Theo trang mạng Project Syndicate, bất chấp khởi đầu đầy chông gai, rõ ràng Trung Quốc đã khép lại năm 2020 với nhiều thành công khi kiểm soát được đại dịch COVID-19 và củng cố vị thế ở cả châu Á và trên trường quốc tế.
Năm 2020 sẽ được các sách lịch sử trong tương lai ghi chép lại là năm của đại dịch COVID-19 và chúng ta có đầy đủ lý do để khẳng định điều này. Ngoài ra, 2020 cũng sẽ được nhớ đến là năm khép lại nhiệm kỳ tệ hại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hai câu chuyện này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và sẽ để lại những dư âm lâu dài. Một phần lý do là những câu chuyện này đều diễn ra trong bối cảnh trật tự quốc tế đang có sự chuyển biến ở phạm vi rộng lớn hơn, từ thế kỷ 20 do Mỹ thống trị sang thế kỷ 21 dưới sự bá quyền của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, 2020 là một năm rất thành công đối với Trung Quốc. Đúng là mọi thứ đã không có vẻ như vậy ngay từ đầu năm, khi chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) hoành hành khắp thành phố Vũ Hán.
Thất bại nghiêm trọng của nhà chức trách Trung Quốc trong xử lý dịch đã khiến COVID-19 bùng phát thành đại dịch toàn cầu, khiến gần 1,5 triệu người thiệt mạng tính đến thời điểm này và nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Ngay từ đầu năm, dường như giới lãnh đạo Trung Quốc đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sâu sắc về niềm tin. Cùng với tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ, COVID-19 đã khiến Trung Quốc ngay lập tức “ngã khuỵu."
Trong bất kỳ câu chuyện nào, vị thế của Trung Quốc dường như đã được cải thiện rất nhiều vào cuối năm 2020. Thất bại của nước này trong công tác xử lý đại dịch ban đầu dường như đã bị rơi vào quên lãng, đặc biệt là ở trong nước. Không còn hiện tượng người dân mất niềm tin vào ban lãnh đạo trung ương. Bằng các biện pháp triệt để, nhà nước Trung Quốc đã nhanh chóng kiềm chế được COVID-19, đưa nền kinh tế đi đúng hướng và giúp cuộc sống người dân gần như hoàn toàn trở lại bình thường.
Trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc kiên quyết không nhượng bộ (đáng kể chỉ có cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ).
Đến tháng 11/2020, Trung Quốc đã tiến hành một “cuộc đảo chính” địa chính trị với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại mới sẽ đưa Trung Quốc trở thành trung tâm của khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
RCEP sẽ kết nối thị trường khổng lồ của Trung Quốc với các thị trường của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á - từ Indonesia, Singapore đến Việt Nam và cả các đồng minh quan trọng của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Hiện tại, Ấn Độ không tham gia RCEP, nhưng để ngỏ khả năng tham gia sau này. Cường quốc khu vực duy nhất không tham gia RCEP chính là Mỹ.
Sự ra đời của một khối kinh tế mới lấy Trung Quốc làm trung tâm cho thấy sự khác biệt giữa thực tế hiện tại và một chương trình truyền hình thực tế. Khi ông Trump lên nắm quyền tháng 1/2017, một trong những hành động chính thức đầu tiên của ông là rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận đang trong quá trình đàm phán dưới thời Tổng thống Barack Obama nhằm tạo ra một "sân chơi" giống như RCEP, trong đó Mỹ là trung tâm còn Trung Quốc bị gạt ra khỏi thỏa thuận.
Lường trước được hành động tự hại của Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc có lẽ đã không thể tin vào vận may của mình và chính quyền của ông Tập Cận Bình kể từ đó đã nỗ lực không mệt mỏi để tận dụng món quà hào phóng của ông Trump.
Những nỗ lực đó giờ đã "đơm hoa kết trái". Một khu vực thương mại tự do mới sẽ tạo ra những thực tế địa chính trị mới. Một mạng lưới các nền kinh tế phụ thuộc nhau sẽ phát sinh xung quanh Trung Quốc, giúp củng cố vị thế của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong khi Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ hơn trong năm khủng hoảng này, Mỹ lại tỏ ra yếu thế hơn. Do sai lầm của ông Trump mà COVID-19 đang hoành hành tại Mỹ và nước này vẫn phải vật lộn với đại dịch.
Trong khi đó, trong mắt của các nước khác, Mỹ dường như đang lao vào tình trạng chia rẽ, hỗn loạn và suy yếu. Nhận thức này chứa đựng những hậu quả địa chính trị sâu rộng.
Sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi, nhiều nước trên thế giới đang tự hỏi liệu chính quyền sắp tới của Joe Biden có khả năng kéo Mỹ ra khỏi vòng xoáy suy thoái hiện nay hay không.
[Mục đích của Trung Quốc khi xem xét tham gia CPTPP]
Giai đoạn hậu bầu cử hiện nay không giúp khơi dậy niềm tin rằng hai phe Dân chủ và Cộng hòa sẽ tìm thấy tiếng nói chung.
Ở vào thời điểm hỗn loạn của đại dịch, cạnh tranh địa chính trị và kinh tế leo thang, hơn bao giờ hết Mỹ cần có bạn bè và bạn bè của Mỹ cũng cần tới mối quan hệ này.
Nếu Mỹ không thể giành lại vai trò lãnh đạo toàn cầu dưới thời ông Biden, Trung Quốc sẽ thuận đà trở thành thế lực thống trị trên thế giới. Đó sẽ không là một viễn cảnh dễ chịu đối với các đối tác và đồng minh của Mỹ ở châu Âu, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các khu vực khác./.