Nhìn lại 13 ngày tìm kiếm máy bay mất tích

Những cột mốc đáng nhớ về chiến dịch tìm máy bay MH370

Đã bước sang ngày thứ 14, việc tìm chiếc máy bay mất tích MH370 vẫn chưa có tiến triển khả quan nào. Cùng Vietnam+ nhìn lại 13 ngày tìm kiếm vừa qua.
Một chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines. (Nguồn: nationalreview.com)

Đã bước sang ngày thứ 14 tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Hãng hàng không quốc gia Malaysia, Malaysia Airlines, mọi nỗ lực vẫn liên tục được tăng cường hàng ngày, tuy nhiên nhà chức trách vẫn chưa thu được manh mối gì về chiếc máy bay này.

Ngày 8/3: 5 giờ 30 phút, đội tìm tiếm và cứu hộ (SAR) chiếc máy bay mất tích MH370 được thành lập, gồm có 15 máy bay của Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia (gồm bốn máy bay Hercules C130, một máy bay CN 235, bốn máy bay EC 725 và hai máy bay trực thăng Augusta) và 9 tàu (gồm tàu của Lực lượng Hải quân Hoàng gia Malaysia -RMN và ba tàu của Cơ quan thực thi luật biển Malaysia -MMEA).

Giám đốc điều hành của MAS  Ahmad Jauhari Yahya xác nhận máy bay mất tích vào 7 giờ 30 sáng. Chuyến bay có 227 hành khách mang các quốc tịch:  Malaysia (38), Trung Quốc (153) Indonesia (12), Australia (7), Pháp (3), Mỹ (3), New Zealand (2), Ukraine (2), Canada (2), Nga (1), Italy (1), Đài Loan (1), Hà Lan (1), Áo (1); cùng 12 thành viên phi hành đoàn.

Ngày 9/3: Tư lệnh quân đội Zulkifeli Mohd Zin cho biết chiến dịch tìm kiếm mở rộng từ Biển Đông cho tới eo biển Malacca. Một số nước gồm có Singapore, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc và Mỹ đã triển khai người và phương tiện hỗ trợ tìm kiếm.

Radar của Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) đã bắt được tín hiệu của máy bay (được xác nhận sau đó) chuyển hướng về Tây của bán đảo Malaysia băng qua eo biển Malacca trước khi nó mất tích ở khu vực cách Penang 200 dặm về phía Tây Bắc vào lúc 2 giờ 15 phút sáng 8/3.

Tổng Giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman xác nhận rằng, có hai hành khách trên chuyến bay sử dụng hộ chiếu đánh cắp dưới tên của một người Italy và một người Áo, cả hai người này trước đó đã báo việc mất hộ chiếu.

Ngày 10/3: Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak cam kết Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức trong chiến dịch SAR để tìm kiếm máy bay MH370.

MMEA nhận được kết quả kiểm tra hai mẫu dầu từ vết dầu loang phát hiện ngoài khơi Việt Nam, tuy nhiên đây chỉ là dầu được sử dụng trong các tàu chở hàng.

Ngày 11/3: Cảnh sát Malaysia và Cảnh sát Quốc tế (Interpol) tiết lộ danh tính hai người đàn ông sử dụng hộ chiếu đánh cắp là người Iran có tên là Pouria Nour Mohammad Mehrdad, 19 tuổi, và Delavar Seyed Mohammad Erza, 29 tuổi; cảnh sát cũng cho rằng hai người này dường như không có liên quan đến các nhóm khủng bố. Hai người này được cho là đang cố gắng nhập cư vào châu Âu.

Ngày 12/3: Quyền Bộ trưởng Giao thông Hishammuddin Tun Hussein đã làm sáng tỏ một số vấn đề: về khả năng chiếc máy bay MH370 đã bay qua eo biển Malacca; hợp tác của các chuyên gia hàng không dân dụng nước ngoài; lý lịch của các hành khách trên chuyến bay MH370.

Bốn hành khách không làm thủ tục đã được thay thế bằng bốn hành khách trong danh sách chờ. Tất cả các hành khách đã lên máy bay. Không có hành lý nào bị bỏ lại. Hai người đàn ông Iran đến và rời Malaysia trên chuyến bay MH370 sử dụng cùng một hộ chiếu.

Ngày 13/3: Bộ trưởng Hishammuddin bác bỏ tuyên bố về việc máy bay mất tích đã bay thêm khoảng 4 giờ sau khi biến mất khỏi hệ thống theo dõi.

Người đứng đầu Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết không có bằng chứng nào về những vật thể nổi tại Biển Đông được chụp từ các vệ tinh của Trung Quốc có liên quan tới chiếc máy bay mất tích của MAS, và cho biết việc công bố những bức ảnh này của là một "sự cố."

Ngày 14/3: Nỗ lực tìm kiếm được mở rộng và tiến về phía Tây bán đảo Malaysia tại Ấn Độ Dương.

Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ USS Kidd đến khu vực Tây Bắc eo biển Malacca hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Bộ trưởng Hishammuddin cho biết, nhà chức trách Malaysia đang xem xét bốn đến năm khả năng về khả năng hệ thống truyền phát tín hiệu trên máy bay mất tích có thể bị tắt.

Ngày 15/3: Thủ tướng Malaysia tuyên bố ông không thể khẳng định việc máy bay bị không tặc và vẫn giữ quan điểm điều tra mọi khả năng liên quan đến việc mất tích của chiếc máy bay này.

Ông Najib cho biết Cục Hàng không Dân dụng Mỹ (FAA), Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), Cơ quan Điều tra Tai nạn hàng không của Anh (AAIB) và nhà chức trách Malaysia đã làm việc độc lập về cùng một dữ liệu rada thu được từ nhà cung cấp dịch vụ radar, và đều kết luận rằng liên lạc cuối cùng giữa máy bay và vệ tinh là vào lúc 8 giờ 11 phút ngày 8/3.

Thủ tướng Malaysia cho biết hệ thống liên lạc và hệ thống nhận phát tín hiệu của máy bay MH370 đã bị tắt khi máy bay đến bờ phía Đông của bán đảo Malaysia ở vào khoảng giữa vùng kiểm soát không lưu của Malaysia và Việt Nam.

Ông Najib tuyên bố rằng, máy bay đã bay nhiều giờ theo cách "tuân thủ theo một hành động cố ý" sau khi biến mất khỏi màn hình radar theo dõi.

Ông cho biết, liên lạc cuối cùng của máy bay với vệ tinh có khả năng ở trong một hoặc hai vành đai: vành đai Bắc trải dài từ biên giới của Kazakhstan và Turkenistan tới Bắc Thái Lan hoặc vành đai Nam trải dài từ Indonesia tới Nam Ấn Độ Dương.

Ông Najib cho biết nhiệm vụ của SAR đã bước vào giai đoạn mới với việc tìm kiếm tại hai vành đai Bắc và Nam. Có tổng cộng 26 nước tham gia tìm kiếm và cứu hộ. Australia và Indonesia chỉ đạo hoạt động tìm kiếm trong khu vực của mình.

Ông Najib cũng tuyên bố dừng chiến dịch tìm kiếm trên Biển Đông.

Ngày 16/3: Bộ trưởng Hishammuddin cho biết, không có yêu cầu nào đòi tiền chuộc đối với chiếc máy bay MH370. Vì vậy, cảnh sát đang tiến hành điều tra theo bốn hướng.

Về chiến dịch SAR, ông cho biết, Malaysia đã liên lạc với 15 nước dọc theo hai vành đai Bắc và Nam đề nghị hỗ trợ liên quan đến việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.

Tất cả nhân viên mặt đất, kỹ sư liên quan đến việc điều khiển chiếc máy bay MH370 đều được cảnh sát điều tra.

Tổng Thanh tra Cảnh sát Khalid Abu Bakar cho biết, chiếc máy bay mất tích MH370 được điều tra theo điều khoản 130 (C) luật hình sự về tội không tặc, khủng bố, và phá hoại; Đạo luật Tội phạm An ninh 2012 và Đạo luật Hàng không 2003. Cảnh sát đã thu giữ mô hình buồng lái tại nhà cơ trưởng chuyến bay MH370.

Ngày 17/3: Ông Hishammuddin cho biết chiến dịch SAR gồm 26 quốc gia tham gia đã bắt đầu tìm kiếm tại hai vành đai Bắc và Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng cam kết xem lại hệ thống radar của Malaysia sau khi chiến dịch SAR kết thúc.

Ngày 18/3: Ông Hishammuddin cho biết chiến dịch SAR đã tìm kiếm trên diện tích khoảng 2,24 triệu dặm vuông trên cả hai vành đai Bắc và Nam.

Ông cho biết, chiến dịch tập trung vào bốn nhiệm vụ: thu thập các thông tin từ vệ tinh theo dõi, phân tích các dữ liệu rada, tăng cường các phương tiện tìm kiếm trên không, trên biển và trên đất liền, và tăng cường các chuyên gia kỹ thuật và các chuyên gia chuyên ngành.

Ngày 19/3: Bộ trưởng Hishammuddin bác bỏ thông tin rằng máy bay mất tích của Malaysia được nhìn thấy bay ở độ cao thấp qua Maldives.

Năm thân nhân của các hành khách người Trung Quốc trên chuyến máy bay mất tích đã gây náo loạn khi hai lần xông vào Trung tâm họp báo tại khách sạn Sama-Sama, Selangor, Malaysia.

Ngày 20/3: Thủ tướng Australia Tony Abbot gọi điện cho Thủ tướng Malaysia vào lúc 10 giờ sáng cho biết, phát hiện hai vật có thể liên quan đến chiếc máy bay MH370 tại Nam Ấn Độ Dương, cách Perth 2.500km về phía Tây.

Ông Hishammuddin cho biết chiến dịch SAR vẫn tiếp tục đến chừng nào những vật được Australia phát hiện được kiểm chứng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục