Những điểm đến hấp dẫn trong dịp Tết Trung Thu tại Hà Nội

Trung Thu năm nay đã cận kề cũng là lúc nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh, đa dạng cho thiếu nhi.
Múa lân, một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết Trung Thu. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Trung Thu, thời điểm này, không khí đón Trung Thu đã rộn ràng trên khắp phố phường.

Trung Thu cận kề cũng là lúc nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh, đa dạng cho thiếu nhi.

Sân chơi lưu giữ truyền thống

Hàng năm cứ vào dịp Tết Trung Thu, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội lại tổ chức chương trình Vui Tết Trung Thu với các chủ đề, nội dung hấp dẫn, mang tới một sân chơi đặc sắc cho thiếu nhi và du khách.

Đến Hoàng thành Thăng Long vào những ngày này, các em nhỏ và du khách sẽ được tham quan không gian trưng bày các loại đèn Trung Thu cổ truyền dưới hình thức các gian hàng trên phố cổ xưa, đặc biệt trong đó có những mẫu đèn cổ đã bị thất truyền được phục dựng một cách sống động, giúp các em nhỏ và du khách có thể hoài niệm, hiểu hơn về Trung Thu xưa.

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội Nguyễn Hồng Chi cho biết Trung tâm đã phối hợp với Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung Thu xưa ở phố cổ Hà Nội, Thanh Oai (Hà Nội), Báo Đáp (Nam Định), Đông Hồ (Bắc Ninh)... phục dựng các mẫu đèn cổ bị thất truyền từ những nguyên liệu truyền thống, như giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán. Trong đó, nổi bật nhất là đèn cá chép hóa long, cá chép trông trăng, đèn thỏ, đèn bướm, đèn cua sống, cua chín, đèn tôm, đèn quả đào, quả lựu, đèn trống.

Năm nay, Trung tâm vẫn duy trì các gian hàng trưng bày đồ chơi Trung Thu truyền thống khác như ông tiến sỹ giấy, ông đánh gậy trông trăng, đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi, tàu thủy sắt tây, trống ếch, trống bỏi, thỏ đánh trống, tò he, thiên nga nhồi bông...

[Thưởng lãm các mẫu đèn Trung Thu cổ tại Hoàng Thành Thăng Long]

Cô Nguyễn Thanh Nhàn, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ những món đồ chơi được tái hiện tại đây giúp gợi lại khung cảnh Trung Thu tuổi thơ với nhiều kỷ niệm đẹp gắn với gia đình, bạn bè, những đêm rước đèn, phá cỗ đêm rằm. Đồ chơi Trung Thu Truyền thống có giá trị rất lớn về mặt tinh thần, giúp gợi nhớ về một Tết Trung Thu cổ truyền đầm ấm của người Việt Nam.

Đến với Hoàng thành Thăng Long vào các ngày 23-24/9 và ba tối 27-29/9, các em nhỏ và du khách còn được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc, xem múa sư sử; tự tay trải nghiệm làm bánh dẻo, đèn ông sao, vẽ mặt nạ giấy bồi, tô mâm ngũ quả Trung Thu bằng gỗ hay làm diều giấy, làm quạt…

Tương tự như Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, nhân dịp Tết Trung Thu truyền thống, hằng năm, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cũng phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công, các cá nhân và tập thể tổ chức chuỗi hoạt động trưng bày, trải nghiệm các sản phẩm, đồ chơi Trung Thu tại các điểm di sản trong khu phố cổ Hà Nội (Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội ở số 50, phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm; Ngôi nhà Di sản ở số 87, phố Mã Mây; Đình Đồng Lạc ở 38 Hàng Đào, phường Hàng Đào; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật ở 22 Hàng Buồm và không gian phố tranh bích họa phố Phùng Hưng, phường Hàng Mã, Hà Nội.

Không chỉ dành không gian trưng bày các tài liệu, tư liệu hình ảnh giúp công chúng tìm hiểu những nghi lễ Tết Trung Thu chốn Hoàng cung và phố phường Hà Nội xưa, Ban Tổ chức còn trang trí, sắp đặt nhiều không gian, hoạt động trải nghiệm, giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống với sự hỗ trợ của các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận Hà Nội.

Với nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, Ban Tổ chức mong muốn mang đến cho các em nhỏ một sân chơi văn hóa bổ ích, góp phần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục di sản của Thủ đô, nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Đồng thời phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành thế hệ công dân hiểu biết về văn hóa di sản và có sức sáng tạo trên nền tảng đó.

Sân chơi kết hợp tri thức

Đến “Hội sách trăng tròn” ở phố Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội, với mong muốn tìm một cuốn sách làm quà Trung Thu cho con, anh Vũ Hữu Hiếu ở Linh Đàm, Hà Nội, cảm thấy thích thú với “đại tiệc” sách thiếu nhi ở đây và nhiều dòng sách mới lạ như sách tương tác thông minh giúp phát triển đa giác quan; sách cùng con trưởng thành với nhiều bài học về cảm xúc, rèn luyện kỹ năng; sách giúp phát triển tư duy sáng tạo thông qua các hoạt động tương tác bóc dán, tô màu; những tác phẩm văn học kinh điển đặc sắc...

Đèn Trung thu Cá chép được phục dựng và trưng bày. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Bé Vũ Hải Nam, con trai anh Hiếu thích thú với những cuốn sách tương tác bóc dán và sách chiếu bóng.

Cuốn sách chiếu bóng có kết cấu rất đặc biệt, chỉ cần dùng đèn pin chiếu qua, các hình ảnh với màu sắc sống động sẽ được phóng đại trên “màn chiếu” (tường nhà, trần nhà, cánh cửa...) tạo nên những bức tranh sinh động.

Tâm đắc với cuốn sách vừa tìm được để làm quà cho con, Anh Hiếu hào hứng chia sẻ, không chỉ dừng lại ở việc chiếu bóng sinh động, các câu chuyện trong sách chiếu bóng đều được kể lại bằng thơ dưới dạng song ngữ giúp các con vừa dễ hiểu, dễ nhớ, vừa có thể học tiếng Anh dễ dàng.

Không chỉ là nơi trưng bày và giới thiệu hàng ngàn đầu sách thiếu nhi chất lượng, phong phú về nội dung và hình thức với giá cả ưu đãi, “Hội sách trăng tròn” còn mang đến cho các bạn nhỏ không gian vui chơi sáng tạo, khám phá thông qua hàng loạt “workshop” (các buổi hội thảo, trao đổi kiến thức, kỹ năng…).

Với workshop “Bé làm sách chuyển động,” chủ đề "Câu chuyện chú Cuội, chị Hằng," các bạn nhỏ được hướng dẫn để tự mình sáng tạo ra các trang sách có thể lật - mở, kéo, đẩy, xoay tròn thú vị. Trong Workshop “Lật mở trang sách mới-Khám phá thế giới mới,” các em được tham gia hoạt động hỏi-đáp để mở rộng tri thức, khám phá 1001 bí ẩn qua từng trang sách.

Workshop “Sân khấu rối bóng-Kể chuyện sáng tạo” sẽ đưa các bạn nhỏ đến với những thước phim chiếu bóng sống động, khám phá các câu chuyện cổ tích về chị Hằng, chú Cuội dưới góc nhìn mới, độc đáo và cuốn hút. Tham gia hội sách, các em còn được hướng dẫn để sáng tạo các bức tranh thú vị, trang trí đèn lồng với Workshop “Cùng bé sáng tạo-Du hành cung trăng.”

Đối với những bạn nhỏ yêu sách và các hoạt động sáng tạo cùng trang sách, “Hội sách trăng tròn” là một không gian vui chơi độc đáo không thể bỏ qua trong mùa Trung Thu này. Đây cũng là một điểm đến thú vị cho các bậc phụ huynh khi muốn lựa chọn một món quà ý nghĩa dành cho các bạn nhỏ nhân dịp Tết Trung Thu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục