Nhớ ông Năm Xuân, nhà lãnh đạo đáng kính của Thông tấn xã Giải phóng

Ông Trần Thanh Xuân, nguyên Phó Tổng Giám đốc Việt Nam Thông Tấn xã, Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng, đã sâu sát trong trải nghiệm thực tế, tận tụy, trung thành với sự nghiệp chung.
Tiễn Phó Tổng biên tập Việt Nam Thông Tấn xã Trần Thanh Xuân (người đội mũ) dẫn đầu đoàn phóng viên GP10 vào chiến trường miền Nam năm 1973. (Nguồn: TTXVN)

Thông tin của Thông tấn xã Việt Nam với tư cách dòng thông tin chủ lưu của Đảng, Nhà nước trong mọi giai đoạn của cách mạng cần tới những con người có tư chất - tâm thế nhà báo-chiến sỹ.

Nhờ khiêm nhường học hỏi, sâu sát trong trải nghiệm thực tế, tận tụy, trung thành với sự nghiệp chung, họ có được sự nhạy bén về chính trị, kịp thời nắm bắt, truyền đạt thông tin...

Có thể nói, ông Trần Thanh Xuân (tên thường gọi Năm Xuân), nguyên Phó Tổng Giám đốc Việt Nam Thông Tấn xã, Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng, trong những năm tháng lịch sử (1973-1976) là một con người như vậy.

Duyên phận với nghề

Vào những ngày cuối đông năm 1951, tại Pháp, trong bức thư góp ý về người “đặt vấn đề xây dựng gia đình” với bà Mai Thị Trình, người bạn đời-đồng chí-đồng nghiệp chung thủy của ông Năm Xuân, ông Trần Văn Khê, một trí thức gia nổi tiếng đã viết: “Anh biết người đó rồi. Người đó cùng họ với anh - họ của anh hùng dân tộc. Còn tên của người ấy biểu hiện một mùa xuân ấm áp, mùa chim én bay về, cây xanh trổ nụ, cỏ tươi mơn mởn. Con người ấy kết hợp được tính quân tử của thời xưa cùng với chí khí cách mạng của thời nay..."

Bà Trình và gia đình tin tưởng vào lời mai mối ấy không chỉ vì ông Trần Văn Khê là vị tiến sỹ ngành âm nhạc học người Việt Nam đầu tiên tại Pháp, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam, mà trước hết, ông Khê là người đã biết ông Năm Xuân từ thuở học trường Pétrus Ký-Sài Gòn - trường của người học trò yêu nước Trần Văn Ơn.

Tại ngôi trường này, ông Trần Thanh Xuân đã cùng ông Trần Văn Khê và các bạn lớp dưới như Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước. Huỳnh Văn Tiểng... tham gia câu lạc bộ học sinh, rèn trí, đức, thể, mỹ theo xu hướng tiến bộ. Ông đã viết những vở kịch, bài báo tường đầu tiên trong những năm tháng này.

Ông Trần Văn Khê cũng là người theo sát, hiểu rõ những hoạt động của ông Năm Xuân cùng các ông Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo... trong Hội Ái hữu, gồm những Việt kiều ở Pháp, được thành lập từ Thế chiến thứ hai. Từ thuở ấy, ông Năm Xuân đã thể hiện rõ sự sắc sảo, nhạy bén về chính trị. Bởi trong một cuộc họp của Hội Ái hữu bàn việc phát hành truyền đơn kêu gọi chống thực dân Pháp, mọi người bất ngờ khi anh Năm Xuân không tán thành nội dung tờ truyền đơn do vị chủ tọa đọc, vì câu kết là “Việt Nam độc lập muôn năm," thiếu câu “Hồ Chủ tịch muôn năm." Ông cho rằng đây là ý tứ của nhóm đệ tứ, muốn chống lại đường lối kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Ông Năm Xuân gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1946 và cũng vào năm ấy, ông đã đăng ký xin theo Bác Hồ về nước, nhưng ông Phạm Văn Đồng, Trưởng phái đoàn Chính phủ ta tại Hội nghị Fontainebleau, trước khi về nước đã đề nghị Bác Hồ phái ông ở lại giúp phái đoàn thường trực của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris. Những năm sau đó, ông vừa là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, vừa là Bí thư Liên Chi Khối Việt Kiều toàn nước Pháp, là người của Nhà nước Việt Nam, làm cầu nối liên lạc giữa Đảng Cộng sản Pháp và Đảng ta.

Sinh ra trong một gia đình buôn bán nhỏ, nghèo ở thị trấn Vĩnh Lợi (tỉnh Tiền Giang), nhờ thông minh, ham học, cậu thiếu niên Năm Xuân đã nổi tiếng học giỏi, liên tục nhận học bổng của các trường tiểu học Gò Công, trung học Mỹ Tho và sau này là trường Pétrus Ký. Năm 1939, thi đậu tú tài, anh nhận học bổng sang Pháp, lúc đầu chọn ngành máy bay, nhưng vì lý do sức khỏe, anh lại chuyển sang học Đại học Bách khoa Grrenoblle và là một trong những sinh viên ngành Vô tuyến điện khóa đầu tiên tại trường này...

[Nguyện ước cháy bỏng của nhà báo thông tấn Trần Thanh Xuân]

Với hiểu biết và dày dạn kinh nghiệm hoạt động chính trị, sau một lần bị mật thám Pháp lùng bắt, đòi trục xuất... ông phải rút vào hoạt động bí mật; tháng 3/1954, được tổ chức quyết định cho về nước. Sau ba tháng đi đường, tháng Sáu năm đó, ông về đến căn cứ địa Việt Bắc với cương vị đầu tiên là Phó Giám đốc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

Chưa đầy nửa năm sau, phía Pháp yêu cầu trao đổi một phóng viên AFP qua Hà Nội và một phóng viên Việt Nam Thông Tấn xã sang Paris. Được tổ chức chọn vào vị trí này, nên tháng 8/1955, ông lại lên đường sang Paris để kịp thành lập đơn vị thường trú đầu tiên của Việt Nam Thông Tấn xã tại Pháp.

Năm 1960, Chính phủ De Gaule ra tay đàn áp Đảng Cộng sản Pháp, nên cuối tháng 10 năm ấy, mật thám Pháp lại đến khám nhà và bắt ông Năm Xuân xô khám. Ông bị giam 13 ngày, may nhờ phía ta cũng kịp bắt ngay tên Bonphis, Phó Tổng lãnh sự Pháp tại Hà Nội nên sau thương lượng ngoại giao, ông và Bonphis đều được thả với điều kiện phải ra khỏi nước sở tại sau 24 tiếng đồng hồ...

Chọn nơi gian khổ, hy sinh

Trở lại Hà Nội, với hơn 10 năm ở cương vị Phó Tổng Giám đốc Việt Nam Thông Tấn xã, ông Năm Xuân đã để lại những ấn tượng thật sâu sắc, đẹp đẽ về một người lãnh đạo có tâm, có tầm, được cả cơ quan quý mến, kính trọng.

Cuối năm 1972, khi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tấn công chiến lược trên toàn miền Nam, Việt Nam Thông Tấn xã cũng nhận được chỉ thị về việc mở lớp GP10, gấp rút đào tạo 150 phóng viên chi viện Thông tấn xã Giải phóng. Đó cũng là những năm thật tàn khốc.

Mới tính đến cuối năm 1974, Thông tấn xã Giải phóng đã có hơn 240 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, chiếm 50% tổng biên chế của Thông tấn xã Giải phóng đương thời.

Mặc dù ở tuổi 54, sức yếu vì trong ngực chỉ còn một lá phổi, ông Năm Xuân đã kiên quyết được đi cùng đoàn phóng viên chiến trường. Ban lãnh đạo Việt Nam Thông Tấn xã và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, ai biết chuyện cũng đều băn khoăn, ngần ngại.

Ý kiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn là: “Trung ương không cần anh Năm Xuân có mặt ở chiến trường vào thời điểm này. Anh sẽ giúp Ðảng nhiều hơn khi có mặt ở thành phố Sài Gòn giải phóng. Anh cần đủ sức khỏe để tập hợp lớp trí thức đã có quan hệ với gia đình anh chị."

Nhà báo Trần Thanh Xuân (1919-1987). (Nguồn: TTXVN)

Nhưng ước nguyện của ông Năm Xuân là muốn đi ngay, không thể đợi ngày Sài Gòn giải phóng... Không thể cản được ý nguyện của ông, Việt Nam Thông Tấn xã cử ông làm Hiệu trưởng đào tạo lớp phóng viên chiến trường GP10 và tháng 3/1973, ông Năm Xuân bước lên chiếc xe com-măng-ca thời chiến, dẫn 17 chiếc xe tải chở đoàn lính phóng viên trẻ măng, đầy sức sống, sẵn sàng vượt Trường Sơn, tiếp lửa thông tin cho các cứ điểm của Thông tấn xã Giải phóng.

Ông đã kịp vào cứ điểm Tổng chỉ huy thông tin trong rừng Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia, tham gia Ban lãnh đạo Thông tấn xã Giải phóng và bổ sung thành viên cho Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Những ngày ở một mình và cả khi bà Mai Thị Trình được cơ quan cử vào chăm sóc, cùng ông sống dưới lán lá trung quân tự dựng, thiếu thốn, gian khổ trăm bề, bệnh tình tái phát nhưng ông vẫn làm việc quên mình, bảo đảm tin, bài đối nội và đối ngoại của Thông tấn xã Giải phóng luôn kịp thời, thông suốt.

Đến ngày 30/4/1975, tin ảnh về xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc lập, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập..., được phát ngay tại chỗ, chuyển ra Hà Nội và loan báo cho toàn thế giới.

Cảm xúc thiêng liêng, tự hào biết bao khi vợ chồng ông cùng đoàn cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng thẳng tiến vào trụ sở của Việt Tấn xã nằm trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), để tiếp quản cơ quan thông tin quan trọng nhất của chính quyền Sài Gòn.

Niềm phấn chấn trong buổi tối đầu tiên sau khi tiếp quản, anh em chia nhau ngủ trên bàn làm việc, tổ chức người canh gác nhiệm sở rồi ngày hôm sau lại cùng nhau dậy sớm tỏa đi các hướng chụp ảnh, viết tin, bài... còn mãi in đậm trong tâm tưởng các nhà báo-chiến sỹ.

Gắn bó với gia đình và tập thể ngành

“29/9/2020 là ngày ba đi xa chẵn tròn 1/3 thế kỷ, nếu tính từng ngày là 33 năm 122 ngày. Cho tới giờ, mỗi khi nhớ tới ba, tôi vẫn không kìm được nước mắt vì thương nhớ. Chỉ tiếc thời gian đi quá nhanh, ngày ba đi xa, tôi đang thực tập chuyên môn ở bên Pháp, biết ba bệnh nặng mà không thể về... Những ngày cuối của ba, cả nhà động viên 'Ba ráng chờ Lan Phương về nha.' Ba tôi gật đầu nhưng rồi ba quá mệt, gia đình cũng phải để nhân viên y tế rút ống thở... Vì hoàn cảnh riêng của gia đình và công việc chung của cơ quan, gia đình chúng tôi phải xa nhau khá nhiều, ngay từ khi tôi được sinh ra. Bởi, ba tiền sử lại mắc bệnh lao phổi, mẹ không đủ tiền thuốc thang, chăm sóc, nên khi còn sơ sinh, mẹ đã phải gửi tôi vào Viện Phòng trừ lao của Pháp nhờ nuôi dưỡng. Khi đủ 18 tháng được đón về lại đúng lúc ba bị mật thám Pháp truy lùng, tổ chức bên ta phải đón về Việt Bắc, mẹ không đủ điều kiện nhận con. May có một luật sư là bạn bè của ba mẹ bày cách giúp đỡ, tôi mới được đón về...”.

Đó là lời kể của cô Trần Thanh Lan Phương, con gái đầu lòng của ông bà Xuân-Trình, năm nay đã 68 tuổi, nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Hóa Sinh, khoa Y, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.

Cô xúc động đọc lại bài ''Thơ viết trong tù'' mà ba cô viết khi bị giam trong bót cảnh sát của Pháp vào năm 1960, trong đó có bốn câu dành cho chị em cô: ''Lan Phương, Nguyên hai con/ Ba gửi ngàn cái hôn/ Hãy vì Ba hãnh diện/ Đừng sợ cũng đừng buồn...''.

Cô kể: “Về Việt Nam khi chị em tôi đi sơ tán tránh bom đạn Mỹ, hay khi tôi đi học nước ngoài, Thanh Nguyên tham gia quân đội, ba mẹ tôi đã viết hàng trăm bức thư, bài thơ cho các con. Ba mẹ tôi đã hướng dẫn, chuẩn bị cho chúng tôi từ nhiều năm trước khi đi B, nhất là cho em tôi vì lúc ba mẹ đi, em mới có 14 tuổi... Ba mẹ cũng gửi gắm chúng tôi cho các cô bác trong cơ quan Việt Nam Thông Tấn xã giúp đỡ và dặn dò chúng tôi phải coi cơ quan như gia đình. Tình cảm đó vẫn được chúng tôi giữ tới hôm nay, ơn nghĩa đó cả gia đình không bao giờ quên...”.

Trong con mắt của đồng nghiệp, đồng chí, nhà báo Trần Thanh Xuân là con người hiền hậu, giản dị và chính trực. Bà Nguyễn Thị Mùi, Đảng ủy viên, cán bộ tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam, người vừa nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, nhớ về ông: “Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với Phó Tổng giám đốc Trần Thanh Xuân. Trong ấn tượng của tôi, đó là một người có trình độ học vấn cao và giàu kinh nghiệm thông tin. Ông đi du học ở Pháp về nhưng rất giản dị, hiền hậu, khiêm nhường, dễ gần. Trong cuộc họp, dù là phê bình, góp ý hay khen ngợi anh em, ông đều dùng lời lẽ đúng mực, nhẹ nhàng, dễ nghe. Ông giải quyết công việc dứt khoát nhưng rất có tình, có lý... Vì vậy, ông luôn được đồng chí, đồng nghiệp quý mến, tin cậy."

Là người đồng nghiệp gần gũi, gắn bó nhiều năm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cố Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đỗ Phượng đã kịp từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, để có mặt trước phút lâm chung của ông Năm Xuân, đã viết: "Ngoài hai chục năm ở gần anh, điều tôi thu nhận ở anh chính là: Cái được hưởng anh không giành cho mình, càng không bao giờ anh đòi nó... Thế nhưng cái gì phải làm, trách nhiệm phải nhận thì dẫu khó khăn, vất vả, vượt cả sức chịu đựng của mình, anh vẫn tình nguyện xung phong... Điều gì làm tốt, làm được, anh quy công cho tập thể, anh nhấn mạnh sự đóng góp của người khác. Điều gì làm hỏng, làm chưa được, anh đều tự nhận lấy về mình. Anh làm vậy không một chút giả dối, cường điệu. Anh hiền hậu và trung thực. Ai sai, ai làm không phải, anh vẫn nói thật, nói thẳng, vẫn phê bình, khuyên răn trách cứ. Song ngay cả trong trường hợp đó, anh vẫn soi rọi để tìm ra khuyết điểm và phần trách nhiệm của mình."

Không chỉ cố Tổng Giám đốc Đỗ Phượng, mà nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên Việt Nam Thông Tấn xã, Thông tấn xã Giải phóng năm xưa và Thông tấn xã Việt Nam hôm nay đều nhớ và nghĩ những điều tốt đẹp về ông Năm Xuân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục