Nhiều trải nghiệm cho du khách dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2024

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2024, Phú Thọ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh,” lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác.

Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường dịp Giỗ Tổ 2023. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường dịp Giỗ Tổ 2023. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Tỉnh Phú Thọ tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng với mong muốn mang lại cho du khách những trải nghiệm mới khi về tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2024.

Hấp dẫn tour “Về miền Di sản UNESCO ghi danh”

Bà Phùng Thị Hoa Lê, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, cho biết dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2024, Sở ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh.” Trong đó, lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác trong tỉnh.

Tuyến du lịch 1 ngày sẽ có hai lựa chọn: Đền Hùng, miếu Lãi Lèn, làng cổ Hùng Lô (hoặc đền Hùng - miếu Lãi Lèn); tuyến du lịch 2 ngày 1 đêm gồm: Đền Hùng, đình cổ Hùng Lô, đền Tam Giang, đồi chè Long Cốc, khu du lịch Wyham Thanh Thủy. Tuyến 3 ngày 2 đêm gồm: Đền Hùng, đồi chè Long Cốc và Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Theo bà Lê, du khách khi tham gia tour du lịch này sẽ được thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản Văn hóa phi Vật thể của nhân loại tại Khu di tích lịch sử đền Hùng; thưởng thức làn điệu hát Xoan - Di sản Văn hóa phi Vật thể của nhân loại được UNESCO vinh danh và tham quan đình cổ Hùng Lô - quần thể di tích có giá trị văn hóa, tiêu biểu trên vùng đất Tổ; miếu Lãi Lèn - nơi phát tích làn điệu Hát Xoan Phú Thọ.

Du khách còn được tham quan đền Tam Giang, ngôi đền 1.300 năm tuổi, tọa lạc tại hợp điểm của 3 dòng sông Hồng, sông Lô, sông Đà…

Đặc biệt, khi tham gia tour du lịch này, du khách còn được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt mỹ, đẹp như thơ của đồi chè Long Cốc. Đây là điểm đến hấp dẫn bậc nhất ở huyện Tân Sơn, Phú Thọ.

Ngoài ra, du khách còn được trekking trong rừng, tìm hiểu hệ sinh thái rừng, khám phá cảnh sắc tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, thưởng thức ẩm thực người Mường nơi đây.

Theo bà Lê, dịp này, ngành Du lịch Phú Thọ triển khai Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo thêm nhiều tuyến liên kết du lịch hấp dẫn nhằm thu hút khách như “Hành trình Về nguồn," “Du lịch Liên kết - Vòng cung Tây Bắc."

Đồng thời, tỉnh liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ qua việc đón khách du lịch từ sân bay Nội Bài đến du lịch, lưu trú tại Phú Thọ và đi tham quan các tỉnh Tây Bắc.

Nhiều hoạt động tạo dấu ấn

Theo ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9/4 đến hết ngày 18/4 (tức từ mùng 1/3 đến hết mùng 10/3) tại thành phố Việt Trì, Khu Di tích lịch sử đền Hùng, các huyện, thị, thành trong tỉnh.

Phần lễ được tổ chức đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, thành kính, mang tính cộng đồng, an toàn, văn minh, tiết kiệm với nhiều nghi thức quan trọng như: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày mùng 6/3 âm lịch (ngày 14/4/2024); Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong" ngày mùng 10/3 âm lịch (ngày 18/4/2024); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh từ ngày 1-10/3 âm lịch (từ ngày 9-18/4).

Nội dung phần hội được gắn kết chặt chẽ với sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch góp phần thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ, quảng bá tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch văn hóa Phú Thọ tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch thập phương về trảy hội dịp diễn ra Lễ hội đền Hùng và tham quan, trải nghiệm du lịch đất Tổ thời gian tới.

Nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ diễn ra, trong đó, chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 tổ chức tại Sân khấu Trung tâm lễ hội - Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Các hoạt động khác được tổ chức tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trong suốt thời gian diễn ra lễ hội như: Hội trại văn hóa và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng; Liên hoan văn nghệ quần chúng, dân ca Phú Thọ; Trưng bày hoa lan nghệ thuật; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trình diễn múa Lân - Sư - Rồng (ngày 7/3 âm lịch) tại khu vực trục hành lễ - Trung tâm lễ hội và các hoạt động thể dục, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; Lễ rước kiệu các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích về đền Hùng ngày 7/3 âm lịch (ngày 15/4/2024)...

Nhiều hoạt động diễn ra tại trung tâm thành phố Việt Trì: Trưng bày hiện vật, di sản tư liệu thế giới, sách báo, tư liệu ảnh tại Bảo tàng Hùng Vương - Thư viện tỉnh Phú Thọ và Bảo tàng Hùng Vương; Hội chợ Thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP tại Sân vận động Bảo Đà (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì); Chương trình âm nhạc đường phố “Việt Trì Livemusic” tại Công viên Văn Lang; trình diễn hát Xoan làng cổ từ ngày 6/3 đến hết ngày 10/3 âm lịch tại các phường Xoan cổ trên địa bàn thành phố Việt Trì; Hội thi Bơi trải mở rộng tại hồ công viên Văn Lang vào ngày 6/3 âm lịch; Giải bóng chuyền các đội cạnh tranh cúp Hùng Vương diễn ra từ ngày 3/3 đến hết ngày 6/3 âm lịch.

Đặc biệt, chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao tại Sân khấu phía Nam Công viên Văn Lang vào tối 9/3 âm lịch mang đến không khí tươi vui, phục vụ đông đảo nhân dân và du khách về với đất Tổ.

Tại các địa phương, huyện có di tích thờ cúng Vua Hùng và nhân vật lịch sử thời Hùng Vương xây dựng kế hoạch tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Vua Hùng và các bậc tiền nhân tại điểm di tích, khuyến khích nhân dân chuẩn bị mâm cơm, lễ vật để thắp hương tưởng nhớ tại nhà nhằm phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt, góp phần bảo tồn giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Chị Tẩn Tả Mấy, Chủ nhiệm Hợp tác xã cộng đồng người Dao đỏ, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa thực hiện chưng vật liệu truyền thống để sử dụng trong tắm thuốc chữa bệnh. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Khởi động tour du lịch Yoga tại Sa Pa năm 2024

Tham gia tour, du khách sẽ được giới thiệu về bộ môn Thiền chuông, Thiền chuông trị liệu, Thiền chữa lành; tập Thiền và Yoga tại các điểm du lịch tiêu biểu như Khu du lịch Hàm Rồng; Fansipan Legend...