Theo AFP, nhiều ứng cử viên tổng thống Mỹ đồng loạt chỉ trích Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử của Nhà nước Do thái, hôm 9/3.
Các chính trị gia Mỹ theo truyền thống thường hoan nghênh mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Israel, và lời đảm bảo về sự tiếp tục của những mối quan hệ này đã trở thành một tiêu chuẩn trong đường lối của chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, ứng cử viên của đảng Dân chủ Beto O'Rourke cho rằng mặc dù mối quan hệ này là đặc biệt quan trọng, nhưng “nó phải có khả năng vượt qua một vị thủ tướng theo đường lối phân biệt chủng tộc”. Phát biểu trong một sự kiện tại thành phố Iowa hôm 7/4, ông O'Rourke tố cáo Thủ tướng Israel đứng về phe “phân biệt chủng tộc cực hữu” nhằm nỗ lực giành lấy quyền lực nhiệm kỳ thứ năm.
Bernie Sanders, Thượng nghị sỹ độc lập, đồng thời là người Do thái, lại cho rằng Thủ tướng Netanyahu là “một nhà lãnh đạo cực hữu tại Israel.”
Phát biểu trong một buổi tiếp xúc cử tri cuối tuần ở Iowa, ông Sanders cho biết: “Tôi không ủng hộ các chính sách của ông ta, và tôi cho rằng việc đưa ra ý kiến phản đối đối với ông Netanyahu không phải là chống lại Israel,” đồng thời khẳng định chính quyền của Tổng thống Donald Trump phải gây sức ép với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine “đàm phán về các hiệp định hòa bình một cách đầy thiện chí.”
Về cam kết gây tranh cãi của ông Netanyahu trong việc tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây sau khi trúng cử, Pete Buttigieg, Thị trưởng South Bend, Indiana và cũng là một ứng cử viên tổng thống, cho biết: “Sự khiêu khích này có hại đối với lợi ích của những người Israel, Palestine và Mỹ. Ủng hội Israel không có nghĩa là phải tán thành đường lối chính trị của ông Netanyahu”./.