Thông điệp cơ bản của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa kết thúc tại Cornwall (Anh) có thể được tóm tắt là “phương Tây đã trở lại.”
Mục tiêu của các nhà lãnh đạo G7 là thể hiện sự thống nhất, mục tiêu và khả năng dẫn dắt trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, và vươn tầm ảnh hưởng rộng hơn trên thế giới, trong đó Trung Quốc vẫn là trọng tâm trong các cuộc thảo luận của G7 lần này.
Những kế hoạch tham vọng nhưng thiếu chi tiết cụ thể
Theo tờ Financial Times, sự kiện lần là cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của các quốc gia G7, gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Canada và Italy, kể từ khi đại dịch bùng phát.
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh đã để lại câu hỏi lớn về việc liệu G7 có thể đạt được những tham vọng như tuyên bố. Câu hỏi này xoay quanh nhiều vấn đề lớn mà G7 đã đề cập, bao gồm vaccine, khí hậu và nỗ lực tạo phát triển cơ sở hạ tầng quốc tế để cạnh tranh với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.
Về vấn đề vaccine, G7 cam kết cung cấp 1 tỷ liều cho các nước đang phát triển trong vòng một năm, song con số nghe có vẻ ấn tượng này có lẽ vẫn còn quá nhỏ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, thế giới cần 11 tỷ liều vaccine để tiêm chủng cho 70% dân số và có thể chống lại COVID-19 một cách hiệu quả.
Và một đợt triển khai tiêm chủng có thể mất tới 18 tháng, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều ca tử vong và các biến chủng virus kháng vaccine mới có nhiều thời gian để phát triển.
Bên cạnh đó, cạnh tranh với Trung Quốc là chủ đề cơ bản của hầu hết các cuộc họp thượng đỉnh G7. Nhưng Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ cam kết cung cấp một lượng vaccine cho toàn thế giới lớn hơn G7.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu bao gồm Thủ tướng Italy Mario Draghi, cho rằng phương Tây phải làm việc với Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là biến đổi khí hậu. G7 không thể tránh khỏi thực tế rằng hợp tác của Trung Quốc là điều cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
[G7 tìm kiếm giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường]
Những gì các nhà lãnh đạo nhóm họp ở Cornwall cố gắng làm là thể hiện khả năng lãnh đạo toàn cầu. Họ đã công bố các kế hoạch đầy tham vọng như đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm càng sớm càng tốt - và bảo vệ 30% diện tích đất và đại dương trên hành tinh vào năm 2030. Nhưng vẫn có nghi ngờ rằng các bước thiết thực để đạt được những mục tiêu này có thể không được thực hiện.
Quyết tâm của G7 trong việc đẩy lùi ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc thể hiện rõ nhất trong việc nhóm ủng hộ giải pháp thay thế cho BRI của Trung Quốc bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển với các tiêu chuẩn môi trường cao hơn và minh bạch hơn về các khoản vay và quản trị so với Trung Quốc. Vào ngày cuối cùng trong chương trình nghị sự, các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra một sáng kiến với tên gọi “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W).
Nhà Trắng đưa ra tuyên bố nhấn mạnh, Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận vấn đề cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, đồng thời đưa ra kế hoạch xây dựng một quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng “do các nước dân chủ tự do lãnh đạo, lấy quan điểm giá trị chung làm định hướng, có tiêu chuẩn và mức độ minh bạch cao” để hỗ trợ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 40.000 tỷ USD của các nước đang phát triển.
Tổng thống Biden cho biết một nhóm công tác chuyên trách sẽ soạn thảo kế hoạch, tập trung vào biến đổi khí hậu, y tế, công nghệ kỹ thuật số và bình đẳng giới, để thách thức hàng tỷ USD mà Trung Quốc chi cho cơ sở hạ tầng ở các nước nghèo hơn.
Về phía Đức, Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm để khai phá các cách thức mà các Chính phủ G7 có thể hợp tác với khu vực tư nhân trong các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, số tiền được phân bổ cho kế hoạch này và các cách thức tài trợ không được đưa ra trong thông cáo chung của G7. Trong khi đó, các ngân hàng và công ty Trung Quốc đã và đang tích cực thực hiện các dự án mang tính bước ngoặt trên khắp thế giới - chẳng hạn như việc xây dựng thủ đô mới cho Ai Cập.
Theo Reuters, kế hoạch này có thể cạnh tranh với sáng kiến BRI trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc, song hiện nay vẫn chưa rõ sẽ vận hành cụ thể như thế nào và cũng chưa rõ cuối cùng sẽ có bao nhiêu ngân khố được huy động cho kế hoạch này.
Nguồn tiền lấy từ đâu là vấn đề lớn nhất của kế hoạch này. Những năm gần đây, các nước thành viên G7 đều đối diện với thâm hụt ngân sách liên tục tăng cao. Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước trị giá 2.300 tỷ USD do ông Biden đề xuất cũng bị thu hẹp, đồng thời còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Cộng hòa.
Hiện nay, để ứng phó với BRI, Tổng thống Joe Biden lại đưa ra kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu 40.000 tỷ USD, chưa nói đến việc Mỹ và các đồng minh có quyết tâm thực hiện thực sự hay không, chỉ riêng vấn đề sẵn sàng tham gia thì Mỹ có thể cung cấp bao nhiêu và các đồng minh như châu Âu, Nhật Bản… có thể cung cấp bao nhiêu cũng là một dấu hỏi lớn trong bối cảnh ngân sách trong nước căng thẳng.
Biện pháp gây áp lực với Trung Quốc có hiệu quả?
Câu hỏi lớn hơn đặt ra là liệu phương Tây có thực sự thống nhất trong quyết tâm đối phó với những ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngay bên lề hội nghị G7, rõ ràng là lời lẽ của Mỹ và Nhật Bản mạnh hơn rất nhiều so với ngôn từ hùng biện của châu Âu.
Phát biểu ngay trước Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh rằng châu Âu cần duy trì “độc lập" khi đề cập đến chiến lược của G7 đối với Trung Quốc. Thủ tướng Anh Boris Johnson, chủ trì hội nghị, đã không nhắc đến Trung Quốc trong cuộc họp báo bế mạc.
Một quan chức Anh cũng nói: “Mục đích của hội nghị thượng đỉnh là thể hiện những gì chúng ta hướng tới, chứ không phải chúng ta chống lại ai.”
Trang tin tức The Daily Beast ngày 13/6 của Mỹ cho biết, các nhà lãnh đạo G7 phát sinh mâu thuẫn về vấn đề Trung Quốc. Còn theo tờ Wall Street Journal, một số nhà lãnh đạo châu Âu không muốn đối đầu với Trung Quốc, cho rằng việc này sẽ phản tác dụng và có thể làm phức tạp những nỗ lực của họ trong việc tìm kiếm sự hợp tác với Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu, thương mại và tài chính.
Báo Liên hợp buổi sáng chỉ ra rằng do Chính quyền của ông Biden coi trọng sự đoàn kết và hợp tác với đồng minh, nên Mỹ và đồng minh muốn đạt được những nhận thức chung nói trên bằng văn bản không phải là vấn đề khó khăn.
Tuy nhiên, những mục tiêu nói trên phần lớn là triển vọng, muốn cụ thể hóa tất cả bằng hành động thực tế, thì không chỉ các nước có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc về kinh tế như Pháp, Đức, Italy rất khó thực hiện, mà ngay cả bản thân Mỹ cũng không thể triển khai mạnh mẽ.
Nhìn chung, tác động thực tế của Hội nghị thượng đỉnh G7 đối với chính trị, kinh tế và xã hội của Trung Quốc tương đối hạn chế. Sau khi dịch COVID-19 lây lan toàn cầu, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản, thậm chí Trung Quốc và Ấn Độ không những không thu hẹp, mà ngược lại còn tiếp tục tăng trưởng. Vì vậy, việc Mỹ và đồng minh muốn thay đổi tình hình này trong ngắn hạn là điều không dễ dàng.
Dù vậy, trước sức ép bên ngoài rất lớn, biện pháp chống lại áp lực bên ngoài hiệu quả nhất vẫn là xử lý tốt các vấn đề trong nước. Vào thời điểm Hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra sôi nổi, Trung Quốc đã công bố ý kiến về việc hỗ trợ Chiết Giang xây dựng khu trình diễn thịnh vượng chung, xác định rõ đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất khu vực bình quân đầu người của tỉnh này sẽ đạt mức của các nền kinh tế phát triển trung bình, thực hiện bình đẳng các dịch vụ công cơ bản.
Thách thức lớn mà Trung Quốc phải đối mặt là làm thế nào để giải quyết những vấn đề phát triển mất cân đối và không đầy đủ đang nổi cộm trong nước, bao gồm chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, chênh lệch giữa miền Đông và miền Tây, miền Bắc và miền Nam, khoảng cách phân bổ thu nhập của các nhóm khác nhau là vẫn rất lớn, vẫn còn cách xa mục tiêu thực hiện hiện đại hóa lấy thịnh vượng chung là nền tảng.
Người phụ trách Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) tuyên bố, trong bối cảnh khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng, việc lần đầu tiên chính thức đưa ra lộ trình và thời gian của chiến lược thịnh vượng chung, đồng thời bắt đầu thử nghiệm ở Chiết Giang có ý nghĩa tương đương với việc xây dựng các đặc khu kinh tế ở Thâm Quyến và Phố Đông, Thượng Hải trong giai đoạn trước đây./.