Nhức nhối tai nạn giao thông mỗi dịp Tết Songkran tại Thái Lan

Thái Lan có hơn 1.000 vụ tai nạn giao thông trong ba ngày đầu tiên của chiến dịch an toàn giao thông mùa Tết Songkran khiến 110 người thiệt mạng và 1.102 người bị thương.
 Nhức nhối tai nạn giao thông mỗi dịp Tết Songkran tại Thái Lan ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các nhà chức trách Thái Lan đã ghi nhận hơn 1.000 vụ tai nạn giao thông trong ba ngày đầu tiên của chiến dịch an toàn giao thông mùa Tết cổ truyền Songkran có tên gọi là “7 ngày nguy hiểm."

Các vụ tai nạn khiến 110 người thiệt mạng và 1.102 người bị thương.

Tết Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước ở Thái Lan năm nay diễn ra từ ngày 13-15/4, nhưng chiến dịch an toàn giao thông được phát động theo thông lệ trước và sau đó vài ngày vì đây là thời điểm số vụ tai nạn giao thông thường tăng đột biến do có đến hàng triệu phương tiện đồng loạt di chuyển vào dịp này.

Năm ngoái, do kỳ nghỉ Songkran bị hoãn, lưu lượng giao thông ra khỏi thủ đô Bangkok trên các tuyến đường cao tốc đã giảm 44% so với kỳ năm trước nhờ các biện pháp hạn chế di chuyển của người dân mà chính phủ áp đặt.

Khác với năm 2020 khi người dân Thái Lan phải đón Tết cổ truyền trong lặng lẽ do kỳ nghỉ bị hoãn để phòng chống dịch COVID-19, năm nay Chính phủ Thái Lan không áp đặt lệnh cấm đi lại mặc dù cả nước đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba bùng phát từ cuối tháng trước từ các quán rượu ở Bangkok.

Tuy nhiên, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đã ban hành lệnh cấm tất cả các hoạt động té nước, trừ những phong tục truyền thống như tắm tượng Phật và rửa tay cho người già, trong dịp Songkran năm nay.

Ngoài ra, hàng loạt địa phương ở Thái Lan, kể cả thủ đô Bangkok, đã quyết định hủy tất cả các hoạt động đón mừng Tết cổ truyền Songkran nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan rộng hơn.

CCSA cũng đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm giải trí, tiệm mátxa và những tụ điểm ban đêm khác tại 41/77 tỉnh trên toàn quốc trong ít nhất 14 ngày kể từ 10/4.

[Thủ đô Bangkok của Thái Lan hủy các hoạt động mừng Tết Songkran]

Mặc dù thăm dò dư luận cho thấy rất nhiều người Thái Lan có kế hoạch hủy bỏ các hoạt động mừng Năm mới và lựa chọn thực hiện các nghi lễ truyền thống tại nhà cùng với gia đình, lái xe quá tốc độ và người điều khiển phương tiện uống rượu bia vẫn là hai nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông trong những ngày đầu của chiến dịch an toàn giao thông.

Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn đường bộ cao nhất ASEAN, với gần 33%. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2019, quốc gia Đông Nam Á này phải gánh chịu thiệt hại ước tính 500 tỷ baht (gần 16 tỷ USD), tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GPD) cả nước do tai nạn đường bộ và hơn 80% số vụ tai nạn liên quan đến xe máy.

Khoảng 39% số người chết vì tai nạn giao thông là trụ cột gia đình, gián tiếp ảnh hưởng 2,43 người thân. Đây được cho là một tổn thất đối với nhân khẩu học của Thái Lan khi đất nước bước vào một xã hội lão hóa.

Số người chết và số vụ tai nạn giao thông đường bộ tại Thái Lan trong năm 2020 đã giảm so với năm trước, một phần là do lệnh phong tỏa toàn quốc để phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo rằng số người chết vì tai nạn giao thông trong những tháng đầu năm 2021 sẽ tăng trở lại.

Hai kịch bản được đưa ra bằng cách sử dụng số liệu thống kê cho thấy mỗi năm Thái Lan ước tính sẽ có từ 15.399 đến 18.606 người chết vì tai nạn giao thông trong sáu năm tới (từ năm 2021 đến năm 2027)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.