Nhà rông là một kiến trúc độc đáo của các buôn làng đồng bào sống ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên.
Không chỉ mang ý nghĩa vật chất, nhà rông còn chứa đựng linh hồn, "trái tim" của mỗi ngôi làng.
Ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai), những mái nhà rông vẫn vững chãi cùng năm tháng, làm điểm tựa tinh thần cho bao thế hệ bà con buôn làng.
"Trái tim" của mỗi ngôi làng
Huyện Kông Chro nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai. Cộng đồng người Bahnar trong nhiều ngôi làng trên địa bàn vẫn còn gìn giữ vẹn nguyên nếp nhà rông truyền thống.
Dọc theo con đường Đông Trường Sơn, rẽ vào thị trấn Kông Chro thêm chừng 1km đã thấy ngôi nhà rông của thôn Plei Hle Ktu (thị trấn Kông Chro) sừng sững vươn cao giữa trời xanh.
Ngôi nhà rông dài gần 30m được làm hoàn toàn bằng gỗ, tre và nứa. Những cột trụ, miếng ván lót sàn đã lên màu đen bóng của thời gian.
[Ksor Krôh - Người đi tìm hồn gỗ của đại ngàn Tây Nguyên]
Xung quanh và bên trong nhà rông, chú chim đại bàng, con rùa, tắc kè, tượng người được tạc bằng gỗ cũng đã nhuốm màu cũ kỹ của thời gian.
Già Đinh Văn Drem cho biết: "Nhà rông của Plei Hle Ktu được dựng từ lâu lắm rồi, tôi không nhớ rõ năm nhưng khi ấy tôi còn là thanh niên, vẫn còn sức để cùng mọi người đẽo, tạc các bức tượng trang trí, phụ giúp lợp mái tranh cho nhà rông. Mái tôn này mới được sửa gần đây thôi vì giờ tìm cỏ tranh không còn nữa. Hoạt động hay lễ cúng gì của thôn cũng vẫn diễn ra ở nhà rông đấy. Tối tối, đám thanh niên thỉnh thoảng vẫn đến đốt lửa ngủ lại."
Hiện nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, văn hóa, đời sống hiện đại đã xâm nhập vào sâu trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số. Song nhà rông vẫn là trái tim của cả tộc làng, là "nhà thiêng" của buôn làng.
Như dân làng Tnùng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro, dù đã được Nhà nước đầu tư xây dựng một nhà rông văn hóa mới song bất kỳ hoạt động nào của bà con làng Tnùng vẫn được tổ chức tại nhà rông cũ. Đó là mái nhà rông đã chứng kiến bao thăng trầm của dân làng Tnùng suốt 4 thập kỷ qua.
Già Khép, người dân làng Tnùng, nhớ lại những ngày bà con không lên nương lên rẫy, cùng nhau ở nhà mấy tháng liền dựng nhà rông. Ngày ấy, từng khúc cây, tấm ván đều đẽo cắt thủ công. Nhà rông dựng lên dưới sự chỉ đạo của những người già trong làng. Già, trẻ, trai, gái ai cũng được phân công nhiệm vụ riêng. Vì thế bà con ai cũng yêu quý, trân trọng mái nhà rông ấy.
Mỗi khi làng chuẩn bị có lễ cúng, nhà rông lại nhộn nhịp, rộn ràng bởi các già đến ngồi chẻ tre, chuốt nan làm cây nêu hay bàn cúng. Đám thanh niên thì đảm nhận những việc ít quan trọng hơn như đem bộ cồng chiêng ra lau chùi, tập luyện. Các thế hệ trong làng vì thế cứ mãi gắn kết, bền chặt.
Tương tự, trên khoảng sân rộng trước nhà rông của làng Brăng (xã Đak Tpang) vẫn còn chiếc bàn cúng làm bằng tre, lưu lại dấu tích của lễ đâm trâu vừa diễn ra cách đây vài tháng.
Nhiều năm nay, mặc cho sự biến chuyển của thời gian, nhiều nghi lễ truyền thống vẫn được bà con làng Brăng gìn giữ và tổ chức ngay tại nhà rông.
Anh Đinh Blớt, người làng Brăng, nói: "Cách đây vài chục năm, mỗi nhà đều được giao "chỉ tiêu" phải đan bao nhiêu tấm phên tre, bao nhiêu tấm cỏ tranh lợp mái. Mất gần 5 năm nhà rông này mới hoàn thành. Từ đó cho đến nay, cứ có lễ cúng là bà con đều tự giác đến cùng nhau làm việc."
Nỗ lực bảo tồn nhà rông
Hầu hết các ngôi làng Bahnar ở huyện Kông Chro đều có nhà rông. Có nhiều ngôi làng sở hữu từ 2 đến 3 nhà rông. Nhiều địa phương như xã Đak Tpang chỉ có 3 làng nhưng có đến 6 nhà rông; xã Ya Ma có 7 nhà rông. Phần lớn là kiểu nhà rông truyền thống bằng gỗ có từ rất lâu và bà con vẫn giữ gìn vẹn nguyên hồn cốt cho đến ngày nay.
Già Drem (thôn Plei Hle Ktu, thị trấn Kông Chro) chia sẻ: "Nhà rông sử dụng lâu thì cũng phải hư hỏng. Mỗi lần thấy có chỗ nào hỏng hóc, các già làng đều kêu gọi dân làng đóng góp công sức, của cải để tu sửa. Một góc thủng trên vách cũng phải được đan lại, ván mục phải thay thế ngay, có như vậy mới gìn giữ được lâu dài. Tiếc là mái tranh bây giờ không còn, đành phải dùng mái bằng tôn thôi."
Đó cũng là cách làm của nhiều ngôi làng trên địa bàn huyện Kông Chro để giữ lại dáng dấp của nhà rông truyền thống.
Dù vậy không thể phủ nhận sự việc dùng gạch và các vật liệu hiện đại đang khiến diện mạo của nhiều nhà rông mới trên địa bàn huyện trở nên khô khan, cứng nhắc và vô hồn.
Bên cạnh đó, những bếp lửa trong nhiều nhà rông cũng không thường xuyên được truyền hơi ấm. Thanh niên trong các ngôi làng không còn coi sàn nhà rông là nơi ngả lưng mỗi khi đêm về như ông bà vẫn làm trước đây.
Anh Pdin (thôn Plei Hle Ktu, thị trấn Kông Chro) tâm sự: "Trước đây thanh niên cả làng vẫn thường cùng nhau ra nhà rông ngủ mỗi tối. Nhưng do trước đây nhà nào cũng nhỏ, lại đông người nên thanh niên chưa vợ đều háo hức đến nhà rông ngủ lại, nghe già làng kể chuyện. Bây giờ thì nhà nào cũng rộng rãi rồi nên ít người đến lắm." Do đó, dù luôn rộng cửa song nhà rông lúc nào cũng vắng vẻ.
Nhà rông được dựng nên hoàn toàn từ trí nhớ, trí tưởng tượng, sự căn chỉnh chính xác tuyệt đối mang tính kinh nghiệm và năng khiếu của một số ít người trong cộng đồng làng. Vì thế khó để tìm kiếm bản vẽ hoàn chỉnh của nhà rông để lưu giữ.
Một mái nhà rông có thể kiên trì, trụ vững chắc với dân làng từ vài thập kỷ đến trăm năm song vẫn không thể chống chọi lại sự bào mòn của thời gian. Trong khi đó, lớp người biết dựng nhà rông dần khuất núi khi lớp thanh niên trong làng lại không mặn mà với công việc đầy khó nhọc ấy.
Trước sự mai một các giá trị truyền thống của nhà rông, bên cạnh ý thức gìn giữ của bà con thì chính quyền các cấp huyện Kông Chro cũng đã hết sức quan tâm.
Ông Vũ Cao Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ya Ma (huyện Kông Chro), cho hay: "Xã luôn khuyến khích, vận động bà con duy trì tổ chức các lễ hội ở nhà rông của làng gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khác như cồng chiêng, đan lát, tạc tượng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khích lệ bà con tích cực sửa chữa, duy tu, bảo tồn nhà rông truyền thống, cố gắng gìn giữ kiến trúc độc đáo này cho con cháu đời sau"./.