Những công cụ để Chính phủ Mỹ ứng phó lạm phát cao kỷ lục

Có nhiều biện pháp Mỹ có thể thực hiện để kiểm soát lạm phát, song giới phân tích cảnh báo rằng hầu như không có biện pháp nào có thể giúp Mỹ thoát ngay khỏi tình trạng lạm phát đang leo thang.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ đã ghi nhận các mức cao chưa từng thấy trong hàng chục năm qua, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách đảo ngược xu hướng này.

Từ việc giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc đến giải quyết tình trạng thiếu hụt bán dẫn, có nhiều biện pháp Mỹ có thể thực hiện để kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng hầu như không biện pháp nào có thể giúp Mỹ thoát ngay khỏi tình trạng lạm phát leo thang vốn đã phủ bóng lên nền kinh tế lớn nhất thế giới này trong năm nay trong quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19.

Giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc trong năm 2018, vì những hành vi thương mại mà Mỹ cho là không công bằng.

Chính phủ của Tổng thống Biden vẫn giữ nguyên các loại thuế này, nhưng cho biết sẽ xem xét lại chiến lược thương mại đối với Trung Quốc, cũng như khởi động một quá trình để nhiều công ty Mỹ được miễn nhiều loại thuế đang làm gia tăng chi phí của họ.

Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho Mỹ, và Tổng thống Biden có thể lựa chọn nới lỏng quy định về thuế hơn nữa đối với nước này để giải quyết lạm phát, vốn đã lên đến 6,2% trong tháng 10/2021 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với CBS, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen không đề cập đến việc thay đổi chính sách thuế quan, song thừa nhận sẽ có một số điều chỉnh. Theo bà, thuế quan thực sự có xu hướng làm tăng giá cả hàng hóa trong nước.

Ông Jay Bryson, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách mảng ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp của Wells Fargo, nhận định việc giảm thuế có thể phần nào xoa dịu tình hình và làm giảm giá một số mặt hàng, nhưng sẽ không giải quyết dứt điểm vấn đề lạm phát, điều mà ông Biden đang tìm kiếm.

Tháo gỡ chuỗi cung ứng

Kể cả khi thuế quan được giảm xuống, Mỹ vẫn phải xoay xở với tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển của nước này.

Hàng loạt tàu chở hàng vẫn đang nằm dài dọc các bờ biển Los Angeles và Savannah, bang Georgia suốt nhiều tháng qua để chờ dỡ hàng hóa. Tình trạng này đã làm dấy lên những lo ngại về sự gián đoạn đối với mùa lễ hội mua sắm.

Có nhiều lý do gây đứt gãy chuỗi cung ứng, và Tổng thống Biden đang nỗ lực để tháo gỡ chúng bằng cách hối thúc Cảng Los Angeles cung cấp dịch vụ 24 giờ, cũng như yêu cầu các công ty WalMart, FedEx và UPS tăng giờ làm việc để giải quyết tình trạng hàng tồn.

[Tổng thống Mỹ cam kết giải quyết tình trạng lạm phát tăng “phi mã”]

Nhà Trắng cho biết dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD sẽ dành một khoản tiền cho các dự án hiện đại hóa có thể hỗ trợ cho các cảng biển. Nhưng chuyên gia cấp cao tại Mỹ của Capital Economics Andrew Hunter không chắc về điều này.

Ông Hunter cảnh báo kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng này, cùng với gói 1.850 tỷ USD chi cho các dịch vụ xã hội mà ông Biden đang thúc đẩy Quốc hội thông qua, "sẽ không có tác dụng gì trong việc kiềm chế tình hình lạm phát hiện tại, và thậm chí còn có thể gia tăng lạm phát hơn nữa nếu chúng dẫn đến việc mở rộng tài khóa trong ngắn hạn, từ đó thúc đẩy nhu cầu.”

Khuyến khích sản xuất bán dẫn

Những tháng gần đây, các nhà máy của Mỹ đã “vật lộn” để đảm bảo nguồn cung bán dẫn, trong đó lĩnh vực sản xuất ôtô đặc biệt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sự giảm tốc trong hoạt động sản xuất ô tô mới là một yếu tố khiến giá xe ôtô đã qua sử dụng tăng mạnh, từ đó khiến lạm phát nhìn chung tăng cao hơn nữa, trong khi nỗ lực xây dựng lại đội xe của các công ty cho thuê xe cũng góp phần làm tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Trước đó trong năm nay, Tổng thống Biden đã hội kiến các giám đốc điều hành hàng đầu trong ngành bán dẫn, và tìm cách hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết tình trạng thiếu hụt bán dẫn tại một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Chín.

Gây áp lực với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)

Cơ quan có khả năng xử lý lạm phát tốt nhất trong Chính phủ Mỹ là Fed. Tuy nhiên, các công cụ mà ngân hàng này nắm trong tay lại không "sắc bén".

Fed có thể nâng lãi suất từ mức 0, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi từ đại dịch, thì việc này có thể gây ra một đợt suy thoái.

Các quan chức hàng đầu của ngân hàng này đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng sẽ không có đợt tăng lãi suất nào cho đến khi Fed kết thúc việc giảm dần chương trình mua tài sản hàng tháng của mình, được dự đoán sẽ khép lại vào giữa năm sau.

Ông Bryson nhận định do tình trạng lạm phát hiện tại phần lớn là do sự căng thẳng nguồn cung, nên Fed hầu như không thể làm gì trong việc này.

Fed hoạt động một cách độc lập đồng nghĩa với việc kể cả khi Tổng thống Biden muốn thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ, thì ông cũng không phải là người đưa ra quyết định trong việc này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục