Toàn cảnh bất ổn Ukraine và Crimea

Nhìn lại toàn cảnh bất ổn Ukraine và điểm nóng Crimea

Có lẽ mọi biến động ở Crimea đã không xảy ra nếu như thỏa thuận giải quyết khủng hoảng ở Ukraine được thực hiện nghiêm túc.
Nhìn lại toàn cảnh bất ổn Ukraine và điểm nóng Crimea ảnh 1Người dân Crimea ăn mừng sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga được công bố. (Nguồn: Reuters)

Thỏa thuận mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo Cộng hòa tự trị Crimea ký chiều 18/3 ở Điện Kremlin, theo đó Crimea trở thành một phần lãnh thổ Liên bang Nga, đã chính thức “hiện thực hóa” ý nguyện của gần 97% cử tri Crimea trong cuộc trưng cầu dân ý hai ngày trước đó.

Rõ ràng những lời đe dọa trừng phạt cùng những động thái gây sức ép liên tục của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) suốt nhiều ngày qua đã không ngăn được người dân Crimea thể hiện nguyện vọng mãnh liệt muốn sáp nhập vào Nga với tư cách một chủ thể liên bang, điều mà họ gọi là “trở về nhà.”

Những tuyên bố mang tính “tối hậu thư” của phương Tây cũng không cản trở được quyết tâm của Moskva trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga ở Crimea.

Có lẽ mọi biến động ở Crimea đã không xảy ra nếu như thỏa thuận giải quyết khủng hoảng do Tổng thống Viktor Yanukovych và lãnh đạo phe đối lập Ukraine ký ngày 21/2 trước sự chứng kiến của các đặc phái viên EU, được thực hiện nghiêm túc.

Đáng tiếc là chỉ một ngày sau khi ký, phe đối lập Ukraine đã ngang nhiên vi phạm thỏa thuận, tuyên bố phế truất Tổng thống Yanukovych khi ông không có mặt ở Kiev, đưa một trong các thủ lĩnh đối lập lên làm Chủ tịch Quốc hội và Tổng thống tạm quyền. Để rồi cũng một ngày sau đó, Quốc hội do phe đối lập chi phối vội vàng thông qua quyết định hủy bỏ một đạo luật về ngôn ngữ ban hành từ năm 2012, theo đó tiếng Nga sẽ không còn là quốc ngữ chính thức thứ hai tại những địa phương Ukraine có ít nhất 10% dân số coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ. Trên toàn lãnh thổ Ukraine, người gốc Nga chiếm tới 18% dân số, và tiếng Nga được công nhận là ngôn ngữ chính thức tại 13 trong số 27 tỉnh-thành của Ukraine.

Cùng với việc hủy bỏ luật liên quan đến tiếng Nga, quyết định của chính quyền mới ở Kiev về cấm các phương tiện thông tin đại chúng tiếng Nga hoạt động chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa,” làm bùng phát làn sóng phản đối gay gắt của cộng đồng những người gốc Nga và người nói tiếng Nga tại Ukraine, vốn tập trung ở miền Đông và miền Nam nước này.

Đặc biệt, tại Crimea - nơi người Nga chiếm tới 59% dân số, trong khi 97% số dân nói tiếng Nga, 77% người dân coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ - tình hình càng trở nên căng thẳng. Đã xảy ra bạo lực đổ máu tại thủ phủ Simpheropol khi các phần tử dân tộc cực đoan Ukraine đụng độ với người gốc Nga. Người dân Crimea không khỏi lo ngại, bất an khi những hành động kỳ thị mang tính “bài Nga” có dấu hiệu gia tăng.

Trước những động thái của Kiev nhằm hạn chế quyền lợi và cô lập cộng đồng những người nói tiếng Nga, chính quyền Crimea đã kêu gọi Tổng thống Nga hỗ trợ khôi phục hòa bình cũng như bảo vệ quyền lợi và tính mạng của người dân khu vực.

“Tuyên bố độc lập” của XôViết Tối cao (Nghị viện) Crimea và cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 là hệ quả của một thực tế rằng người dân Crimea không nhìn thấy tương lai của mình trong thành phần Ukraine. Người Crimea lo sợ rằng chính sách “phân biệt đối xử” của chính quyền mới ở Kiev sẽ khiến những người gốc Nga và nói tiếng Nga ở Ukraine trở thành "công dân hạng hai."

Bên cạnh mối lo ngại này, chính diễn biến bất ổn xuất phát từ những cuộc biểu tình chống chính phủ do phe đối lập phát động, tình trạng vô luật pháp kèm theo sự lộng hành của các phần tử phátxít mới và dân tộc cực đoan, vụ phế truất Tổng thống dân cử V.Yanukovych (người được tới 78,24% cử tri Crimea ủng hộ trong cuộc bầu cử năm 2010), những quyết định được coi là vi hiến của chính quyền lâm thời ở Kiev cùng sự hậu thuẫn của phương Tây... cũng góp phần đẩy Crimea xa rời Ukraine. Trong bối cảnh đó, “trở về mái nhà Nga,” nơi gắn bó mật thiết về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, là sự lựa chọn tất yếu của người dân Crimea.

Sáp nhập vào Nga, người dân Crimea rõ ràng là được hưởng cảm giác bình yên, an toàn khi không phải lo ngại bị các phần tử dân tộc cực đoan ở Ukraine tấn công, cũng chẳng sợ một ngày nào đó sẽ bị cấm không còn được sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình.

Một nước Nga hùng mạnh đã giành lại vị thế trên trường quốc tế sẽ hỗ trợ đáng kể cho sự phát triển của Crimea, địa danh du lịch nổi tiếng thu hút gần 6 triệu lượt du khách vào năm ngoái.

Nhìn lại toàn cảnh bất ổn Ukraine và điểm nóng Crimea ảnh 2

Báo chí Nga cho biết sau khi Crimea trở thành một chủ thể của Liên bang Nga, Bộ Tài chính nước này dự kiến chi 5 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng bán đảo để Crimea có thể thu hút khách du lịch, xứng tầm với một vùng đất xinh đẹp có tiềm năng du lịch lớn. Tất nhiên, đây là những dự án dài hạn, còn trước mắt, Nga sẽ phải chi một khoản tiền không nhỏ, ước tính khoảng 30 tỷ USD trong 10 năm, để ổn định tình hình kinh tế-xã hội và nâng mức sống cho người dân Crimea, hiện vẫn là một vùng nghèo khó.

Tổng thống Putin đã khẳng định: “Trong trái tim và tâm trí của nhân dân Nga, Crimea là một phần không thể tách rời." Điều đó phần nào lý giải hành động kiên quyết, mạnh mẽ và kịp thời của Moskva khi đáp lại lời kêu gọi hỗ trợ từ lãnh đạo Crimea. Động thái của Moskva nhằm bảo vệ các kiều dân Nga và những người nói tiếng Nga ở Ukraine cũng góp phần giúp uy tín của Tổng thống Vladimir Putin tăng vọt lên hơn 71%, mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Nước Nga, vốn coi Crimea và thành phố cảng Sevastopol - nơi đóng căn cứ của Hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga suốt hơn 230 năm qua - là những địa danh anh hùng, là niềm tự hào của nước Nga, có những lợi ích nhất định ở vùng lãnh thổ mang tính chiến lược nhìn ra Biển Đen này.

Đương nhiên, cùng với việc chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea và xúc tiến những thủ tục sáp nhập nước Cộng hòa này vào Liên bang Nga, Moskva đang đứng trước nguy cơ phải hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ và phương Tây, trong đó có việc cấm đi lại và phong tỏa tài sản của nhiều quan chức Nga.

Thậm chí, dư luận cũng lo ngại "điểm nóng" Crimea sẽ là khởi đầu của một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới giữa Nga và phương Tây. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và các nền kinh tế phụ thuộc vào nhau như hiện nay, nhiều chính khách phương Tây đã lên tiếng cảnh báo những biện pháp trừng phạt Nga cũng sẽ tác động tiêu cực tới chính Mỹ và EU.

Không những thế, trừng phạt có thể phản tác dụng khi Nga áp dụng các biện pháp trả đũa tương tự. Trong khi chỉ trích Nga về vấn đề Crimea, Mỹ và EU hẳn chưa quên sự việc mà Nga gọi là “tiền lệ nổi tiếng Kosovo.” Mỹ và các nước EU từng ngay lập tức công nhận Kosovo khi tỉnh trực thuộc Cộng hòa Serbia này đơn phương tuyên bố độc lập năm 2008 bất chấp sự phản đối của Serbia và Nga. EU còn buộc Serbia phải bình thường hóa quan hệ với Kosovo như một điều kiện mặc cả để khởi động quá trình đàm phán về việc Belgrade gia nhập liên minh này.

Đối với Ukraine, Crimea sáp nhập vào Nga rõ ràng là "kịch bản" không hề mong đợi, song mọi chuyện dường như đã quá muộn khi chính ban lãnh đạo mới thân phương Tây ở Kiev tự dồn mình vào đường cùng bằng cách "vô hiệu hóa" thỏa thuận giải quyết khủng hoảng từng được tất cả các bên ở Ukraine chấp thuận.

"Cái sảy nảy cái ung" từ những bất ổn ở Kiev tới "điểm nóng" Crimea, tình hình căng thẳng vẫn có nguy cơ lan rộng nếu không tìm được giải pháp dung hòa lợi ích của tất cả các bên, trước hết là lợi ích của đa số nhân dân Crimea cũng như nhân dân Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.