Cô Nguyễn Kim Anh: Nghề giáo là không ngừng sáng tạo

Những bài giảng không lặp lại và nghề giáo là không ngừng sáng tạo

"Nhiều người vẫn nghĩ dạy học là nhàm chán khi các bài giảng lặp lại từ năm này qua năm khác, từ lớp này qua lớp khác. Nhưng làm nghề giáo là phải không ngừng sáng tạo," cô Kim Anh chia sẻ.
Giờ học theo một cách rất khác của cô Kim Anh, khi học sinh học bằng đàn và hát trên bục giảng. (Ảnh: NVCC)

"Nhiều người vẫn nghĩ dạy học là nhàm chán khi các bài giảng lặp lại từ năm này qua năm khác, từ lớp này qua lớp khác. Nhưng điều đó chỉ đúng với cách giảng bài xưa cũ, cách đây mấy mươi năm. Ngày nay, làm nghề giáo là phải không ngừng sáng tạo, vì mỗi bài giảng là không hề lặp lại.”

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, quận Đống Đa, Hà Nội. Cô Kim Anh đạt giải xuất sắc cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vinh danh là một trong nhà giáo tâm huyết, sáng tạo tiêu biểu nhất năm 2018.

Khi học sinh là chủ bài giảng

Trong giờ học về khái quát các trào lưu văn học giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 của lớp 11D3 trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, đứng trên bục để giảng bài không phải là cô giáo mà là… các em học sinh. Cả lớp được chia làm ba nhóm, mỗi nhóm sẽ cử đại diện trình bày các vấn đề mà các em đã tự tìm hiểu được về từng trào lưu văn học như đặc điểm, tư tưởng chủ đạo, tác giả nổi bật… Không chỉ thuyết trình bằng lời, các em còn viết, vẽ lên bảng để thể hiện ý tưởng một cách sinh động.

Ở phía dưới, các bạn và cả… cô giáo Kim Anh chăm chú lắng nghe. Sau phần trình bày của mỗi nhóm, cả lớp cùng thảo luận về các vấn đề liên quan. Lớp học vì thế mà vô cùng sôi nổi, ai cũng muốn nêu lên ý kiến của mình. Những vấn đề còn tranh cãi sẽ nhờ cô Kim Anh làm trọng tài.

“Ai có thể khái quát được từng trào lưu văn học chỉ trong một từ thôi, và chúng mình sẽ chỉ cần nhớ đúng một từ là đủ, cô sẽ cho điểm 10 ngay lập tức?” Điểm 10 đầy khích lệ của cô Kim Anh tiếp tục khuấy động không khí lớp học, những cánh tay liên tiếp giơ lên.

Học sinh là chủ bài giảng khi tự chuẩn bị và trình bày nội dung bài học. (Ảnh: NVCC)

Đó là một tiết học như rất nhiều tiết học Văn khác của cô giáo Nguyễn Kim Anh, khi mà ở đó, học sinh là chủ của bài giảng, cô chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ các em khi cần thiết, gút lại cho các em vấn đề bằng những từ ngữ cơ bản, cốt lõi nhất. Từ đó, bài học đã thấm vào học sinh tự lúc nào, bằng sự chuẩn bị bài chu đáo, bằng thảo luận và phản biện ồn ào, bằng sự vui vẻ hào hứng, bằng vài từ ngắn gọn.

Không còn những bài giảng lê thê dài dòng, không còn đọc chép tràn trang vở, không còn những cái ngáp ngắn dài, những khuôn mặt ủ rũ.

“Bài giảng của cô luôn hấp dẫn và mới lạ. Khi thì chúng em tự trình bày, khi thì diễn kịch, lúc khác lại chất vấn nhau, rồi đi trải nghiệm thực tế ở Bảo tàng Văn học, đi Nghĩa trang Trường Sơn… Em cảm ơn cô vì từ khi học cô, em đã biết yêu môn Văn hơn, thấy môn Văn gần hơn, không còn phải học thuộc như trước đây,” Vũ Hà Phương, học sinh lớp 11D3, trường Phan Huy Chú chia sẻ.

Theo học sinh này, dù tiết học ngắn nhưng chúng em vẫn hiểu khá sâu về một giai đoạn của văn học gắn liền với lịch sử. Giờ học đã tạo cho em sự hưng phấn trong học tập và vì không cần phải chép nhiều, không dài dòng chữ nghĩa nên không cần học thuộc chúng em vẫn nhớ.

Với cách dạy của cô, trước kỳ thi chúng em không cần ôn quá nhiều mà vẫn làm được bài. Cô đã giúp cho em đam mê học văn hơn,” học sinh Vũ Hà Phương hồ hởi nói.

Mỗi giờ học của cô Kim Anh đều được vận hành theo một cách khác nhau, những tiết học luôn thay đổi và không lặp lại. (Ảnh:NVCC)

Phải sáng tạo không ngừng

Cô Kim Anh bảo, trước mỗi bài giảng, cô đều phải chuẩn bị rất nhiều tài liệu phù hợp với mỗi lớp, mỗi đối tượng học sinh. Khi bước lên bục giảng, giáo viên lại phải tùy hứng thú của học sinh để triển khai bài học, sau đó mới lái các em về với chủ đề chính của tiết học.

“Muốn học sinh yêu văn thì phải đưa các con vào cuộc, tức là học sinh phải tham gia trực tiếp vào bài giảng, sau đó giáo viên sẽ chỉnh sửa, dẫn lối một cách khéo léo để các con nhận thức được bài học. Điều quan trọng là phải dạy được cách học, cách khai thác và triển khai vấn đề chứ không phải là chỉ về một tác phẩm văn học cụ thể. Hoạt động cá nhân, nhóm, thuyết trình, trao đổi, tranh luận thậm chí chất vấn nhau để tìm ra kiến thức, đó là cách mà tôi thường làm việc với các học trò,” cô Kim Anh nói.

Cũng vì học sinh là người chủ động trong việc trình bày bài học và giáo viên chỉ là người quan sát, hỗ trợ, mà mỗi tiết học của cô Kim Anh là không lặp lại. Cùng một bài, nhưng mỗi học sinh, mỗi lớp sẽ trình bày theo cách khác nhau, vấn đề các em quan tâm và vấn đề cần cô hỗ trợ ở mỗi lớp theo đó cũng khác nhau.

Với các học trò, cô Kim Anh không chỉ là một cô giáo dạy văn, cô là một người mẹ thứ hai của các em. (Ảnh: NVCC)

Theo cô Kim Anh, khi học sinh là người chủ động tìm hiểu thông tin về bài học, chủ động đưa ra những ý kiến, đặt những câu hỏi… thì giáo viên vất vả hơn nhiều vì phải liên tục tìm hiểu, trau dồi kiến thức để có thể giải đáp được những câu hỏi đó. Nhiều khi, tình huống trong bài giảng đặt ra những vấn đề liên quan vượt ra ngoài phạm vi môn học nhưng giáo viên vẫn cần biết để hướng dẫn học sinh…

Là người có hàng chục năm trong nghề nhưng đôi khi cô Kim Anh vẫn phải khất học sinh sẽ tìm hiểu để trả lời sau, khi gặp một câu hỏi mà mình chưa biết chính xác đáp án.

“Trước khi vào trường, em học văn khá kém, nhưng từ khi học cô Kim Anh thì môn Văn của em đã lên rất nhiều. Những bài giảng của cô luôn gắn liền với kỹ năng sống, học Văn là học về tình yêu thương, sự sẻ chia, học cách sống. Em luôn cảm ơn cô vì điều đó,” học sinh Nguyễn Hữu Nam cho biết.

[Cảm động hình ảnh cô giáo và lớp học nơi “ngưỡng cửa tử thần”]

Còn theo học sinh Phạm Minh Chi: “Khi thấy học sinh mệt mỏi, cô sẽ chủ động pha trò để chúng em thoải mái hơn. Trước đây, em thấy mỗi tiết học đều rất căng thẳng, giáo viên vào lớp, mở tập và yêu cầu học sinh trả bài. Nhưng với cô Kim Anh, giờ học nào cũng vui vẻ, nhẹ nhàng, thân thiện. Vì thế, em có thể thể hiện hết suy nghĩ của mình, cả cái đúng và cái sai.”

Cô luôn ‘cháy’ hết mình với từng tiết học, với cách dạy luôn thay đổi nên chúng em cũng tự thấy mình phải có trách nhiệm chuẩn bị bài tốt để bắt nhịp tốt với bài giảng của cô,” học sinh Vũ Phi Long nói.

Theo cô Ngô Thị Thành, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Ngữ văn vốn được coi là môn học dễ… buồn ngủ. Để học sinh hứng thú với giờ học là điều một thử thách lớn với người thầy.

“Tuy nhiên, cô Kim Anh đã chinh phục thử thách ấy một cách đầy ngoạn mục. Những bài giảng của cô luôn tạo hứng thú cho học sinh. Đó là một giáo viên lúc nào cũng đầy nhiệt huyết, tràn năng lượng, và nhiệt huyết, năng lượng ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ đến học trò, đến cả những đồng nghiệp để mọi cùng cố gắng làm việc tốt hơn,” cô Thành nói./.

Cô giáo truyền cảm hứng cho học sinh qua môn Ngữ văn (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục