Những cây đào rừng cổ thụ đang biến mất dần ở vùng cao Sơn La

Với sự khai thác ồ ạt để phục vụ thị hiếu ngày Tết như hiện nay, những cành đào cổ thụ đang ngày càng vắng bóng, người chơi đào khó có thể tìm được một cành đào cổ, thân mốc thật sự ưng ý.
Những cây đào rừng cổ thụ đang biến mất dần ở vùng cao Sơn La ảnh 1Việc khai thác đào rừng ồ ạt đang khiến loài cây này bị tận diệt. (Ảnh: Nguyễn Công Hải/Vietnam+)

Cứ vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, nhiều người dân vùng cao Sơn La thường chặt đào rừng đem bán nhằm tăng thêm thu nhập. Với sự khai thác ồ ạt như hiện nay, mỗi độ Xuân về lại càng thêm vắng bóng những cành đào rừng cổ thụ.

Thời điểm giáp Tết, dọc hai bên Quốc lộ 6, đoạn qua khu vực ngã 3 Tà Làng, thuộc huyện Yên Châu và khu vực huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La, cảnh mua bán đào rừng diễn ra rất tấp nập.

Người săn đào rừng cũng đủ tầng lớp từ những dân chơi đào thực thụ, những vị khách qua đường hay cả những người dân bản địa say đắm trước vẻ đẹp của những cành đào rừng. Song năm nay, người chơi đào khó có thể tìm được một cành đào cổ, thân mốc thật sự ưng ý.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, quê ở Hà Nam cho biết, năm nào anh cũng lên chợ đào rừng ở Mộc Châu, tìm những cành đào rừng cổ thụ thân mốc để mua. Nhưng năm nay, những cành đào cổ thụ rất hiếm, anh đã dạo quanh hết các khu chợ, thậm chí còn cất công lên tận những bản làng của người dân tộc H'Mông để tìm cành đào ưng ý nhưng vẫn chưa tìm được.

Tại các khu chợ, những cành đào có giá cả khác nhau tùy theo từng loại và thế cành. Cành rẻ chỉ từ 200.000-600.000 đồng một cành. Đào đẹp, chặt sát gốc, có giá từ 2-3 triệu đồng trở lên.

Theo quan sát của phóng viên, đa số những người bán đào tại các khu chợ đều là dân buôn, có rất ít người dân bản địa mang đào đến bán. Các dân buôn thậm chí còn bố trí người chờ sẵn ở đầu các con đường để mua trước đào của người dân các bản mang xuống bán. Vì thế, người mua khó có cơ hội mua được những cành đào tận tay từ người dân bản địa.

Anh Lù A Thiện, một người bán đào tại khu chợ đào ở ngã 3 Tà Làng, huyện Yên Châu cho hay, trước đây, bản anh luôn có đào để bán trong dịp Tết, song năm nay, đào rừng đã vãn khá nhều do người dân chặt bán trong thời gian dài, những cành đào có dáng đẹp thì hầu như không còn.

Năm nay, thời tiết không thuận lợi, đào nở hoa sớm nên đúng vào dịp Tết lại càng khan hiếm đào, việc tiêu thụ đào cũng khá chậm.

Anh Nguyễn Văn Huy, một người bán đào thuộc huyện Mộc Châu cho biết, lượng đào tiêu thụ năm nay khá chậm so với năm ngoái, một phần do đào nở hoa sớm, mặt khác, do năm nay không có những cành đào lớn, dáng đẹp mà chỉ là những cành đào nhỏ nên việc bán đào cũng khó khăn hơn.

Anh Nguyễn Văn Đạt, một thương lái quê Hải Phòng cho biết, thời điểm này năm ngoái, anh đã mua xong một xe đào chở về xuôi tiêu thụ. Nhưng năm nay, đào to, thế đẹp rất hiếm, quanh các khu chợ chỉ toàn những cành đào nhỏ, nên mặc dù đã ở đây từ 20 tháng Chạp, song anh mới chỉ mua được một ít đào cành. Vẫn chưa vừa ý, anh Đạt cố nán lại chọn thêm mấy cành đào nữa rồi mới thuê xe chở về xuôi.

Tại các chợ bán đào ở 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, những người bán đào phải dựng lán đốt củi để sưởi ấm ngay ở hai bên lề đường. Có cả trẻ em người dân tộc H'Mông cũng tham gia bán hàng phụ giúp cha mẹ.

Họ mang cả xoong, nồi nấu ăn tại chỗ để tiện cho việc bán và trông coi đào. Một số người dân thì chở đào bằng xe máy đi bán dạo với mong muốn bán được giá cao hơn.

Với sự khai thác đào rừng tận diệt trong thời gian qua, thì việc ngày càng vắng bóng những cây, cành đào rừng cổ thụ ở Sơn La là điều dễ hiểu/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục