Tổng thống Mỹ cam kết giải quyết tình trạng lạm phát tăng “phi mã”

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định gói chi tiêu cho cơ sở hạ tầng do ông đề xướng sẽ giúp giảm thiểu chi phí, tháo gỡ tắc nghẽn, đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào và ít tốn kém hơn.
Tổng thống Mỹ cam kết giải quyết tình trạng lạm phát tăng “phi mã” ảnh 1Người dân mua sắm tại một cửa hàng thực phẩm ở Chicago, Illinois, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Joe Biden ngày 10/11 cho hay ông coi việc chống lạm phát ở Mỹ là "ưu tiên hàng đầu" sau khi dữ liệu của chính phủ công bố trước đó cùng này cho thấy lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 30 năm vào tháng 10/2021.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 10/2021 đã tăng 6,2% so với tháng 10/2020 - mức tăng theo năm mạnh nhất kể từ tháng 11/1990.

Còn so với tháng 9/2021, CPI đã tăng 0,9% - gấp đôi so với mức ghi nhận của tháng trước đó và cao hơn dự báo của các nhà kinh tế.

Số liệu đã gây ngạc nhiên cho các nhà kinh tế cũng như Nhà Trắng, và được đưa ra khi Tổng thống Biden có chuyến công tác đến Baltimore để thúc đẩy gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD mà ông cho rằng có thể đảo ngược tình hình.

[Mỹ: Chỉ số giá tiêu dùng chạm mức cao nhất trong vòng 30 năm]

Phát biểu trước báo giới, ông khẳng định gói chi tiêu cho cơ sở hạ tầng do ông đề xướng sẽ giúp giảm thiểu chi phí, tháo gỡ tắc nghẽn, đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào và ít tốn kém hơn.

Trong khi Tổng thống Biden lập luận rằng tình trạng này sẽ chỉ mang tính tạm thời, nhưng diễn biến đó đã tạo cơ hội để các bên đối lập phản bác mạnh mẽ những kế hoạch chi tiêu do ông khởi xướng.

Tổng thống Biden đã đạt được chiến thắng quan trọng khi Quốc hội Mỹ thông qua gói chi tiêu cơ sở hạ tầng vào tuần trước. Nhưng kế hoạch “Build Back Better” nhằm cải thiện các dịch vụ xã hội với khoản đầu tư 1.850 tỷ USD trong 10 năm vẫn bị kẹt trong những cuộc tranh luận gay gắt giữa các đảng viên đảng Dân chủ.

Các đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện đã đăng trên Twitter rằng: "Việc chi thêm hàng nghìn tỷ USD tiền thuế cho các kế hoạch “phóng tay” của đảng Dân chủ sẽ chỉ khiến cuộc khủng hoảng mà người dân Mỹ đang phải đối mặt trở nên tồi tệ hơn."

Lạm phát của Mỹ vốn khá ổn định trong những năm gần đây, nhưng đã leo thang trở lại vào năm 2021 khi các doanh nghiệp nước này bắt đầu nối lại hoạt động bình thường sau giai đoạn đóng cửa phòng dịch COVID-19.

Giới chuyên gia nhận định rằn giá cả tại Mỹ đang chịu nhiều áp lực từ nhu cầu cao của người tiêu dùng, kết hợp với tình trạng thiếu công nhân và những khó khăn trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, như tình trạng thiếu chất bán dẫn đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ôtô cùng nhiều sản phẩm điện tử khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.