Là một trong những nước có cộng đồng người Việt đông đảo đang làm ăn sinh sống, cứ mỗi độ Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam cận kề, nhu cầu hàng hóa Tết tại Lào, đặc biệt là bánh chưng và giò lại tăng lên nhanh chóng.
Để đáp ứng nhu cầu, cứ đến dịp gần Tết, nhiều gia đình người Việt tại Vientiane gác lại công việc thường ngày để chuyển sang gói và nấu bánh chưng bán, trong khi các cửa hàng giò cũng tăng hết công suất để phục vụ người tiêu dùng.
Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, nét đặc biệt của thị trường Lào là người Lào cũng rất ưa thích các món ăn ngày Tết truyền thống của Việt Nam, do vậy, lượng cầu rất cao trong khi năng lực sản xuất của các gia đình có hạn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, thành viên trong một gia đình đã có mấy đời sinh sống làm ăn tại Lào cho biết, đã 10 năm qua, cứ mỗi dịp cận Tết, gia đình chị lại dẹp bỏ toàn bộ việc kinh doanh thường ngày để chuyển sang gói bánh chưng phục vụ cộng đồng.
[Độc đáo phiên chợ mai đá phục vụ người Việt tại Lào trong dịp Tết]
Mỗi người một việc, người thì rửa lá rong, chuẩn bị gạo, đỗ, người thì nấu bánh, trong khi chị Thủy là người gói bánh. Chị Thủy cho biết mỗi ngày chị có thể gói được 200 chiếc bánh chưng và bánh tét, tuy nhiên cung vẫn không đủ cầu vì số lượng đặt hàng của các cá nhân và công ty của Việt Nam đang làm ăn kinh doanh tại Lào mua tặng nhân viên, tặng các đối tác là người Lào rất lớn, chưa kể số lượng không hề nhỏ người Việt và người Lào đến mua lẻ.
Theo chị Thủy, người Lào chuyên ăn đồ nếp và họ đặc biệt thích món bánh chưng mà họ thấy cầu kỳ đến mức tinh túy, vì vậy vào dịp này khách hàng người Lào mua bánh chưng rất nhiều. Mỗi năm vào dịp gần Tết gia đình chị tiêu thụ trung bình từ 2-3 tấn gạo nếp để gói bánh chưng, bánh tét mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
Cũng giống như gia đình chị Thủy, gần 10 năm qua, cứ vào dịp cận Tết, gia đình chị Hà Thị Kim Lợi lại tạm thời dẹp bỏ việc bán cơm bình dân để chuyển sang làm bánh chưng, bánh tét bán để tăng thu nhập. Khác với mọi năm chỉ người trong gia đình tham gia công việc này, năm nay chị Lợi thuê thêm 2 người Lào phụ giúp gói bánh.
Chị Lợi cho biết mỗi ngày chỉ gói được khoảng trên 100 chiếc nên không đủ đáp ứng nhu cầu khách đặt hàng. Theo chị Lợi, người Việt ở Lào tuy đông, nhưng không nhiều người mua bánh để ăn và cúng tổ tiên ông bà ngày Tết vì hầu hết họ về quê nhà ở Việt Nam ăn Tết, đa số khách hàng người Việt mua bánh là để biếu người Lào.
Cùng với bánh chưng, bánh tét, thì giò cũng là một trong những mặt hàng có nhu cầu tăng mạnh trong dịp Tết truyền thống của người Việt. Là một cửa hàng giò truyền thống nổi tiếng ở thủ đô Vientiane, năm nào cũng vậy, cứ sau rằm tháng Giêng, cửa hàng của gia đình bà Chu lại bắt đầu tăng hết công suất để phục vụ khách hàng.
Với cách chế biến giò đúng kiểu truyền thống được người cha đã khuất truyền dạy, cửa hàng của bà Chu luôn đắt hàng và không đủ đáp ứng các đơn hàng đặt.
Theo bà Chu, sở dĩ khách hàng thích giò của cửa hàng bà là vì giò được làm từ thịt lợn nuôi tự nhiên trong rừng, chế biến hoàn toàn theo công thức truyền thống, không pha bột nở, hoặc hàn the hay các loại phụ gia khác, vì vậy giò rất ngon và để được lâu. Do đó, cửa hàng của bà luôn có lượng khách đặt hàng lớn bởi họ không chỉ mua để ăn mà còn gửi cho người thân ở các nước khác như Nhật, Pháp, Đức./.