Trong bối cảnh làn sóng người di cư chạy trốn khỏi chiến tranh, đói nghèo ở các quốc gia Trung Đông sang châu Âu vẫn đang diễn biến phức tạp, ngày 29/9, nhiều nước đã cam kết tăng cường viện trợ cho người tị nạn Syria và Iraq.
Phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết cấp khoản viện trợ hơn 1,5 tỷ USD giúp đỡ những người tị nạn Syria và Iraq, cũng như ủng hộ những nỗ lực kiến tạo hòa bình ở Trung Đông và châu Phi.
Cụ thể, gói viện trợ trên bao gồm 810 triệu USD để hỗ trợ những người tị nạn và những người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ngay tại Syria và Iraq. Con số này gấp 3 lần khoản viện trợ mà Tokyo đã cung cấp hồi năm ngoái. Ngoài ra, Nhật Bản cũng cấp 750 triệu USD cho hoạt động kiến tạo hòa bình ở khu vực Trung Đông và châu Phi. Quốc gia này cũng dành 2 triệu USD để hỗ trợ Liban - nước hiện tiếp nhận hơn 1,1 triệu người tị nạn Syria, cùng 2,5 triệu USD hỗ trợ Serbia và Macedonia - hai nước được coi là điểm quá cảnh của người tị nạn trong hành trình đến Liên minh châu Âu (EU).
Cùng với Nhật Bản, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cùng một số quốc gia châu Âu và vùng Vịnh cũng cam kết chi 1,8 tỷ USD cho công tác hỗ trợ người tị nạn của Liên hợp quốc.
Phát biểu trước báo giới bên lề khóa họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết 19 nước đã nhất trí cung cấp khoản viện trợ trên cho các tổ chức viện trợ quốc tế của Liên hợp quốc, đặc biệt là Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn và Chương trình Lương thực Thế giới. Hiện các cơ quan viện trợ của Liên hợp quốc đang thiếu hụt tài chính trầm trọng trong bối cảnh gánh nặng đang ngày càng gia tăng do các cuộc xung đột tại Trung Đông.
Quyết định trên được đưa ra theo sáng kiến của Ngoại trưởng Steinmeier cùng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Antonio Guterres. Trước đó, Ngoại trưởng Steinmeier cũng thông báo Đức sẽ cung cấp khoản viện trợ 113 triệu USD cho các cơ quan của Liên hợp quốc để hỗ trợ người tị nạn tại nước này./.