Giảm áp lực đáo hạn trả nợ hàng năm; lãi suất thấp hơn so với huy động vốn trong nước; nâng cao uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế… là những lợi thế mà được nhiều đại biểu quốc hội đã chia sẻ bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 3/11 về việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế.
Đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc phát hành trái phiếu sẽ có lợi.
“Phát hành trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ không làm tăng nợ công. Tôi ủng hộ vì có mấy cái lợi. Thứ nhất, dài hạn hiện nay, nhất là nợ trong nước, đến kỳ đáo hạn là áp lực phải trả nợ hàng năm. Thứ hai là lãi suất thấp hơn, tức là giảm đi chi phí của Chính phủ. Thứ ba là đánh giá được uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đối với vấn đề đầu tư công chưa hiệu quả. Theo tôi, đầu tư công hiệu quả là vấn đề khác; chứ không phải do trái phiếu quốc tế 3 tỷ USD làm cho không hiệu quả. Tôi cho rằng, phát hành để cơ cấu lại nợ. Nếu phát hành để vay làm mới, thì tôi có ý kiến vay để làm gì và hiệu quả sẽ ra sao?" - Đại biểu Trần Du Lịch cho biết.
"Đối với việc giám sát hiệu quả đầu tư công, tôi cho rằng, chúng ta đã giám sát rồi; đặc biệt năm 2016 sẽ có 60.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Ngay từ bây giờ, chúng ta đã phải giám sát các công trình, không thể nào buông lỏng được và cần tính đến hiệu quả. Tôi khẳng định, cho tới nay, vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay là một vấn đề đại sự mà trong thời gian tới nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp giám sát chặt chẽ, hiệu quả mà dàn trải như lâu nay thì bài toán nợ công sẽ là bài toán không có lời giải, nếu chúng ta không làm mạnh. Trên thực tế, có rất nhiều công trình giao thông, trọng điểm của quốc gia được coi là điểm sáng nhưng vốn thực tế với vốn thuyết trình đã tăng lên rất nhiều. Tôi đã nói vấn đề này rất nhiều lần, ví dụ như một số công trình, khi một Bộ trưởng mới lên là có những công trình, cắt giảm đến mười mấy ngàn tỷ, vẫn đảm bảo chất lượng không thay đổi. Như vậy, người ta thổi phồng giá như thế nào? Trách nhiệm của những người thổi phồng giá ra sao? Tôi nghĩ cần phải làm rõ trách nhiệm" - Đại biểu Trần Du Lịch chia sẻ thêm.
Đại biểu Trần Du Lịch cho biết thêm: "Khi một công trình được thổi phồng giá lên, thì bên nào cũng có lợi. Người thi công cũng có lợi, người chủ dự án cũng có lợi, người giám sát, thi công cũng được phần trăm… Những việc đó, tôi cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm, chứ không phải chúng ta cắt giảm một cách đơn giản. Tôi hoan nghênh việc cắt giảm chi tiêu công nhưng cắt giảm cần phải được làm rõ."
Trong khi đó, Đại biểu Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách (đoàn đại biểu Lai Châu) cho hay, việc phát hành trái phiếu quốc tế sẽ tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế.
“Mục đích Chính phủ trình trong tài khóa 2015-2016 là phát hành 3 tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế để đảo nợ đối với các khoản vay ngắn hạn trong nước. Hiện tại, chúng ta có nên làm hay không? Theo tôi, việc huy động vốn trong nước để mà cho vay dài hạn để đảo các khoản vay ngắn hạn, gắn cái nghĩa vụ trả nợ hàng năm của ngân sách Nhà nước là cần thiết. Nhưng vay trong nước hiện tại là rất khó khăn. Tôi cho rằng, vay nước ngoài sẽ có lợi thế hơn như: thời gian vay dài hạn hơn (dự kiến sẽ phát hành từ 10-30 năm); lãi suất sẽ rẻ hơn vay trong nước; vay nước ngoài sẽ huy động tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vay nước ngoài cũng sẽ có nhiều rủi ro hơn; đặc biệt là biến động đến tỷ giá (vì vay trung, dài hạn 10-30), thì việc biến động tỷ giá sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ lên. Tất cả những điều này, chúng ta cần tính toán, cần cân nhắc. Với ý kiến cá nhân của tôi, với cái nhìn tổng thể như vậy, trong bối cảnh tình hình như hiện nay, Chính phủ huy động vay 3 tỷ USD vốn nước ngoài trong năm 2015-2016 là cần thiết" - Đại biểu Bùi Đức Thụ chia sẻ.
"Tôi nhấn mạnh, nếu khoản vay này được chấp thuận, thì khoản vay này chỉ được sử dụng vào mục đích đảo nợ, chứ không được phép sử dụng vào những mục đích khác. Mặc dù, các mục đích khác cũng cần thiết và cấp bách. Với nguồn vốn này, ngoài giám sát của các cơ quan Quốc hội, đoàn đại biểu quốc hội; các đại biểu quốc hội và các cơ quan tổ chức khác có nhiệm vụ thẩm quyền. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là giám sát của kiểm toán Nhà nước. Cơ quan này sẽ kiểm soát được những đối tượng sử dụng sai nguồn tài chính. Tôi nhấn mạnh, việc vay 3 tỷ USD này là để đảo nợ các khoản vay ngắn hạn trong nước chứ không tăng dư nợ công" - Đại biểu Bùi Đức Thụ cho biết thêm./.