Khi OpenAI ra mắt ChatGPT hồi năm 2022, ý tưởng về trợ lý cá nhân có khả năng đàm thoại do Trí tuệ Nhân tạo (AI) điều khiển vẫn còn mới mẻ đối với phần lớn thế giới công nghệ.
Trước đó, trên thị trường đã xuất hiện những chatbot có khả năng đưa ra các phản hồi được lập trình sẵn.
Nhưng ít ai nghĩ về một trợ lý ảo có thể trò chuyện thực sự với họ về mọi thứ và giúp đỡ thực hiện nhiều loại tác vụ tốn thời gian - như lên lịch trình cho một chuyến du lịch, cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các chủ đề phức tạp hoặc viết các bài báo dài.
Đến hiện tại, bất chấp mọi biến cố của OpenAI - từ lệnh cấm ngắn hạn của Italy đến những lùm xùm xung quanh vấn đề nhân sự cấp cao, ChatGPT tiếp tục là trợ lý AI đàm thoại hàng đầu trên thị trường với quy mô người dùng khổng lồ.
Theo trang chuyên thống kê số liệu SimilarWeb, chỉ riêng trong tháng 11/2023, ChatGPT đã đạt gần 1,7 tỷ lượt truy cập trên cả thiết bị di động và web. Trong đó, chỉ 193 triệu lượt là truy cập một lần duy nhất và mỗi lượt truy cập kéo dài trung bình khoảng 8 phút.
Nói một cách dễ hiểu, mức độ tương tác này vượt qua cả những dịch vụ vốn rất nổi tiếng và phổ biến trên Internet như các ứng dụng họp trực tuyến Zoom (214 triệu lượt truy cập) hay Google Meet (59 triệu lượt truy cập).
Tuy nhiên, ngoài việc đưa AI đàm thoại vào cuộc sống của hàng triệu người chỉ trong vài tháng, ChatGPT là chất xúc tác cho hệ sinh thái AI rộng lớn hơn.
Ngay sau khi ChatGPT ra mắt, AI đã trở thành chủ đề bàn tán của tất cả mọi người và hàng chục dịch vụ tương tự hướng tới người tiêu dùng được ra mắt thị trường.
Đối với hoạt động trò chuyện và lập trình, nhiều dịch vụ như Github Copilot và Perplexity AI đã tận dụng các phiên bản tinh chỉnh của loạt mô hình ngôn ngữ GPT hỗ trợ ChatGPT.
Một số doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp cũng khai thác giao diện lập trình ứng dụng (API) của OpenAI cho các ứng dụng kinh doanh nội bộ, hay tạo mô hình tùy chỉnh cho các tác vụ chi tiết như phân tích dữ liệu.
Quan trọng hơn, trong cuộc đua AI này, nhiều công ty khởi nghiệp và “gã khổng lồ” công nghệ cũng đã phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) độc quyền để cho ra đời các AI đàm thoại đa năng, hoạt động tốt không kém ChatGPT.
Những AI này có thể hiểu, suy luận và phản hồi với những câu hỏi của người dùng. Hiện chúng có thể chưa phổ biến như ChatGPT, nhưng chúng chắc chắn đã mở rộng không gian thị trường và đảm bảo rằng ứng dụng của OpenAI không phải là duy nhất.
Những cái tên đầu tiên xuất hiện sau OpenAI là Anthropic và Google. Chỉ vài tháng sau khi ChatGPT ra mắt, cả hai công ty đều công bố trợ lý AI đàm thoại của mình, lần lượt là Claude và Bard.
Anthropic tập trung chủ yếu vào vấn đề an toàn và đạo đức AI. Công ty đã đào tạo trợ lý của mình thành một “AI tiêu chuẩn” có thể tuân theo một số bộ quy tắc nhất định và cải thiện thông qua các phản hồi tự động.
Trong khi đó, Bard được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ Pathways 2 và dữ liệu tìm kiếm của Google. Bard có thể truy cập vào Internet và xử lý ngôn ngữ một cách tự nhiên để đưa ra câu trả lời cho những truy vấn với ngữ cảnh và nguồn thông tin chi tiết. Cả hai đều được coi là đối thủ lớn nhất của ChatGPT tới hiện tại.
Tuy nhiên, các chatbot thú vị khác từ những nhà phát triển kém tên tuổi hơn cũng bắt đầu xuất hiện và dần tạo dấu ấn riêng.
Trợ lý ảo Pi của Inflection AI được thiết kế để mang tính cá nhân người dùng và hiểu được những ngôn ngữ phổ thông hơn so với các đối thủ, trong khi Coral của Corhere tập trung vào các dịch vụ cho doanh nghiệp.
Tất nhiên, chúng ta không thể quên mô hình Llama 2 của Meta (chủ sở hữu Facebook). Mô hình này đã tạo ra một làn sóng phát triển và tinh chỉnh các biến thể của chính nó do thực tế Llama 2 là nguồn mở.
Ngoài những trợ lý phổ thông nêu trên, một số trợ lý AI dành riêng cho thị trường cụ thể với đối tượng, ngôn ngữ và mục đích sử dụng đặc thù cũng đang nhanh chóng được phát triển.
Những cái tên đáng chú ý bao gồm HyperClovaX của "gã khổng lồ" Internet Hàn Quốc Naver, Ernie do Baidu của Trung Quốc phát triển, cùng các chatbot Poro và Nucleus chuyên dùng cho ngành nông nghiệp.
Tập đoàn công nghiệp khổng lồ Reliance Industries của Ấn Độ cũng đã tung ra một trợ lý AI tạo sinh được thiết kế cho các phương ngữ đa dạng của nước này.
Ngoài những cái tên phổ biến trên, còn hàng trăm hàng nghìn trợ lý AI khác đang được các nhà phát triển ít danh tiếng hơn âm thầm phát triển.
Đáng chú ý, mặc dù tất cả các trợ lý ảo này đều được thiết kế để trợ giúp người dùng thực hiện một loạt tác vụ khác nhau, chúng vẫn không ngừng tự cải thiện. Những khả năng và hạn chế ngày hôm nay của những trợ lý ảo này có thể không tồn tại chỉ sau vài tháng nữa.
Suy cho cùng, khi ChatGPT ra mắt hồi cuối năm 2022, nó chỉ có khả năng xử lý nội dung văn bản. Ngày nay, ChatGPT có thể nhận khẩu lệnh và hình ảnh đầu vào, thậm chí còn có giọng nói riêng để trả lời giống như Alexa.
Giữa lúc ngày càng nhiều người chơi đang nỗ lực phát triển và ra mắt ứng dụng trợ lý ảo của riêng mình, cuộc đua AI còn lâu nữa mới kết thúc.
Với việc các mô hình nền tảng ngày càng được hoàn thiện và nâng cao, khoảng cách giữa những người chơi này dự kiến sẽ thu hẹp và từ đó nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn về AI.
Một nghiên cứu của công ty theo dõi thị trường Precedence Research dự báo quy mô thị trường AI đàm thoại toàn cầu dự kiến sẽ tăng gần 24% trong những năm tới và vượt qua mốc 86 tỷ USD vào năm 2032.
Sau hơn một năm ra mắt, ChatGPT tiếp tục dẫn đầu thị trường AI tạo sinh. Sẽ rất thú vị khi xem ChatGPT duy trì vị thế này như thế nào trong những năm tiếp theo, khi ngày càng nhiều đối thủ ra mắt và đạt được những tiến bộ công nghệ mới./.
8 công ty công nghệ toàn cầu cam kết đảm bảo nguyên tắc đạo đức về phát triển AI
Tám tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu gồm Lenovo, Microsoft, Mastercard, GSMA, INNIT, LG AI Research, Salesforce và Telefonica đã nhất trí tích hợp các giá trị và nguyên tắc trong ứng dụng AI.