Nhanh chóng đến hiện trường bất kể ngày đêm khi nhận được thông tin có tội phạm về trật tự xã hội, tỉ mỉ khám xét từng dấu vết nhỏ nhất, khoanh vùng đối tượng từ thành thị cho đến những nơi địa bàn rừng núi, rộng lớn, hiểm trở... là hình ảnh người cán bộ, chiến sỹ cảnh sát hình sự, "quả đấm thép" đối với các loại tội phạm về trật tự xã hội.
70 năm hình thành và phát triển (18/4/1946-18/4/2016), lực lượng cảnh sát hình sự luôn làm tốt công tác phòng ngừa, điều tra xử lý tội phạm, là những người giữ gìn sự bình yên trong nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự của đất nước.
Kinh nghiệm đúc rút từ hàng ngàn vụ án, điểm mấu chốt và cũng là nguyên nhân của mọi thắng lợi trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là ý chí bền bỉ, đức tính chuyên cần, thông minh, linh hoạt, không ngại khó, ngại khổ quyết tâm chiến thắng tội phạm.
Chuyên cần như lính hình sự
Gắn bó nhiều năm trong công tác phòng ngừa, điều tra xử lý tội phạm với rất nhiều thành tích, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) thấu hiểu để có một chuyên án thành công, người lính hình sự đã đổ biết bao mồ hôi, vượt qua bao khó khăn do điều kiện, hoàn cảnh từng vụ án và cả những thách thức do tội phạm tinh vi gây nên.
Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, mỗi khi có vụ việc về trật tự xã hội xảy ra, có nhiều lực lượng, cơ quan cùng chung tay, góp sức giải quyết. Nhưng với chức năng, nhiệm vụ được giao phó, cảnh sát hình sự luôn là lực lượng tiên phong triển khai các phương án, giải pháp để phòng ngừa đấu tranh tội phạm, đảm bảo bình yên cho đời sống người dân.
"Quả đấm thép" cũng là cách ví để người dân ghi nhận, cổ vũ những chiến công của lực lượng, vì ở đâu có những vụ án xảy ra thì ở đó có sự xuất hiện, điều tra và phá án của lực lượng cảnh sát hình sự.
Ngày 7/7/2015, thông tin 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ, trú tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước bị sát hại trong đêm làm cả nước rúng động.
Nhớ lại thời điểm nhận được thông tin về vụ án, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, người cũng xuất thân từ một người lính hình sự, kể lại khi đích thân có mặt tại hiện trường vụ án, việc đầu tiên của người chỉ huy cao nhất lực lượng cảnh sát là xỏ găng tay, cùng các đơn vị, trực tiếp tham gia khám nghiệm trong bối cảnh hiện trường vô cùng hỗn loạn bởi hàng trăm người dân đã ra vào khu vực xảy ra vụ án. 3 giờ sáng hôm sau, công tác khám nghiệm mới tạm dừng.
Một ban chuyên án đặc biệt với những tướng lĩnh, sỹ quan hình sự tinh nhuệ cũng nhanh chóng được thành lập, đến hiện trường điều tra vụ trọng án. Công an tất cả các huyện, thị của Bình Phước cũng được lệnh có mặt, tham gia điều tra. Một mạng lưới toàn bộ khu vực được giăng lên, quyết tâm truy bắt hung thủ vụ thảm án.
Tướng Vĩnh kể rằng Đại tá Trần Thắng Phúc - Giám đốc Công an Bình Phước, được Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu dừng mọi cuộc làm việc, tập trung lo phá án. Suốt 3 ngày đêm, Đại tá Phúc không kịp về thay quần áo mà chốt tại Ban Chuyên án với nguyên xi bộ cảnh phục.
Dưới sự chỉ đạo sát sao, vào cuộc trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước bằng sự mưu trí và tinh thần trách nhiệm cao của những chiến sỹ cảnh sát hình sự tham gia phá án nên ngay trong đám tang của các nạn nhân, các anh đã xác định được một đối tượng tình nghi.
Kết quả là chỉ trong 4 ngày điều tra thu thập chứng cứ, các anh đã có đủ căn cứ bắt giữ 2 đối tượng trực tiếp gây án là Nguyễn Hải Dương và Vũ Minh Tiến, sau đó đối tượng Trần Đình Thoại cũng bị bắt.
Qua quá trình đấu tranh khai thác, các đối tượng đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Chuyên án thắng lợi đã không phụ lòng người dân cả nước đang từng giây, từng phút ngóng chờ tin các chiến sỹ cảnh sát hình sự tìm ra thủ phạm gây ra vụ thảm án này.
Đằng sau những chiến công là gian khổ, hiểm nguy
Với những vụ trọng án điển hình, được dư luận đặc biệt quan tâm như những vụ thảm án ở Bình Phước, Nghệ An... Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến chia sẻ các vụ án hình sự luôn xảy ra bất ngờ, khiến người dân hoang mang, bức xúc, nếu không nhanh chóng điều tra, khám phá thì sẽ để lại sự bất an trong xã hội. Vì thế sự cố gắng, nỗ lực của toàn bộ lực lượng cảnh sát hình sự trong thời gian qua đã đem lại nhiều thành công, nhưng trước tình hình phức tạp hiện nay vẫn phải tiếp tục cố gắng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.
Có rất nhiều khó khăn, thách thức, gian khổ, hiểm nguy, áp lực trong công tác, nhiệm vụ. 32 liệt sỹ, 300 chiến sỹ thương binh và hàng trăm chiến sỹ bị thương trong khi làm nhiệm vụ, là minh chứng cho sự gan dạ, dũng cảm và hy sinh của lực lượng cảnh sát hình sự Việt Nam trong suốt 70 năm qua. Tuy vậy, những chiến sỹ đã dấn thân vào mặt trận này không hề chùn bước, bởi nếu thời gian phá án kéo dài sẽ tạo cơ hội cho đối tượng lẩn trốn, thậm chí còn hình thành các băng nhóm tội phạm mới và gây thêm nhiều tội ác cho xã hội.
Vì an ninh Tổ quốc, vì sự bình yên của nhân dân, những hy sinh, cống hiến của những người chiến sỹ cảnh sát hình sự trên trận tuyến đấu tranh chống tội phạm luôn được ghi nhận, tri ân to lớn của đồng đội và nhân dân.
Tháng 6/2006, Trung úy Nguyễn Thành Dũng, Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng sau gần 5 năm chống chọi với căn bệnh AIDS mà bọn tội phạm đã cố tình gây ra cho anh. Do một thời gian dài không biết mình đã nhiễm HIV, anh vô tình để lây thứ virus chết người này sang vợ.
Sợ con còn quá nhỏ để hiểu sự hy sinh của mình, trong những ngày cuối cùng, anh Dũng gắng gượng viết lại những dòng hồi ký cho con, trong đó ngoài những ký ức về tình yêu của bố mẹ, anh còn kể cho con nghe về những khó khăn, nguy hiểm của nghề hình sự và đặc biệt, anh rất tự hào dù phải hy sinh vì an ninh Tổ quốc.
Đó còn là tấm gương anh dũng hy sinh khi cố gắng bảo vệ tính mạng và của cải của nhân dân trước những tên cướp táo tợn có vũ khí nóng trong tay của liệt sỹ, trung úy Nguyễn Văn Nhất, Công an tỉnh Thái Nguyên...
Còn nhiều nữa những tấm gương đã đấu tranh kiên cường với tội phạm hình sự. Chiến tranh đã lùi xa nhưng máu các anh vẫn đổ để bảo vệ bình yên trong nhân dân. Sự ra đi của các anh là khoảng lặng nghẹn lòng, để lại sự tiếc thương vô hạn cho đồng đội và nhân dân.
Viết tiếp trang sử 70 năm hào hùng
Ngày 18/4/1946 được lấy là ngày truyền thống của lực lượng cảnh sát hình sự. Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và ngành giao phó, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự.
Hàng năm lực lượng cảnh sát hình sự đã điều tra khám phá trên 50.000 vụ án các loại, triệt phá hàng nghìn băng, nhóm tội phạm hình sự về tệ nạn xã hội bắt giữ xử lý hơn 800.000 đối tượng, trong đó có hàng trăm băng, nhóm và hàng nghìn tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Trong 70 năm công tác và đấu tranh, lực lượng cảnh sát hình sự đã điều tra khám phá nhiều chuyên án, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời chủ động xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá hàng chục băng, nhóm, tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen như: băng, nhóm Dương Văn Khánh tức “Khánh trắng” tại Hà Nội; Phạm Đình Nên “tức Cu Nên” ở Hải Phòng; Trương Văn Cam “tức Năm Cam” ở Thành phố Hồ Chí Minh...
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, tình hình tội phạm càng ngày càng tinh vi, xảo quyệt và thủ đoạn khó lường hơn. Trước đây, tội phạm đơn thuần là phạm các tội hình sự tuy nhiên hiện nay tội phạm có sự câu kết giữa tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, công nghệ cao... Ngoài ra tội phạm câu kết giữa trong nước và quốc tế, trở thành tội phạm mang tính xuyên quốc gia. Đồng thời, chỉ riêng tội phạm hình sự hằng năm đã có hàng chục nghìn vụ án, do đó, nhiệm vụ của lực lượng trong thời gian tới sẽ rất nặng nề.
Để hoàn thành nhiệm vụ, theo Cục trưởng Hồ Sỹ Tiến, trước hết lực lượng cần phải dựa vào nhân dân, vì người dân là nơi cung cấp những thông tin quan trọng để vừa phát hiện vừa có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, phá án, đồng thời, cán bộ, chiến sỹ phải tự đổi mới mình, tình hình mới đòi hỏi không chỉ rèn luyện về năng lực trình độ võ thuật, kiến thức nghiệp vụ, ý chí mà còn phải nâng cao trình độ, ứng dụng khoa học, công nghệ...
Cảnh sát hình sự cần phối hợp tốt với các lực lượng khác trong và ngoài ngành công an, triển khai các phương án đấu tranh có hiệu quả cao hơn; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đầu tư về trang thiết bị công tác chiến đấu.../.