Nhiều nước cân nhắc ngừng xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ

Nhiều nước trên thế giới tiếp tục bày tỏ quan ngại về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria, đồng thời cân nhắc dừng cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Ankara.
Khói bốc lên sau một cuộc tấn công tại Tal Abyad, Syria, ngày 13/10/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Khói bốc lên sau một cuộc tấn công tại Tal Abyad, Syria, ngày 13/10/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 15/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm, trao đổi về những diễn biến thực địa nguy hiểm tại Đông Bắc Syria.

Theo người phát ngôn của Thủ tướng Johnson, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ về vấn đề này.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết nước này sẽ dừng cấp các giấy phép xuất khẩu vũ khí mới cho Thổ Nhĩ Kỳ vì quan ngại chiến dịch quân sự nói trên của Ankara.

Phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Raab tuyên bố: "Chính phủ Anh chịu trách nhiệm nghiêm túc trong việc kiểm soát xuất khẩu vũ khí và trong trường hợp này, dĩ nhiên, chúng ta sẽ đặt những hoạt động xuất khẩu quốc phòng sang Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự suy xét cực kỳ cẩn trọng và liên tục."

[Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tấn công người Kurd cho đến khi 'đạt mục tiêu']

Ông nêu rõ Anh sẽ không cấp thêm những giấy phép xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ những thiết bị có thể được sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Syria.

Ngoài Anh, Cộng hòa Séc cũng đã quyết định ngừng cấp các giấy phép xuất khẩu thiết bị quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên mạng xã hội Twitter, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Séc Jan Hamacek xác nhận: "Cộng hòa Séc ngay lập tức dừng cấp các giấy phép xuất khẩu thiết bị quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ."

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã không phối hợp hành động trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận các phương án và sẽ hành động cùng nhau.

Trả lời báo giới, quan chức Đức nhấn mạnh tới tầm quan trọng của phối hợp các hành động ở cấp độ quốc tế. Ông kêu gọi chấm dứt tình trạng căng thẳng quân sự ở Syria.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã bày tỏ quan ngại về những hậu quả từ chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria đối với cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: "Tôi lo ngại về những hậu quả ảnh hưởng đến những thành tựu mà chúng ta đạt được trong cuộc chiến chống kẻ thù chung IS"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.