“Phụ nữ ở vị trí lãnh đạo: Hiện thực hóa một tương lai bình đẳng trong thế giới COVID-19” - Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã chọn chủ đề này cho Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay khi mà cuộc khủng hoảng COVID-19 hơn 1 năm qua đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nữ giới trên toàn cầu. Câu chuyện bất bình đẳng giới thường được nghe thấy tại các nước chậm phát triển ở châu Phi hay châu Á, nay, vì virus SARS-CoV-2, đang trở thành vấn đề nổi cộm tại nhiều nước phát triển châu Âu.
Các đợt phong tỏa quốc gia làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng giới. Công việc xã hội, sức khỏe, gia đình, bạo lực hôn nhân, việc nhà..., phụ nữ có lẽ đang phải trả giá rất đắt.
Khi Chính phủ Pháp quyết định phong tỏa quốc gia lần thứ hai từ cuối tháng 10/2020, Assia đã không thể cầm được nước mắt: “Bị giam lỏng trong căn phòng 20 m2 một lần nữa, tôi sẽ không trụ vững."
Trước đó, sau 5 tháng nhận 80% lương theo diện bảo hiểm thất nghiệp một phần do nhà nước chi trả, hợp đồng ngắn hạn của cô trong vị trí nhân viên lễ tân tại một công ty tổ chức sự kiện ở Paris đã không được gia hạn.
Assia nghẹn ngào: "Thất nghiệp, không có triển vọng, trong một lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, tôi sẽ phải đối phó như thế nào?"
Aurélie cũng hoảng sợ. Là kỹ sư làm việc cho một tập đoàn công nghệ thông tin, cô đã trải qua lần phong tỏa đầu tiên hồi mùa Xuân năm 2020 trong tồi tệ.
Cô tâm sự: “Trông coi hai đứa con 7 tháng và 4 tuổi giữa các cuộc điện thoại công việc, đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, ngay cả khi chồng tôi làm việc nhà nhiều hơn, hầu hết mọi việc đều chất lên vai tôi.”
Song điều khó khăn nhất là Aurélie cảm thấy như bị tụt lại sau các đồng nghiệp nam, do họ có nhiều thời gian để làm việc nhiều hơn. “Trong vòng 6 tháng, tôi nhận thấy khoảng cách ngày càng mở rộng,” cô tỏ ra thất vọng.
Assia là một ví dụ điển hình của nữ giới làm các công việc bấp bênh và trong lĩnh vực dịch vụ.
Việc đóng cửa biên giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch, khách sạn, nhà hàng và các doanh nghiệp nhỏ. Đặc biệt đối với phụ nữ: ở Pháp, 84% nhân viên khách sạn, 64% nhân viên bán hàng và 57% nhân viên phục vụ là phụ nữ, theo Viện Bình đẳng giới châu Âu (EIGE).
Trong khi đó, phụ nữ thường khó tìm được việc mới hơn, sau thời gian phải nghỉ làm vì công ty cũ phá sản, hoặc để gánh vác những trách nhiệm gia đình.
Thống kê của EIGE cho thấy 1/10 phụ nữ ở Liên minh châu Âu (EU) làm việc bán thời gian hoặc không làm việc vì trách nhiệm gia đình, so với 1/100 đàn ông.
Đối với những người như Aurélie, làm việc từ xa đe dọa sự cân bằng giữa nghề nghiệp và cuộc sống gia đình, do đó họ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới trong cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến COVID-19.
Ông Massimiliano Mascherini thuộc Tổ chức châu Âu về cải thiện điều kiện sống và làm việc, gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng tác động tàn khốc của COVID-19 “đang gây nguy hiểm cho những tiến bộ đạt được về bình đẳng giới trong 10 năm qua ở châu Âu,” nhất là trong bối cảnh tổng mức lương trung bình theo giờ của nữ giới vẫn thấp hơn 15% so với nam giới trong Khu vực đồng tiền chung euro.
Ngay trong mỗi gia đình, những đợt phong tỏa cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Khi cả hai vợ chồng bắt đầu làm việc từ xa, Cécile hy vọng nhận được nhiều hơn sự giúp đỡ của chồng trong việc nhà.
Dù vậy, "tôi vẫn tiếp tục làm mọi việc: đi chợ, nấu ăn, giúp con làm bài tập, dọn vườn...,” bà mẹ của hai cậu con trai đang học mẫu giáo chia sẻ.
[Thủ tướng Đức cảnh báo về những bước thụt lùi về bình đẳng giới]
Trong ngày, Cécile rất vất vả để tập trung vào công việc của mình. Ngày tháng trôi qua, mối quan hệ giữa hai vợ chồng không còn sự cảm thông.
Cécile thường xuyên cảm thấy rằng chồng cô đang đánh giá thấp khối lượng công việc của cô: “Tôi đang hy sinh sự nghiệp và thời gian của mình. Tôi ngã gục vì kiệt sức trong khi chồng tôi ngồi xem phim truyền hình.”
Mỗi cặp vợ chồng trải qua cuộc khủng hoảng theo một cách khác nhau. Song nhiều việc hơn, căng thẳng hơn, mệt mỏi hơn, đó cùng là vấn đề mà các bà mẹ đều phải đương đầu.
Trong một số trường hợp, điều này thúc đẩy đối thoại giữa hai vợ chồng. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, bạo lực gia đình gia tăng do thiếu sự thông hiểu.
Chuyên gia về nữ quyền Camille Froidevaux-Metterie nhận xét: "Nếu chúng ta hy vọng rằng đàn ông đồng ý chia sẻ nhiều hơn gánh nặng việc gia đình, thì các cuộc khảo sát đầu tiên về chủ đề này đã chỉ ra rằng nhận thức đó không thực sự diễn ra.”
EIGE thống kê rằng 87,4% phụ nữ Pháp trong các gia đình có trẻ nhỏ dành ít nhất một giờ mỗi ngày để nấu nướng và dọn dẹp, so với chỉ 25,5% nam giới.
Đối với những bà mẹ chuyển sang làm việc từ xa, cuộc sống hằng ngày trở thành một cuộc đua marathon siêu tính giờ.
Trong trường hợp này, một lần nữa, việc con cái phải nghỉ học vì lệnh phong tỏa làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng vốn có.
Theo EIGE, 43,4% phụ nữ ít học dành ít nhất một giờ mỗi ngày cho việc chăm sóc con cái, so với 25,6% đàn ông ít học. Tỷ lệ này lần lượt tăng lên 51,8% và 28,7% ở các cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao.
Charlotte, người đứng đầu một công ty truyền thông ở Marseille và là mẹ của 3 đứa trẻ 2, 6 và 9 tuổi, bộc bạch: "Thức dậy, học bài, ăn trưa, học bài, bữa chiều, chơi trước khi ngủ: tôi sống theo thời gian biểu của trẻ con trong ngày. Tôi chỉ thực sự bắt đầu làm việc từ 21 giờ cho đến 1 giờ sáng hôm sau.”
Không có thời gian nghỉ ngơi. “Sẽ ra sao nếu một ngày tôi đột ngột suy sụp?” Tất nhiên, chồng cô cũng giúp cô nhiều hơn trước. Giáo sư lịch sử Coline Charpentier nhấn mạnh: “Nhưng điều này vẫn chưa đủ để giảm bớt gánh nặng việc gia đình, dường như tăng gấp đôi trong bối cảnh trường học đóng cửa.”
Bà Coline Charpentier đã tạo tài khoản Instagram “Bạn có nghĩ đến…?" dành cho những người muốn trút bớt gánh nặng tâm lý. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, tài khoản này tràn ngập những lời tâm sự của các bà mẹ kiệt sức vì bài tập của con, nấu ăn và các cuộc họp trực tuyến.
Bà Coline Charpentier nhận xét rằng hầu hết phụ nữ “nhanh chóng cam chịu” vì lý do chính đáng: những nhiệm vụ này liên quan đến các bổn phận được cho là thuộc về nữ giới, ngay cả trong suy nghĩ của nhiều phụ nữ, những người nhiều khi cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ người bạn đời của mình.
Làm việc từ xa cũng là một thách thức rất lớn. Nhà xã hội học Christine Castelain-Meunier phân tích: “Đó vừa là đòn bẩy vừa là phanh hãm đối với bình đẳng giới trong việc làm.”
Đối với một số người, làm việc từ xa đem đến sự linh hoạt đáng hoan nghênh. Chloé, trợ lý hành chính ở vùng Auvergne-Rhône-Alpes, tỏ ra vui mừng khi tiết kiệm được hai giờ mỗi ngày cho việc đi lại, và dành thời gian "quý giá" đó cho con cái và hạnh phúc lứa đôi.
Đối với những người khác, làm việc từ xa trở thành một cái bẫy. Natacha, một giám đốc truyền thông ở Paris, cho biết chủ công ty yêu cầu cô làm việc nhiều hơn, nhưng khi tắt máy tính để chăm sóc hai con gái 2 và 6 tuổi, thì “chồng tôi không nhúc nhích, vì cho rằng tôi làm việc đó tốt hơn. Kết quả là tôi cảm thấy chỉ làm mọi việc được nửa chừng và thấy rất có lỗi.”
Theo nhà xã hội học Yvonne Lott thuộc quỹ nghiên cứu Hans-Böckler-Stiftung, làm việc từ xa, vì có giờ giấc linh hoạt, có xu hướng củng cố sự phân chia nhiệm vụ cổ điển trong các cặp vợ chồng.
Nam giới chủ yếu sử dụng tính linh hoạt này để làm việc nhiều hơn, trong khi phụ nữ sử dụng nó để kết hợp tốt hơn giữa chuyên môn và việc gia đình. Điều này có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách về tiền lương.
Tài chính luôn là một trong những mấu chốt của vấn đề bình đẳng giới. Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp, thu nhập của nam giới cao hơn nữ giới trong 3/4 số cặp vợ chồng.
Kết quả là khi phải lựa chọn, các hộ gia đình thường tìm cách bảo tồn nguồn tài chính cao hơn.
Sandrine, nhân viên bán hàng ở vùng Ile-de-France, tâm sự: “Cả hai chúng tôi đều làm việc, nhưng chồng tôi kiếm tiền nhiều hơn một chút. Vì vậy tôi tự giảm làm việc để chăm sóc ba đứa con phải nghỉ học.”
Song cô đã không tưởng tượng được rằng tình hình bệnh dịch lại kéo dài đến vậy. Ban đêm, Sandrine ngủ rất ít, lo lắng vì công việc sắp tới sẽ rất khó khăn.
Cô kết luận: "Cuộc suy thoái chỉ mới bắt đầu và sẽ rất nghiêm trọng. Tôi sợ rằng sự mất cân bằng tài chính kéo dài sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho mối quan hệ giữa hai vợ chồng.”
Liên hợp quốc ghi nhận phụ nữ đứng ở tuyến đầu trong chiến dịch ứng phó với đại dịch COVID-19, đóng góp hiệu quả vào đẩy lùi đại dịch ở các vị trí khác nhau như nhân viên y tế, người chăm sóc, người sáng tạo, nhà tổ chức cộng đồng và các nhà lãnh đạo quốc gia.
Những lãnh đạo nữ và các tổ chức của phụ nữ đã thể hiện kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và phát huy mạng lưới lãnh đạo hiệu quả trong ứng phó với COVID-19 và nỗ lực phục hồi.
Các nữ lãnh đạo đứng đầu chính phủ ở Đan Mạch, Ethiopia, Phần Lan, Đức, Iceland, Na Uy, New Zealand, Slovakia... đã được hoan nghênh vì nhanh chóng, quyết đoán và hiệu quả trong lãnh đạo đất nước ứng phó với COVID-19 cũng như ứng phó với các tác động về y tế và kinh tế-xã hội của đại dịch.
Tuy nhiên, đại dịch đã tạo thêm những rào cản mới, làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng về kinh tế - xã hội, ngoài những rào cản xã hội và hệ thống đã có từ lâu.
Phụ nữ ở nhiều nơi đang phải đối mặt với những mảng tối của bất bình đẳng giới khi bạo lực gia đình gia tăng, phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc mà không được trả lương, mất việc làm và nghèo đói.
Phụ nữ đang chiếm phần lớn ở tuyến đầu chống đại dịch, nhưng chưa được đại diện một cách tương xứng ở những vị trí liên quan đến chính sách COVID-19 ở trong nước và trên toàn cầu. Khi COVID-19 đang khiến nữ giới có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, xây dựng một tương lai bình đẳng mang tính bền vững trở thành trách nhiệm toàn cầu./.