Những 'đám mây' phủ bóng lên Triển lãm Hàng không Paris

Nhiều nhà phân tích cho rằng ngành hàng không đang bước vào giai đoạn giảm tốc do những quan ngại về an toàn bay, sức ép từ tình trạng căng thẳng thương mại hay các nền kinh tế suy giảm.
Các khách hàng tới tham dự một cuộc Triển lãm hàng không quốc tế Paris. (Nguồn: Bloomberg News )

Những quan ngại về an toàn bay, các cuộc chiến thương mại và căng thẳng gia tăng ở khu vực vùng Vịnh đang “phủ bóng mây” lên Triển lãm Hàng không Paris, dự kiến diễn ra trong các ngày từ 17-23/6 tại Pháp.

Sự kiện trên cũng là một cơ hội để "bắt mạch" lĩnh vực hàng không thương mại thế giới trị giá 150 tỷ USD/năm, mà nhiều nhà phân tích cho rằng đang bước vào giai đoạn giảm tốc do sức ép từ tình trạng căng thẳng thương mại hay các nền kinh tế suy giảm.

[Boeing thừa nhận "sai sót" xử lý lỗi hệ thống cảnh báo của 737 MAX]

Theo nhà phân tích hàng không Richard Aboulafia của Teal Group, cuộc khủng hoảng của Boeing không phải là điềm báo xấu nhất vì có thể được khắc phục cho dù số đơn đặt mua máy bay mới tại sự kiện này có thể sẽ thấp nhất trong nhiều năm.

Do việc máy bay 737 MAX bị cấm bay sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng, công ty sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) sẽ tìm cách cam kết với khách hàng và các nhà cung cấp về tương lai của dòng máy bay này cũng như xoa dịu sự chỉ trích về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng qua của Boeing.

Giám đốc điều hành (CEO) Boeing Dennis Muilenburg cho biết Boeing đã “sai sót” trong cách thức xử lý vấn đề hệ thống cảnh báo bị lỗi của máy bay 737 MAX trước khi 2 vụ tai nạn hàng không liên quan tới dòng máy bay trên xảy ra khiến 346 người thiệt mạng.

Đồng thời, ông Muilenburg cam kết về sự minh bạch khi doanh nghiệp này nỗ lực khắc phục để đưa dòng máy bay trên được phép hoạt động trở lại.

Theo dự kiến, phiên điều trần của Đại diện Thương mại Mỹ về kế hoạch áp thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày 17/6 (giờ địa phương).

Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 11/6 cho rằng Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra cuối tháng Sáu này tại Nhật Bản có thể mang lại tiến triển hướng tới một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, song đây không phải là nơi gặp gỡ để đạt tới một “thỏa thuận cuối cùng."

Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra trong các ngày 28-29/6 tại Osaka trong bối cảnh Mỹ cảnh báo sẽ áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 300 tỷ USD, trong đó có điện thoại, máy tính và hàng may mặc.

Trong chuyến thăm Pháp vừa qua, Tổng thống Trump cho hay sẽ quyết định liệu có thực hiện kế hoạch áp thuế trên hay không sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong khi đó, tình hình căng thẳng ở Trung Đông đang gia tăng trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 16/6 cho biết nước này "đang cân nhắc mọi lựa chọn" đối với việc gia tăng căng thẳng với Iran, trong đó có cả những lựa chọn quân sự, song nhấn mạnh rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump lưu ý ông không muốn tiến tới chiến tranh.

Trả lời phỏng vấn Fox News cùng ngày, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố, mặc dù việc Iran chịu trách nhiệm cho vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu hồi tuần trước ở vịnh Oman là "hiển nhiên," song Mỹ không muốn bước vào cuộc chiến với Tehran.

Tuy vậy, một số ý kiến đã bác bỏ nguy cơ suy giảm mạnh nói trên khi đưa ra dẫn chứng về sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu ở châu Á và nhu cầu mua máy bay mới để đáp ứng những mục tiêu về bảo vệ môi trường của các hãng hàng không.

Theo ông John Plueger, Giám đốc điều hành AirLease Corp, giải pháp duy nhất là ngành hàng không phải đưa ra được mẫu máy bay mới tiết kiệm nhiên liệu nhất và chu kỳ thay thế như vậy sẽ tiếp tục diễn ra.

Trong khi đó, ông Muilenburg cho hay Boeing đã nâng dự báo dài hạn về nhu cầu máy bay của thế giới, nhất là với mức tăng trưởng bền vững ở châu Á.

Boeing dự báo các hãng hàng không trên thế giới sẽ cần 44.000 máy bay trong vòng 20 năm tới, tăng so với mức 43.000 máy bay dự báo trước đó.

Đồng thời, thị trường hàng không toàn cầu, bao gồm máy bay chở khách, máy bay chở hàng và máy bay chiến đấu, sẽ đạt trị giá 8.700 tỷ USD trong 10 năm tới, so với mức dự báo 8.100 tỷ USD trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục