Giới phân tích dự báo các ngân hàng trên toàn cầu đang đứng trước khả năng phải chi trả số tiền lớn hơn nhiều để giải quyết các vụ kiện dân sự tại Anh và châu Á, những thị trường ngoại hối có khối lượng giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày.
Nhận định trên được đưa ra sau khi chín ngân hàng hàng đầu thế giới gồm Barclays, Goldman Sachs, HSBC, Royal Bank of Scotland, Bank of America, Citibank, BNP Paribas, JPMorgan và UBS cuối tuần qua đã phải chi 2 tỷ USD bồi thường cho các nhà đầu tư Mỹ bị thiệt hại bởi các hoạt động thao túng tỷ giá.
Giới luật sư cho biết các ngân hàng có thể đối mặt với các vụ kiện thao túng tỷ giá tại Tòa án tối cao London ngay trong mùa Thu tới. Các nhà đầu tư, gồm các công ty, các quỹ đầu tư, quỹ lương hưu…, dự kiến cũng sẽ kiện lên tòa án tại hai thị trường ngoại hối lớn ở châu Á là Hong Kong và Singapore, qua đó cáo buộc các ngân hàng đã cấu kết để thao túng tỷ giá.
Trước đó, hồi tháng Năm vừa qua, sáu ngân hàng lớn đã bị các nhà chức trách Mỹ và Anh phạt khoản tiền kỷ lục lên tới gần 6 tỷ USD vì thao túng tỷ giá trên thị trường ngoại hối toàn cầu có khối lượng giao dịch mỗi ngày trung bình khoảng 5.300 tỷ USD và thao túng lãi suất liên ngân hàng London (Libor).
Giới phân tích cho rằng để giải quyết các vụ kiện tại London (trung tâm giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới, chi phối hơn 40% thị trường ngoại hối toàn cầu), các ngân hàng sẽ phải chi các khoản tiền bồi thường ước tính có thể lên tới hàng chục tỷ bảng Anh, tức là lớn hơn nhiều so với tại New York.
Theo các chuyên gia, vào giai đoạn này vẫn còn quá khó để có thể ước lượng được tác động về mặt tài chính đối với các ngân hàng bị cáo buộc thao túng tỷ giá./.