Những mỏm núi tang thương ở Hòa Bình: ‘Oan hồn núi đá’ vẫn khóc than!

Mặc dù 45 mỏ đá khai thác sai thiết kế đã bị cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đình chỉ hoạt động để khắc phục vi phạm nhưng một số mỏ đến nay vẫn tiếp tục khai thác, gây ra các vụ tai nạn thương tâm.
Hoạt động nổ mìn phá núi vẫn diễn ra sôi động tại các mỏ đá đang bị tạm dừng để khắc phục vi phạm. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Tỉnh Hòa Bình có 45 mỏ đá khai thác sai thiết kế, liên tiếp gây ra các vụ tai nạn lao động thương tâm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đã bị đình chỉ hoạt động để khắc phục vi phạm sau khi Báo Điện tử VietnamPlus phản ánh vào đầu năm 2018. Thế nhưng, đến nay, nhiều mỏ đang bị đình chỉ, tạm dừng vẫn ngang nhiên nổ mìn phá núi trái phép, khiến danh sách người lao động tử nạn cứ từng ngày lại dài thêm.

Có lẽ câu hỏi mà nhiều người đặt ra nhất thời điểm này là: tại sao cơ quan chức năng Hòa Bình lại để tình hình khai thác đá gây chết người, ô nhiễm môi trường tại các mỏm núi tồn tại suốt thời gian dài như vậy; thậm chí ngay cả khi đang bị dừng, một số mỏ đá vẫn tiếp tục khai thác, khiến “oan hồn núi đá” liên tiếp khóc than?

Đang khắc phục vi phạm vẫn gây chết người

Đầu tháng Một năm nay, tình trạng mất an toàn lao động và câu chuyện về hàng loạt vụ tử nạn thương tâm xảy ra tại các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là tại huyện Lương Sơn, đã được Báo Điện tử VietnamPlus phản ánh trong loạt bài phóng sự “Những mỏm núi tang thương ở Hòa Bình.”

[Những mỏm núi tang thương ở Hòa Bình]

Sau đó, qua nhiều đợt thanh-kiểm tra liên ngành do Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình làm tổ trưởng, đến ngày 26/1/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Văn bản số 584/TB-VPUBND, có đính kèm danh sách 45 mỏ đá bị tạm dừng việc khai thác đá theo giấy phép đã được cấp để thực hiện khắc phục những lỗi vi phạm.

Theo Văn bản thông báo của Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình, tại một số nơi còn tình trạng khai thác đá trái phép, khai thác không đúng thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ đã được phê duyệt và khai thác vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép; vẫn còn xảy ra nợ đọng thuế, phí và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…

Trên cơ sở đó, đến ngày 30/6, tất cả 45 mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh sẽ phải hoàn thiện việc khắc phục khai thác sai thiết kế để đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường và chấp hành nghĩa vụ thuế phí đối với Nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay (tức đã quá gần 6 tháng hoàn thành việc khắc phục vi phạm), theo Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình, mới chỉ có 12 mỏ đá được khai thác trở lại; 24 mỏ đá chỉ được cấp vật liệu nổ để khắc phục tồn tại; còn 9 mỏ khác vẫn đang bị đình chỉ hoạt động do chưa khắc phục xong vi phạm, nợ thuế phí...

Đáng nói hơn là, sau nhiều tháng bị “tuýt còi” để khắc phục các lỗi vi phạm do khai thác trái phép, khai thác sai thiết kế, liên tiếp gây chết người, cùng với hàng loạt văn bản chỉ đạo của tỉnh, thì mới đây (đầu tháng 11/2018), chỉ trong một tuần, lại tiếp tục xảy ra hai vụ tử nạn thương tâm tại chính các mỏ đá vẫn đang bị đình chỉ.

Mới đây nhất, ngày 9/11, thêm một vụ tử nạn đã xảy ra tại mỏ đá Thiên Hà thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thiên Hà Hòa Bình, tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn. Theo gia đình nạn nhân, khi đang khai thác, bất ngờ bị đá lăn trúng người khiến nạn nhân tử vong tại chỗ, thi thể không còn nguyên vẹn.

Cũng trong tháng 11, một vụ tai nạn khác đã xảy ra tại mỏ đá số 5 thuộc Công ty Cổ phần khoáng sản Lương Sơn (đang trong thời gian phắc phục vi phạm). Phía gia đình thông tin, vụ tai nạn xảy ra khi nạn nhân đang leo lên núi để bẩy đá và khoan nhồi thuốc nổ mìn, thì bỗng dưng đá rơi khiến nạn nhân trượt ngã và tử nạn.

Sau đó, phía chủ mỏ đá đã thỏa thuận và bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 260 triệu đồng, nên phía gia đình cũng không có khiếu kiện gì.

Nguyên nhân hai vụ tử nạn trên được Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình kết luận “như bản sao” của những kết luận trước đây về hàng loạt vụ tử nạn khác tại các mỏ đá là “người lao động tự ngã” và “đá rơi.” Theo đó, các chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động (chủ mỏ) đều vô can trong các sự cố này.

Điều đáng nói là, 2 vụ tử nạn mới đây đều có một đặc điểm chung là đều xảy ra tại các mỏ chưa được khai thác trở lại mà đang trong thời điểm khắc phục vi phạm. Cách khắc phục là cho nổ mìn để làm đường lên núi, phục vụ thiết kế mới.

Trước đó, vào ngày 27/1/2018, chỉ sau “lệnh” tạm dừng khai thác đá được một ngày, một vụ tai nạn thương tâm cũng đã xảy ra tại mỏ đá Cao Thắng thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Cao Thắng, khiến anh N., (35 tuổi, thôn Vôi Đá, xã Miếu Môn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) ra đi mãi mãi.

Không lâu sau đó, đầu tháng 3/2018, tại mỏ đã số 9 thuộc thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thạch Kim Hòa Bình (đang trong thời gian khắc phục vi phạm) lại tiếp tục để xảy ra thêm một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 người tử nạn và 1 người bị thương.

Một nhóm công nhân đu dây lên vách đá để khoan nổ mìn, bất chấp hiểm họa. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

“Núp bóng” làm đường để khai thác đá

Theo thông tin từ Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình, sau khi có “lệnh” yêu cầu các mỏ đá tạm dừng khai thác để khắc phục những vi phạm, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình chỉ cấp vật liệu nổ đủ để các tổ chức, cá nhân (các mỏ đá) nổ làm đường lên đỉnh núi, thực hiện việc cắt tầng theo đúng thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật.

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên cho thấy, trong quá trình làm đường lên núi, cũng như khắc phục vi phạm về quy cách khai thác, không ít chủ mỏ đá lại tranh thủ việc được cấp phép nổ mìn để tiếp tục khai thác chui. Thậm chí, một số mỏ đá còn gây ra tai nạn chết người…

Đơn cử như mỏ đá số 5 vừa gây tai nạn chết người vào đầu tháng 11/2018, và đang phải tạm dừng khai thác để khắc phục vi phạm trước đó, nhưng liên tiếp những ngày cuối tháng 11, mọi hoạt động như nổ mìn, khai thác đá, xe tải trọng ra vào “ăn hàng” vẫn diễn ra sôi động như chưa có chuyện gì xảy ra.

Từ trên núi cao, người lao động cùng với máy móc vẫn đang “căng sức” gạt đá xuống chân núi khiến bụi đá bao phủ cả vùng trời. Phía dưới hàng loạt xe tải trọng như “binh đoàn xe” nườm nượp vào “ăn hàng” rồi gồng mình chở hàng ra ngoài, theo đường mòn Hồ Chí Minh hướng về địa phận Hà Nội.

Trong quá trình “ăn hàng,” vào chiều ngày 28/11, có hai chiếc xe tải trọng đi ra từ mỏ đá số 5 của Công ty Cổ phần khoáng sản Lương Sơn đã bị nổ lốp, khi trên mình đang phải chứa một khối lượng hàng chất cao vượt quá thành thùng xe.

Cách đó chừng 400m, tại mỏ đá số 9, khi chứng kiến những hình ảnh khai thác đá tại đây ai cũng nghĩ rằng các vụ tử nạn cách đây không lâu khiến ít nhất 3 thợ núi thiệt mạng gần như bị lãng quên, vì hoạt động khai thác tại đây đã trở lại bình thường, khi chưa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cấp phép trở lại.

Tương tự, tại mỏ đá số 7 thuộc Công ty trách nhiệm hữ hạn công nghệ dầu nhớt Valine, ghi nhận của phóng viên vào những ngày cuối tháng 11 cho thấy, vật liệu nổ vẫn được nổ để khai thác đá. Ngay sau khi “phá núi,” đá từ trên cao đổ ập xuống được đưa vào dàn máy nghiền, bụi bay mù mịt cả góc trời, hàng chục lượt xe tải ra vào chở đá đưa đi tiêu thụ.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty trách nhiệm hữ hạn công nghệ dầu nhớt Valine, cho rằng việc mua bán đá vẫn diễn ra bởi khi làm đường lên núi để cắt tầng, chỗ đá sản xuất ra đơn vị tận dùng nghiền và bán để lo chi phí, ngoài ra còn một ít đá tồn đọng trước đó. Còn thực tế như nào thì chủ mỏ mới biết rõ.

Nằm trên địa bàn huyện Lương Sơn, hàng loạt mỏ đá khác đang trong quá trình tạm dừng để khắc phục vi phạm (như mỏ đá của Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng thương mại Hùng Mạnh, mỏ đá Cao Dương, mỏ đá Hợp Tiến, mở đá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Phát…) cũng ngang nhiên nổ mìn bạt núi, khai thác đá đưa đi tiêu thụ.

Hoạt động nghiền đá gây ô nhiễm tại mỏ đá số 7, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

“Chúng tôi đã làm hết cách rồi!”

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về thực trạng nêu trên, bà Trần Tố Chinh, Phó Giám đốc sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, thừa nhận hoạt động khai thác tại các mỏ đá trên địa bàn thời gian qua diễn ra rất phức tạp. “Trước đây, các mỏ có thiết kế rồi nhưng không làm theo thiết kế. Họ làm phá vỡ hết,” bà Chinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh tình trạng mất an toàn lao động tại các mỏ đá, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã thành lập đoàn kiểm tra, và sau đó yêu cầu 45 mỏ phải dừng hoạt động khai thác để khắc phục vi phạm, đảm bảo an toàn lao động.

Theo bà Chinh, trong thời gian bị đình chỉ, các mỏ chỉ được cấp phép mìn để nổ làm đường lên đỉnh núi đảm bảo theo thiết kế. Theo đó, đến ngày 30/6 (hạn cuối), Ủy ban Nhân dân tỉnh đã nghiệm thu và xác định 11 mỏ hoàn thành việc khắc phục. Đến thời điểm này (đầu tháng 12) có 12 mỏ được phép khai thác trở lại.

“Còn 24 mỏ đá khác vẫn đang trong giai đoạn sử dụng vật liệu nổ để khắc phục vi phạm. Trong số này, một số mỏ đã gửi văn bản đề nghị nghiệm thu, tuy nhiên cuối năm nhiều việc và vừa rồi vướng vào một số vụ tai nạn tại một số mỏ, nên chúng tôi cũng chưa đi nghiệm thu được,” bà Chinh chia sẻ.

[Bình Định: San phẳng cả quả đồi khi chưa có giấy phép khai thác]

Đề cập đế việc một số vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra tại các mỏ đá chưa được phép khai thác trở lại, bà Chinh cho rằng: “Đó là sự cố ngoài ý muốn của các mỏ. Hơn nữa khai thác mỏ là lĩnh vực không tránh khỏi rủi ro, kể cả nước ngoài cũng vậy.”

Bà Chinh cũng khẳng định, sau khi Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình vào cuộc kiểm tra và yêu cầu các mỏ đá tạm dừng khai thác để khắc phục vi phạm, nên số vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn đã giảm rất nhiều so với những năm trước.

“So với các địa phương khác như Hà Nam, Thanh Hóa, thì việc khai thác an toàn còn thua xa Hòa Bình nhiều. Việc khai thác ở các tỉnh cũng chả có cắt tầng như ở Hòa Bình đâu. Hòa Bình làm rất nghiêm chỉnh và bài bản, tuy nhiên vừa rồi đúng là xảy ra một số vụ tai nạn ngoài ý muốn của các chủ mỏ,” bà Chinh nói thêm.

Liên quan đến thông tin nhiều mỏ đá “núp bóng” làm đường lên núi để khai thác đá trái phép, bà Chinh cho hay: “Chúng tôi không thể thường xuyên cắm người đứng ở mỏ mà canh được. Theo quy định thì mỗi năm chỉ được phép kiểm tra có 2 lần, mà từ cuối năm 2017 đến nay phải đến hàng chục lần, nói thật là rất mệt mỏi.”

Tuy nhiên, bà Chinh cũng thừa nhận, trong quá trình các doanh nghiệp nổ mìn, làm đường lên mỏ cũng có đá bắn ra, bạt ngọn cũng có đá bắn ra, có thể chủ mỏ-họ tận dụng đem nghiền và bán để duy trì hoạt động sản xuất cho đỡ lãng phí.

“Tất nhiên, nếu mỏ nào trong thời gian đang bị đình chỉ, hay đang khắc phục vi phạm mà lợi dụng khai thác đá thì rõ ràng là họ làm trái pháp luật. Nếu đúng vậy, các anh cứ việc phản ánh. Còn đến thời điểm này, chúng tôi đã là hết khả năng, làm hết cách rồi. Bản thân tôi cũng rất mệt mỏi,” bà Chinh nói../.

Theo số liệu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình, năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ tai nạn lao động, làm 16 người chết, 17 người bị thương. Tai nạn lao động chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và xây dựng, chiếm khoảng 65%.

Tính riêng lĩnh vực khai thác đá xảy ra 8 vụ tai nạn lao động, làm 8 người chết. Đáng chú ý chỉ tính riêng trong quý I/2018, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn lao động, làm 5 người chết, 6 người bị thương. Trong số đó, có 2 vụ xảy ra tại 2 mỏ khai thác đá ở huyện Lương Sơn, khiến 3 người tử nạn, một người bị thương.
Xe tải trọng nườm nợp vào mỏ đá số 5 bốc hàng đưa đi tiêu thụ, gây bụi mù mịt, dù mỏ này chưa được phép khai thác trở lại. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Sau khi ăn hàng, những chiếc xe tải trọng gồng mình chở hàng đưa đi tiêu thụ, bụi đá bay mù mịt. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục