Sau khi Chính phủ đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP phù hợp với điều kiện cụ thể, Đề án tuyển sinh năm 2023 của nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo mức học phí cho năm 2023-2024 tăng so năm học trước.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mức học phí năm học 2023-2024 là 33 triệu đồng cho hệ đại trà và 50 triệu đồng với chương trình tiên tiến. Trong khi đó, học phí năm học trước là 29 triệu đồng hệ đại trà và 45 triệu đồng chương trình tiên tiến.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến học phí 24,9-30,4 triệu đồng/năm học với hệ đại trà, 30,9-50,8 triệu đồng/năm học với chương trình chất lượng cao. Chương trình tiên tiến là 53 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, ở năm học trước, học phí của trường dao động 21,5-47,3 triệu đồng/năm học, tùy hệ đào tạo.
Năm 2023-2024, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mức học phí trung bình 30 triệu đồng/năm học đối với sinh viên hệ đại trà (tăng 2,5 triệu đồng so với năm trước); 80 triệu đồng/năm học với sinh viên chương trình chất lượng cao, tiên tiến (tăng 8 triệu đồng so với năm trước).
Còn tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, với khóa tuyển sinh năm 2023 sẽ có mức học phí 940.000 đồng/tín chỉ ở năm thứ nhất, năm thứ hai là 1,1 triệu đồng/tín chỉ, năm thứ ba là 1,24 triệu đồng/tín chỉ và năm thứ tư là 1,4 triệu đồng/tín chỉ.
Mức học phí của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh được thông báo trongĐề án tuyển sinh năm 2023 cũng tăng so với năm học trước. Theo đó, năm học 2023-2024 dự kiến học phí các ngành dao động từ 4,18-7,7 triệu đồng/tháng (năm học trước 3,7-7 triệu đồng/tháng).
Theo nhà trường, tổng chi phí đào tạo trung bình của 1 sinh viên/năm học của trường trong năm 2022 là hơn 31 triệu đồng. Trường dự kiến lộ trình tăng học phí tối đa 10% cho từng năm.
Cùng với thực hiện lộ trình tăng học phí qua các năm, các trường đại học cũng triển khai các chính sách học bổng cho sinh viên giỏi và hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, nhiều trường trích từ 8-15% tổng thu học phí của khóa tuyển sinh để hỗ trợ học bổng cho tân sinh viên hoặc các học bổng khuyến khích, thu hút sinh viên và các ngành khoa học cơ bản, ngành đào tạo ưu tiên của trường...
Bên cạnh nguồn kinh phí từ học phí, các trường cũng kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp để tăng nguồn lực hỗ trợ, cấp học bổng cho sinh viên, nhất là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
[Sốt ruột chờ thông tin tăng học phí đại học mùa tuyển sinh năm 2023]
Dù vậy, lượng sinh viên có thể giành được các suất học bổng này cũng còn khiêm tốn so với lượng tuyển đầu vào mỗi năm ở các trường. Trong bối cảnh tự chủ đại học, điều chỉnh tăng học phí, theo các chuyên gia, mở rộng chính sách tín dụng cho sinh viên là một trong những giải pháp hiệu quả để các em có thêm điều kiện học tập.
Khảo sát của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trên 10% sinh viên của đại học này có nhu cầu sử dụng chính sách tín dụng. Trong khi đó, mô hình đang được triển khai tại đơn vị này có quy mô rất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của sinh viên. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thiết kế chính sách tín dụng cho sinh viên là cần thiết.
Đây là một trong những đề án Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân Thành phố xây dựng từ năm 2022. Để triển khai thực tiễn chính sách này cần có chủ trương của Ủy ban Nhân dân Thành phố trong việc triển khai cơ chế đột phá, đặc thù của thành phố; như cơ chế triển khai, huy động và tạo nguồn vốn tín dụng cho sinh viên, dùng ngân sách của thành phố cấp bù cho trường hợp rủi ro mất vốn.
Ghi nhận ý kiến của các trường học cũng như nhu cầu sinh viên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đang hoàn thiện và chuẩn bị vận hành cơ chế chính sách tín dụng mới có quy mô lớn hơn, để tăng lượng sinh viên được tiếp cận chính sách này. Trong đó, Thành phố sẽ có cơ chế huy động đa dạng nguồn lực, từ đó mở rộng đối tượng tiếp cận chính sách./.