Những công trình giải quyết ùn tắc giao thông cho thủ đô Hà Nội

Trong những ngày đầu năm, người dân Thủ đô Hà Nội vui mừng khi 2 công trình giao thông trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được khánh thành, khởi công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng lãnh đạo các bộ, ngành thực hiện nghi thức gắn biển 'Công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.' (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Những ngày giáp Tết, trên các nẻo đường của Thủ đô, lưu lượng phương tiện giao thông tăng đáng kể, nhất là các trục đường hướng tâm. Không chỉ phương tiện của Thủ đô mà phương tiện từ tỉnh ngoài đổ về, phương tiện lưu thông qua Hà Nội cũng khiến hệ thống giao thông nhiều nơi trở nên quá tải, gây ùn ứ giao thông.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc, thành phố Hà Nội đang tập trung thúc đẩy các công trình giao thông trọng điểm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.

Những tín hiệu vui

Trong những ngày đầu năm, người dân Thủ đô vui mừng chứng kiến 2 công trình giao thông trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được khánh thành, khởi công, hứa hẹn những "gam màu sáng" cho hệ thống giao thông Thủ đô. Đó là nút giao vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã được khánh thành sau 12 tháng thi công quyết liệt.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh việc đưa công trình vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các phương tiện tham gia giao thông được thuận lợi, an toàn, rút ngắn hành trình và đồng bộ với mạng lưới giao thông trong khu vực; qua đó, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường vành đai 3, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và đường Cổ Linh; góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Cùng đó, công trình xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khởi công xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Đây là cầu đầu tiên của Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành sau 24 tháng thi công.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn II được xây dựng với hình dáng tương đồng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn I và nằm cách phần cầu hiện hữu về phía hạ lưu (hướng Hưng Yên) 21,2m. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép dự ứng lực. Khi hoàn thành, cầu Vĩnh Tuy I và II sẽ có 8 làn xe; trong đó có 4 làn ôtô, 2 làn xe buýt và 2 làn xe thô sơ.

Công trình cầu Thăng Long sau 4 tháng thì công sửa chữa cũng đã được đưa vào khai thác chia sẻ đáng kể lưu lượng giao thông qua cầu Nhật Tân. Trong bối cảnh tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp thì việc mỗi cây cầu, tuyến đường, nút giao thông được đưa vào khai thác là một tín hiệu vui giảm áp lực giao thông cho Thủ đô. 

Nhận diện "thủ phạm" gây ùn tắc

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến tháng 10/2020, thành phố Hà Nội quản lý tổng số 7.160.052 phương tiện giao thông; trong đó, xe máy 6.122.936 phương tiện, xe máy điện 167.211 phương tiện và 869.905 phương tiện ôtô, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại thành phố Hà Nội.

Tăng trưởng phương tiện giao thông cơ giới cá nhân trong giai đoạn 2011-2019 cao, bình quân 10,1%/năm đối với ôtô các loại (ôtô con 10,13%/năm); xe máy đạt 5,5%/năm.

Việc các phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh trong khi kết cấu hạ tầng giao thông hiện có và đang đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.

Nhiều tuyến đường, trục chính, cầu qua sông lưu lượng phương tiện vào giờ cao điểm đã vượt khả năng thông hành, chưa kể sự ảnh hưởng của thời tiết, quá trình thi công một số công trình làm thu hẹp lòng đường. Ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn diễn ra tương đối phổ biến.

Năm 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 34 điểm thường xuyên ùn tắc. Từ đầu năm đến nay, với sự phối hợp liên ngành Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan đã xóa bỏ được 8/34 điểm ùn tắc giao thông.

Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông-Công an thành phố đã rà soát, thống kê các điểm ùn tắc giao thông phát sinh để xây dựng kế hoạch, phương án xử lý trong năm 2021. Bên cạnh những yếu tố khách quan thì sự thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ của một bộ phận người dân làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn.

[Vành đai 4 Thủ đô: Sớm thi công để giảm ùn tắc, tạo liên kết vùng]

Chị Mai Hương, một cư dân của khu đô thị Linh Đàm, chia sẻ từ khi thành phố thông xe cầu vượt qua hồ Linh Đàm, phương tiện từ đường vành đai 3 qua cầu đi cầu Thanh Trì hay rẽ sang đường Hoàng Liệt đã giảm áp lực giao thông cho nút cổ chai từ đường Nguyễn Hữu Thọ ra đường Giải Phóng và các tuyến đường chung quanh.

Tuy nhiên vào giờ cao điểm, nhất là buổi chiều khi người dân ở khu đô thị Linh Đàm đi làm về, tình trạng ùn tắc vẫn còn xảy ra ở ngã tư trước lối lên cầu vượt qua hồ, mà nguyên nhân một phần do người dân không nhường nhịn nhau, cố tình chen ngang để vượt qua nút.

Trong những năm qua, thực hiện các chương trình, kế hoạch của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố đã thực hiện cải tạo, đầu tư xây dựng mới các tuyến đường, cầu qua sông theo quy hoạch và được phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn.

Nút giao đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng trong ngày khánh thành. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tuy nhiên, theo ông Đức Toàn, Phó Phòng quản lý kết cấu hạ tầng giao thông-Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong quá trình triển khai đầu tư, khi chưa hoàn chỉnh kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch thì trên địa bàn vẫn sẽ gặp một số điểm ùn tắc giao thông.

Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn đã giảm từ 44 điểm năm 2016 xuống còn 26 điểm năm 2020. Tuy nhiên, với tốc độ phương tiện cá nhân gia tăng trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa theo kịp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm ùn tắc.

Giảm tải cho khu vực trung tâm

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng 10 cầu vượt sông Hồng gồm: cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà, cầu Thăng Long mới, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, cầu Vân Phúc nhằm kết nối giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ sông Hồng. Các cây cầu này khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực ngoại thành, thu hút người dân đến sinh sống, giảm tải đáng kể cho khu vực trung tâm.

Cùng với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng thêm những cây cầu, tuyến đường, hàng loạt các giải pháp trước mắt, lâu dài đang được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hà Nội và các ngành chức năng triển khai nhằm sớm giải quyết các bất cập của đô thị, đặc biệt là vấn nạn ùn tắc giao thông trên địa bàn, đáp ứng mong mỏi của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục