Ra khỏi cửa sông chừng dăm chục hải lý, con tàu 621 bắt đầu chòng chành dữ dội. Sóng nhồi lắc liên tục vào hai bên mạn khiến hành khách phía trên lử lả cơn say và nỗi nhớ đất liền.
Nhưng, bất chấp bão biển, hành trình mang Tết đến với các nhà giàn-những tượng đài thép chủ quyền trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc vẫn bắt đầu…
Bài 1: Đưa Xuân ấm vượt trùng khơi
Những ngày đầu năm 2015, theo thông lệ, các tàu thuộc lực lượng hải quân lại vượt sóng tới các điểm đóng quân trên nhà giàn để thực hiện nhiệm vụ chuyển quân và cấp lương thực, thực phẩm. Còn riêng đối với những người trực tiếp tham gia, đây còn là chuyến đi nghĩa tình, mang hơi ấm Tết đất liền đến với thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Buổi sáng trung tuần tháng Một, bến cảng của Hải đội 812 Vũng Tàu bỗng trở nên nhộn nhịp hơn ngày thường. Hai con tàu mang số hiệu 621 và 609 đã cập sát mạn từ đêm. Hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho các điểm đóng quân trên biển cũng lần lượt theo xe tập kết lại. Anh em chiến sỹ hải quân, mỗi người một tay, vác quà Tết hối hả lên tàu.
Ngoài phần quà quân theo tiêu chuẩn chung, các chiến sỹ đang đóng quân trên nhà giàn còn được gửi tặng nhiều “sản vật” từ đất liền như: Bánh mứt, lá dong, gạo nếp, miến măng và mọc nhĩ… Hậu phương cũng không quên gửi cho con em ngoài biển một cành mai vàng phương Nam rực rỡ.
Chuẩn Đô đốc Mai Tiến Tuyên, Bí Thư Đảng ủy, Chính Ủy vùng 2 Hải quân cũng trực tiếp xắn tay áo bốc hàng cùng anh em chiến sỹ. Vừa làm, ông vừa liên tục nhắc anh em cẩn thận, không được làm hư hàng Tết và nhất là không để gãy cành mai.
Đô đốc Tuyên cho biết “Mỗi dịp Tết, người xa quê thường hướng về gia đình, mong đoàn tụ, sum họp. Nhưng đối với anh em hải quân, mỗi dịp Tết đến lòng chỉ hướng về anh em nơi nhà giàn phải xa quê, xa gia đình, đón Tết giữa trùng khơi. Những món quà nhỏ này, là tất cả tấm lòng của hậu phương gửi gắm đến các anh, mong các anh có những cái Tết ấm áp cùng đồng đội mà vẫn chắc tay súng bảo vệ biển trời.”
Để bảo quản và tránh nhầm lẫn, các gói hàng được bọc trong các túi nilong đặc chủng. Các chiến sỹ trên tàu còn cẩn thận ghi bên ngoài “Hàng cho DK1/10, Hàng cho DK1/15…” Tất cả đều thấm đượm nghĩa tình dành cho người ngoài biển.
Là chiến sỹ trẻ nhất đoàn công tác năm nay, tân binh Nguyễn Văn Lượm sẽ nhận nhiệm vụ 1 năm tại nhà giàn DK1/10. Dáng người nhỏ thó, cậu lính sinh năm 1996 ở Bình Thuận vẫn tỏ ra hết sức chững chạc. Lượm cho hay, mặc dù khá lo lắng vì đây là lần đầu tiên em ra biển lâu ngày, nhưng em vẫn quyết tâm rèn luyện để có thể trưởng thành hơn nữa.
Trán lấm tấm mồ hôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Thảnh, người được mệnh danh là “cựu chiến binh DK1” với ngót nghét 20 năm gắn với các cột mốc chủ quyền trên biển đang dùng giấy báo bọc kỹ xấp lá dong xanh mướt mới được chuyển về. “Bố” Thảnh, như cách gọi thân quen anh em lính tráng vẫn tếu táo đùa, năm nay lại gác việc riêng, ra khơi nhận nhiệm vụ, đánh dấu tròn 20 cái Tết trên biển xa.
Ngày chia tay, người vợ của “bố Thảnh” cũng ra tận bến tàu. Nhìn chồng cặm cụi che kín xấp lá dong sau lớp vải dày, ánh mắt của cô chợt trùng xuống. 20 cái Tết xa chồng, cô đã thuộc lòng thói quen của người đi xa khi tỉ mẩn lo lá bị nước biển táp héo. Cô cũng quen dần với cảm giác chia tay vội vàng sau cái ôm gấp mặn mòi mùi nắng gió của chồng.
Theo lời giới thiệu của Đại tá Trương Công Thế, Phó Chính ủy vùng 2 Hải quân, khu vực DK1 nằm ở phía Đông Nam bờ biển Nam bộ, trên tuyến hàng hải chính qua Biển Đông. Đây là khu vực có nhiều mỏ dầu với trữ lượng lớn nên nhiều năm nay khu vực này bị nhiều thế lực ngoại bang nhăm nhe ý đồ xâm phạm. Trước nguy cơ đó, năm 1989, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương cho xây dựng cụm kinh tế, khoa học, dịch vụ lấy tên DK1 nhằm khẳng định chủ quyền vùng biển ở thềm lục địa phía Nam. Các nhà giàn lần lượt được lắp đặt tại các bãi Tư Chính, Phúc Tần, Quế Đường, Phúc nguyên, Huyền Trân…
Hơn hai chục năm nay, hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải Quân đã ra nhận nhiệm vụ bám trụ ở các nhà giàn. Sống và làm việc giữa những căn nhà thép chơi vơi giữa biển khơi, họ phải đối mặt với biết bao hiểm nguy, khi sóng to, gió lớn, lúc thời tiết khắc nghiệt, lại thiếu thốn về lương thực, thực phẩm, nước uống…nhưng chưa khi nào những người lính Hải quân lung lay ý chí. Hễ nhà giàn “gọi” là họ lên đường. Những “người lính giàn” đã tâm niệm nhà giàn là nhà, biển là quê hương. Có người, như bố Thảnh, đã dành trọn cuộc đời mình trên những trụ sắt chủ quyền, mỗi khi Tết đến xuân về là họ lại đeo ba lô ra nhà giàn đón Tết.
2 giờ chiều, tàu nhổ neo rời bến. Thủy thủ đoàn cùng anh em chiến sỹ đứng về phía boong tàu chào đất mẹ. Những người ở lại bờ vẫy chào chúng tôi và liên tục bắc tay làm loa hét lớn: “Hải lộ bình an, gửi lời chúc tết của chúng tôi đến anh em ngoài kia nhé…”
Ở một góc nhỏ cầu cảng, dáng hình người vợ hiền của “bố Thảnh” bé dần lại rồi mất hút trong ánh mắt khắc khoải của cựu chiến binh DK ở phía mạn tàu…
Xuân đang đến với thềm lục địa phía Nam Tổ quốc…
Bài 2: Những sợi dây… nối Tết qua biển Đông