ của địa phương với các đoàn quay.

Tổng giám đốc BHD, bà Ngô Thị Bích Hạnh, đứng ở vị trí nhà sản xuất phim trong nước dẫn đoàn quốc tế đi quay tại Việt Nam chỉ ra nguyên nhân là khâu xin giấy tờ, "giấy phép con" quá phức tạp và mất thời gian.

"Hiến kế" để Việt Nam trở thành phim trường của điện ảnh thế giới ảnh 2Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc BHD. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi đó, theo bà Hạnh, khi cùng đoàn đi quay phim ở Hàn Quốc thì hội đồng phim của thành phố sẽ dẫn đoàn tới nơi có địa điểm quay phù hợp đồng thời lo toàn bộ giấy tờ cho đoàn phim.

"Họ rất hỗ trợ công nghiệp văn hóa. Nếu chúng ta cũng có một cơ quan như vậy thì người làm phim chúng tôi có thể thỏa sức sáng sáng tạo và tiết kiệm chi phí, thời giam," bà Bích Hạnh nhận xét.

[Bàn giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam và ĐNA]

Một số chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra nhiều đoàn phim khi đến trong tình trạng "lạ nước lạ cái," không nắm được địa phương có những gì, nhiều khi gặp khó trong việc làm thủ tục, tìm điểm quay phù hợp... Vì vậy, việc trở thành "phim trường" của quốc tế dẫu rất lý tưởng, nhưng khó thực hiện đã nhiều năm nay. 

Có một hội đồng phim của địa phương chuyên hỗ trợ những nhiệm vụ này là điều mà nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã làm được. Ông Franck Priot - Cựu Giám đốc điều hành Ủy ban Điện ảnh Pháp (Film Franck) cho rằng thậm chí, nếu một thành phố tận dụng đủ tốt, chọn lọc những biểu tượng hoặc cảnh quan "đinh" của mình thì hoàn toàn có thể giới thiệu nơi này cho đoàn phim, tạo sự có lợi đôi bên.

Với Đà Nẵng, theo ông Franck Priot, biểu tượng Cầu Rồng hoàn toàn có thể là một cảnh quan như vậy.

"Hiến kế" để Việt Nam trở thành phim trường của điện ảnh thế giới ảnh 3Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng - ông Hà Vỹ chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Các chuyên gia cho rằng chủ trương của Nhà nước trong việc mời gọi các đoàn phim quốc tế đến Việt Nam đã có, song việc hiện thực hóa thế nào cho cụ thể, hiệu quả cũng thuộc nhiệm vụ của địa phương. Đà Nẵng - nơi đang tổ chức liên hoan phim quy mô quốc tế đầu tiên đã có một số chủ trương đưa điện ảnh vào một mũi nhọn trong mục tiêu phát triển kinh tế.

Chia sẻ với Báo Điện tử VietnamPlus, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao thành phố Đà Nẵng - ông Hà Vỹ cho biết ý tưởng có một hội đồng phim như vậy là hoàn toàn khả thi. "Hiện nay các trung tâm văn hóa, điện ảnh tại Đà Nẵng đã có sẵn và có thể thực hiện nhiệm vụ này," ông Hà Vỹ nhận xét.

Ông Hà Vỹ nói thêm: Các đơn vị sự kiện, văn hóa của Đà Nẵng hiện nay đã tương đối phát triển. Các đoàn phim có thể kết hợp với những đơn vị như vậy để quá trình làm việc được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhiệm vụ của địa phương sẽ là phải huấn luyện, tập huấn làm sao để tăng cường khả năng đáp ứng những chức năng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục