Những cửa hàng chocolate vắng lặng trong dịp Lễ Phục sinh, điều mà chưa bao giờ thấy ở thủ đô Brussels.
Sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng hôm 22/3, khi những đau thương mất mát đã tạm thời lắng xuống thì những lo lắng lại dấy lên đối với những người buôn bán ở khu trung tâm của thủ đô, khi không khí trở nên trầm lắng hơn bao giờ hết.
Khu Quảng trường lớn Grande-Palace, trái tim của Brussels, nơi vốn tấp nập thì nay thực sự yên ắng trong ngày lễ Phục sinh.
"Từ hôm đó đến nay, chúng tôi chẳng bán được gì cả. Chỉ có vài người Bỉ tới đây thôi. Khách du lịch không thấy. Tôi thậm chí chẳng đạt được 25% doanh số như những dịp cuối tuần bình thường. Không thể nào tưởng tượng được một dịp cuối tuần của Lễ Phục sinh lại tệ hại như thế này," chủ một cửa hàng bán chocolate ở khu Quảng trường lớn chia sẻ.
Tình hình cũng tương tự tại cửa hàng chocolate Leonidas, một thương hiệu chocolate truyền thống của Bỉ. "Thực sự đây là một thảm họa. Chúng tôi ký hợp đồng cố định nên phải làm việc. Bình thường, chúng tôi phải có 6 người mới kịp phục vụ khách hàng. Nhưng nay, nhân sự giảm xuống còn 2 người mà cũng chẳng có gì bận rộn cả," một trong hai người bán hàng cho biết.
Không chỉ những người bán hàng chocolate phải chịu cảnh vắng khách mà tại các nhà hàng, quán bar, cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, lượng khách hàng cũng giảm đáng kể.
Ông Yvan Roque, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ của Brussels, cho biết phần lớn các doanh nghiệp ở trung tâm chỉ hoạt động bằng 10-15% khả năng. Đây là thảm họa thực sự đối với ngành thương mại thủ đô.
Còn theo ông Dominique Michel, CEO của COMEOS, Liên đoàn thương mại và phân phối lớn của Bỉ, "tất cả đều hoạt động chậm lại. Cần phải nhớ rằng một Brussels không hoạt động kinh tế thì đó là thảm họa ngắn hạn đối với cả nước Bỉ. Nếu ngày cuối tuần Phục sinh u ám thế này thì những ngày và những tuần tiếp theo sẽ thực sự lo lắng."
Ngành khách sạn cũng chẳng khá hơn gì. Anh Quang, một đầu bếp người Việt tại khách sạn Pulman, kể rằng từ sau hôm xảy ra khủng bố, khách sạn của anh rất vắng. Đáng lẽ dịp lễ Phục sinh anh phải rất bận rộn để phục vụ khách hàng nhưng ngược lại, anh chỉ làm việc cầm chừng.
"Còn khá sớm để đánh giá những thiệt hại mà ngành khách sạn của Brussels phải hứng chịu, ngay cả khi thấy rõ lượng khách hàng sụt giảm nghiêm trọng trong những ngày qua," ông Van Weyenbergh, Tổng Thư ký Hiệp hội khách sạn Brussels, nhấn mạnh.
Thế nhưng xa trung tâm một chút, không khí tấp nập hơn. "Hôm nay, mọi người đi nghỉ Phục sinh thì vắng lặng là điều bình thường. Hôm thứ Sáu, thứ Bảy vừa qua ở đây cũng khá tấp nập đấy chứ dù không như trước kia," một nhân viên phục vụ quán bar tại Quảng trường Saint-Boniface, cách khu Grande- Palace khoảng 3km cho biết.
Thế nhưng đối với những ngành và doanh thu phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch, thì nỗi lo lắng hiện nay là làm sao sân bay Zaventem hoạt động trở lại càng sớm càng tốt.
"Sân bay chưa mở lại, chúng tôi lại phải phỏng đoán rằng khách du lịch không muốn tới Brussels nữa vì sợ hãi hay vì họ không muốn. Phải đợi sân bay mở lại thì mọi thứ mới rõ ràng," ông Van Weyenbergh, Tổng Thư ký Hiệp hội khách sạn Brussels, giải thích.
Với những người đã trở lại được với thói quen thì họ cho rằng mọi thứ không đến nỗi đen tối như hồi tháng 11/2015, khi Brussels phải sống chậm trong 4 ngày trong báo động tuyệt đối, sau vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris.
Ít người đi ra đường trong ngày nghỉ lễ đặc biệt này cũng là điều dễ hiểu vì đó là ngày nghỉ, nhưng người dân Brussels đã quyết định đúng "không thể tự nhốt mình nữa"./.