“Tiếp sức người Thầy” là một chương trình ý nghĩa, giàu tính nhân văn được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang triển khai từ năm 2011 đến nay. Từ chương trình này, nhiều cán bộ, giáo viên đã nhận được sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn, gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh ở Kiên Giang có hơn 24.000 cán bộ, giáo viên ở hơn 700 trường học, cơ sở giáo dục. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, tai nạn... Nhằm chia sẻ, hỗ trợ những đồng nghiệp gặp khó khăn, ngoài việc vận động các cơ quan, đơn vị, cộng đồng, một số công đoàn giáo dục huyện, thành phố trong tỉnh đã chủ động vận động thành lập quỹ với nhiều tên gọi khác nhau như: Quỹ Tương tế, Quỹ Mệnh sự…Tuy cách thức triển khai chưa được đồng đều giữa các cơ sở giáo dục, các địa bàn, địa phương trong tỉnh nhưng đều có cùng mục đích là hỗ trợ các gia đình giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.
[Cô giáo của những học sinh đặc biệt: Những nỗ lực phi thường]
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết, khởi đầu chương trình “Tiếp sức người Thầy” với tinh thần đồng nghiệp lo cho đồng nghiệp, vận động mỗi giáo viên đóng góp 1.000 đồng/năm. Sau đó, số tiền quyên góp được nâng lên 2.000 đồng/người/năm, số người được thăm hỏi, hỗ trợ vì vậy cũng tăng lên.
Đến năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang tiếp tục mở rộng chương trình “Tiếp sức người Thầy” giai đoạn 2016-2020, mỗi giáo viên ủng hộ 1 ngày lương/năm. Nhờ đó, Quỹ của chương trình huy động được khoảng 2,2 tỷ đồng/năm và nguồn ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm được gần 1,2 tỷ đồng.
Trong những năm qua, chương trình đã hỗ trợ hơn 1.700 trường hợp tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng (trong đó kinh phí trong chương trình là 3,3 tỷ đồng, còn lại của các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đóng góp). Trong năm 2018, tính đến cuối tháng 8, chương trình đã hỗ trợ 426 trường hợp với tổng số tiền 901 triệu đồng.
Công đoàn cơ sở ở các trường học, địa phương tìm hiểu, chọn các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật sau đó lên danh sách để đồng nghiệp chia sẻ, thăm hỏi, tùy vào mức độ khó khăn sẽ hỗ trợ với các mức từ 1 triệu đến 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chương trình “Tiếp sức người Thầy” phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Kiên Giang tổ chức chương trình tuyên truyền hằng tháng với số tiền hỗ trợ là 10 triệu đồng. Thông qua sóng truyền hình, nhiều đơn vị, tổ chức xã hội đã biết thông tin và hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các trường hợp giáo viên gặp khó khăn. Từ năm 2019, chương trình “Tiếp sức người Thầy” dự kiến nâng mức hỗ trợ mỗi trường hợp lên từ 15 triệu đến 30 triệu đồng.
Cô giáo Trần Thị Liễn, giáo viên Trường Tiểu học Trần Khánh Dư, tỉnh Kiên Giang là một trong những giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt. Cô Liễn bị bệnh tiểu đường từ năm 2011, đến năm 2016, bệnh trở nặng đúng lúc gia đình cô đang vay nợ làm nhà, chồng cô lại bị tai nạn giao thông. Mặc dù vậy, cô vẫn nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Khánh Dư Nguyễn Đỗ Xuân Nguyện chia sẻ: Cô Liễn là giáo viên đã công tác tại trường 27 năm. Cô đã tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của trường trong nhiều năm. Gia đình cô từng phải thuê nhà ở trọ, đến năm 2016 mới vay mượn để làm nhà, bệnh lại trở nặng, chồng bị tai nạn khiến cô suy sụp. Tuy vậy, cô vẫn nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao. Cô Liễn rất xúc động khi nhận được sự hỗ trợ từ chương trình “Tiếp sức người Thầy.”
Cô Lâm Thị Mạnh, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Kiên Giang, Phó Ban vận động chương trình “Tiếp sức người Thầy” cho biết, trong suốt những năm làm chương trình, cô Mạnh đã gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn, cô Nguyễn Thị Nguyệt (cũng là giáo viên Trường Tiểu học Trần Khánh Dư) là một trường hợp bị bệnh ung thư. Nhận được sự thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần của chương trình “Tiếp sức người Thầy”, cô từng bước hồi phục, chiến thắng bệnh tật. Hiện nay, cô Nguyệt cô đã đi dạy trở lại.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Kiên Giang Lâm Thị Mạnh cho biết thêm: Dịp 20/11 năm nay, chương trình “Tiếp sức người Thầy” tổ chức tặng quà cho 380 giáo viên đang gặp khó khăn với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Thời gian qua, chương trình đã nhận được sự đóng góp của nhiều tập thể, tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm. Phong trào quan tâm chăm lo giúp đỡ đồng nghiệp gặp khó khăn đang lan tỏa trong từng cơ sở giáo dục ở Kiên Giang, góp phần xây dựng đoàn kết nội bộ, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang, chương trình “Tiếp sức người Thầy” giờ đây không chỉ dừng lại là hoạt động từ thiện mà còn góp phần giáo dục lòng nhân ái. Đặc biệt, nhiều thầy cô từng nhận được hỗ trợ, sau khi nghỉ hưu đã đóng góp cho chương trình mỗi tháng 100.000-200.000 đồng từ tiền lương hưu của mình.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục tỉnh Kiên Giang đã quyết định chọn Chương trình “Tiếp sức người Thầy” trong ngành giáo dục và đào tạo là mô hình Dân vận khéo giai đoạn 2016-2020, nhằm tiếp tục tạo sự lan tỏa của chương trình./.