NHNN: Cho phép TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng

Khách hàng bị ảnh hưởng bởi địch COVID-19 sẽ được kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ thêm 6 tháng thay vì đến 31/12/2021 như ban đầu.
NHNN: Cho phép TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Một trong những điểm chú ý được đề cập trong dự thảo lần này là Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) khi đáp ứng đầy đủ một số điều kiện:

[Sẽ giám sát chặt chẽ việc giảm lãi suất cho DN bị ảnh hưởng COVID]

Thứ nhất, các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính (thay vì phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính tại 2 thông tư cũ).

Thứ hai, số dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (quy định hiện hành theo Thông tư 03 là kéo dài đến 31/12/2021). Như vậy, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được thêm 6 tháng.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung thêm một trường hợp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là khi số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước thời điểm dự thảo Thông tư có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng cũng được gia hạn đến 30/6/2022 (thay vì 31/12/2021).

Lý giải đề xuất này, Ngân hàng Nhà nước cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine trên quy mô toàn quốc, phấn đấu đạt 70%-75% người dân được tiêm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Cùng với đó, Chính phủ đặt mục tiêu thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9. Các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8.

Căn cứ vào kế hoạch tiêm chủng và kế hoạch kiểm soát dịch bệnh nêu trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 là phù hợp. Theo đó, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ có thêm khoảng thời gian 6 tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Dự thảo Thông tư trên của Ngân hàng Nhà nước không đề cập đến việc giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro. Theo quy định tại Thông tư 03, tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro cho toàn bộ nợ cơ cấu lại trong 3 năm, thực hiện từ năm nay.

Mới đây, Hiệp hội ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể trong 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính cho ngân hàng, giúp ngân hàng có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh, hỗ trợ khách hàng.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết tâm siết chặt trích lập dự phòng rủi ro./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.