Nhiều ủy viên HĐBA không đồng tình với Kế hoạch Hòa bình Trung Đông

Tuyên bố của Bỉ, Estonia, Pháp và Đức cùng Ba Lan khẳng định: “Sáng kiến của Mỹ, được đưa ra vào ngày 28/1, chệch khỏi những giới hạn được cộng đồng quốc tế nhất trí."
Nhiều ủy viên HĐBA không đồng tình với Kế hoạch Hòa bình Trung Đông ảnh 1Toàn cảnh một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong phiên họp mở "Tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine" của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra tại New York của Mỹ, 4 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Bỉ, Estonia, Pháp và Đức cùng Ba Lan, quốc gia vừa hết nhiệm kỳ tại cơ quan này, ngày 11/2 khẳng định Kế hoạch Hòa bình Trung Đông mà Mỹ vừa công bố đã đi chệch khỏi những giới hạn được cộng đồng quốc tế nhất trí.

Tuyên bố chung của 5 quốc gia trên nêu rõ lập trường lâu nay của Liên minh châu Âu (EU) là duy trì cam kết đối với giải pháp 2 nhà nước đã được thương lượng, dựa trên đường biên giới năm 1967.

Tuyên bố khẳng định: “Sáng kiến của Mỹ, được đưa ra vào ngày 28/1, chệch khỏi những giới hạn được cộng đồng quốc tế nhất trí."

[Việt Nam lên tiếng về tình hình Israel–Palestine tại HĐBA]

Tuyên bố nêu rõ 5 quốc gia trên tái khẳng định sẵn sàng nỗ lực hướng tới nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine nhằm giải quyết mọi vấn đề về quy chế cuối cùng, như vấn đề đường biên giới, quy chế của Jerusalem, an ninh và tị nạn với mục tiêu xây dựng một nền hòa bình công bằng và bền vững.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc, ông Trương Quân tái khẳng định sự ủng hộ của nước này đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Palestine nhằm khôi phục quyền dân tộc hợp pháp.

Phát biểu tại phiên họp, ông Trương Quân nêu rõ Trung Quốc luôn tin rằng các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế về giải pháp hai nhà nước và nguyên tắc đổi đất lấy hòa bình, thiết lập một nền tảng quan trọng trong giải quyết vấn đề của Palestine và phải được giám sát hiệu quả.

Quan chức Trung Quốc khẳng định vấn đề của Palestine chỉ có thể được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị. Bất kỳ đề xuất nào phải được đưa ra dựa trên đối thoại và thương lượng trên cơ sở bình đẳng và phải góp phần thiết lập một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài.

Trước đó, ngày 28/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông, còn được biết đến là "Thỏa thuận thế kỷ."

Kế hoạch này đề xuất "giải pháp hai nhà nước một cách thực tế,” theo đó thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, kèm theo một số điều kiện đối với phía Palestine, đồng thời công nhận Jerusalem là "thủ đô không chia cắt" của Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh kế hoạch hòa bình của Tổng thống Trump, trong khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kịch liệt phản đối, nhấn mạnh rằng Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.