Nhóm du học sinh đánh liều với giấc mơ trồng rau sạch

Vốn là những chàng du học sinh từ nước Anh trở về, nhưng 4 chàng trai trẻ 8X đất Hà Thành đã mạnh dạn theo đuổi ước mơ lập nông trang rau sạch.
Nhóm du học sinh đánh liều với giấc mơ trồng rau sạch ảnh 1Ông chủ trẻ Lê Gia Long bên những luống rau sạch của mình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vốn là những chàng du học sinh từ nước Anh trở về, họ không khi nào nghĩ mình sẽ gắn bó với nghề nông dân, với luống đất trồng cùng cây rau sạch. Thế nhưng, với tư tưởng dám nghĩ, dám làm, họ đã bước đầu thành công với thương hiệu rau sạch Bfarm.

Những chàng nông dân... tay ngang

Cho đến tận bây giờ, anh Lê Gia Long vẫn không sao tin được việc mình sẽ trở thành một người nông dân đích thực. Vốn là một du học sinh ngành kinh doanh tại nước Anh, ngày chàng trai trẻ ấy về Việt Nam cũng ôm theo rất nhiều dự định. Nhưng, chưa kịp thực hiện thì Long va phải ngay “thực tế nhỏ” trong chính bữa cơm hàng ngày.

“Ngày ấy, trở về, chúng tôi rất sợ khi đi… ăn ở Việt Nam, vì thấy cái gì cũng bẩn. Thịt thì sực mùi cám công nghiệp, rau thì cứ ăn vào là đau bụng,” ông chủ 8X của Bfarm vừa cười vừa nhớ lại.

Ngày ngày đọc báo, nỗi sợ hãi của anh càng lớn lên khi rau phun thuốc, rau ngậm hóa chất cứ tràn lan xung quanh mình. Chính từ trăn trở ấy, Long chợt nghĩ tới ý tưởng: Tại sao không tự thành lập một nông trại sạch của riêng mình. Nghĩ là làm, Long rủ thêm 3 người bạn cũng là du học sinh cùng chung tay dựng “khu vườn” mơ ước.

Giờ nhớ lại những ngày đầu tiên, Long bảo: Quãng thời gian chập chững ấy thực sự rất nhiều thử thách, gian nan. Cả 4 ông chủ trẻ, ngoài nhiệt huyết cháy bỏng ra thì kiến thức, kỹ năng về nông nghiệp gần như không có.

Những điều đã học từ châu Âu xa xôi giờ phải tạm gác hết trong tiếng xì xào, dèm pha của mọi người. Một lần nữa, 4 chàng trai lại “đèn sách”, tự học qua tài liệu, sách vở. Thầy của họ còn là cả những người nông dân ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Sau khi có đủ kiến thức cần thiết, họ hùn nhau vốn, thuê mảnh đất rộng 1.000 m2 tại xã Phượng Cách, Đan Phượng, Hà Nội để làm “gia sản” khởi nghiệp đầu tiên. Họ cũng thuê thêm nông dân, phổ biến kỹ thuật làm rau hữu cơ đến từng người để chuẩn bị cho ra mắt đứa con tinh thần mang tên Bfarm của mình.

Nhóm du học sinh đánh liều với giấc mơ trồng rau sạch ảnh 2Để đánh liều theo đuổi giấc mơ rau sạch, nhóm của Long đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Không thể quên những ngày đầu tiên, anh Long cho biết: Điều khó nhất là cần quán triệt và thay đổi tư duy trồng và chăm sóc cây rau cho bà con. Để đảm bảo rau an toàn, tuyệt đối phải tuân thủ 5 nguyên tắc: không dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, không có chất biến đổi gen, không chất kích thích sinh trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ. Vì thế mà, toàn bộ bãi đất hoang sơ rộng 1000 m2 phải được tiến hành làm cỏ bằng tay với số tiền chiếm một nửa chi phí đầu tư ban đầu.

Sau những ấp ủ, thai nghén, tháng 8/2015, Bfarm chính thức được “khai sinh”. Cứ từng chút một, tỉ mẩn, đứa con mang tinh thần ấy lớn dần lên dưới bàn tay đỡ của 4 chàng "nông dân tay ngang" nhưng “liều mạng” trở về từ Anh Quốc.

Vườn rau sạch cho Thủ đô

Theo ông chủ trẻ Lê Gia Long, nguyên tắc hàng đầu để làm rau hữu cơ là phải “nói không” với tất cả các loại phân hóa học. Rau hữu cơ chỉ sử dụng 3 nguồn dinh dưỡng chính là phân gà ủ, đậu tương ủ và các chế phẩm sinh học an toàn. Ngoài ra, để sản phẩm thực sự sạch, ngay khâu chuẩn bị đất cũng phải thực hiện rất tỉ mỉ. Sau khi làm cỏ, đất được trộn với vôi bột để khử trùng. Sau đó, dùng phân gà ủ trong hai tuần, kết hợp bổ sung phân vi sinh. Đây là công đoạn quan trọng để đất được “sạch” và tơi xốp, đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng nông trại Phượng Cách, Long tỉ mẩn chỉ từng khu vực riêng. Dãy nhà lưới khổng lồ trên diện tích 500 m2 bao trùm kín các loại rau dễ bị dập nát, giúp cây chống chịu với thời tiết thất thường cũng như sâu bọ. Hệ thống nước tưới dạng hình nấm cũng được lắp đặt khắp các rãnh ruộng đều tăm tắp.

Để đảm bảo số lượng công việc, ông chủ Long thuê 5 người dân địa phương. Công việc của họ thường bắt đầu từ 5 giờ sáng, thu hoạch rau củ theo đơn hàng rồi tiếp tục quy trình chăm sóc rau sạch. Rau vận chuyển về kho ở Nguyễn Xiển (Hà Nội) được sơ chế, bỏ phần dập nát, lá vàng úa, bảo quản trong thùng giữ nhiệt rồi đưa đến tay người tiêu dùng.

Nhóm du học sinh đánh liều với giấc mơ trồng rau sạch ảnh 3Từ nỗ lực không ngừng nghỉ của các chàng trai trở về từ nước Anh, Bfarm đã trở thành một vựa rau an toàn cho Hà Nội (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Chị Nguyễn Thị Mùi - một trong những người chăm sóc rau cho biết: So với việc trồng rau sử dụng phân bón hóa học, rau hữu cơ chăm sóc lâu hơn, mẫu mã xấu và cho năng suất kém hơn. Điển hình như rau cải, thay vì 20-25 ngày xuất bán thì rau hữu cơ phải trồng trên 30 ngày. Thế nhưng, chất lượng cây rau lại đảm bảo, không nguy hại với người dùng. Ngay bản thân chị Mùi cũng cảm thấy “yên tâm” khi chăm sóc rau ở Bfarm vì không còn tiếp xúc nhiều với hóa chất, sức khỏe cũng được đảm bảo.

Tiếng lành đồn xa, sản phẩm rau an toàn của Bfarm được người tiêu dùng biết đến. Hiện nay, Bfarm cung ứng ra thị trường 80–100 loại rau lá, rau gia vị và củ quả các loại theo mùa vụ như: rau cải, rau muống, rau ngót, lá lốt, tía tô, cà tím… với đối tượng khách mua chủ yếu là Hà Nội. Với nguồn cung không đủ cầu, sản phẩm của Bfarm được tiêu thụ trực tiếp tới người tiêu dùng. Để mang đến những sản phẩm tươi ngon nhất đến khách hàng, rau củ quả được cắt hái từ sớm rồi vận chuyển về kho ở Thanh Xuân (Hà Nội).

Nói về khâu vận chuyển, anh Long chia sẻ: Rau củ quả được bảo quản kỹ, tránh dập nát và héo úa trong quá trình di chuyển xa. Về kho sơ chế, những cây rau tươi ngon được giữ lại, loại bỏ những lá già, lá dập nát…, đóng thùng bảo quản lạnh sẵn sàng vận chuyển đến tay khách hàng.

Nhóm du học sinh đánh liều với giấc mơ trồng rau sạch ảnh 4Một góc vườn rau sạch Bfarm (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu rau sạch cho thị trường, 4 chàng "nông dân tay ngang" đã mở rộng thêm vườn ở Lĩnh Nam (Thanh Trì), rộng 2,4ha. Dự kiến trong vòng  từ 3-6 tháng tới, nông trại thứ hai này sẽ cho ra sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng.

Sau hơn một năm “đánh liều” với quyết định làm nông dân, giờ nhìn lại, Long cùng các bạn mới dám thở phào nhẹ nhõm. Những trái ngọt đầu tiên đã bắt đầu nảy nở từ nỗ lực và lòng quyết tâm của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.