Những sản phẩm ấn tượng tại Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế MAKS

Tham dự triển lãm MAKS-2019 có hơn 800 doanh nghiệp từ 29 quốc gia, trong đó có Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Iran..., giới thiệu 92 máy bay và trực thăng cùng 161 thiết bị bay.
Những sản phẩm ấn tượng tại Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế MAKS ảnh 1Du khách thăm quan tại Triển lãm hàng không-vũ trụ quốc tế MAKS-2019 ở Zhukovsky, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những màn nhào lộn thú vị kèm theo âm thanh động cơ của các loại máy bay phản lực và trực thăng Nga là ấn tượng đầu tiên đối với những người tham dự Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế MAKS-2019 diễn ra từ 27/8-1/9 ở Zhukovsky, ngoại ô thủ đô Moskva.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, tham dự triển lãm năm nay có hơn 800 doanh nghiệp, trong đó khoảng 630 doanh nghiệp của Liên bang Nga và trên 180 công ty nước ngoài từ 29 quốc gia, trong đó có Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Iran..., giới thiệu 92 máy bay và trực thăng cùng 161 thiết bị bay.

Trung Quốc lần đầu tiên tham gia với tư cách là đối tác. Dự kiến, tại triển lãm sẽ diễn ra hơn 80 cuộc tiếp xúc kinh doanh với sự tham gia của 2.000 chuyên gia.

[Video] Cận cảnh triển lãm máy bay quân sự MAKS 2019 của Nga

Tạo ấn tượng tại MAKS năm nay không chỉ có sự hiện diện trong ngày khai mạc của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, mà đặc biệt còn là sự xuất hiện lần đầu tiên của máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm SU-57 của Nga tại khu trưng bày.

Chiếc máy bay này lần đầu tiên cất cánh vào năm 2011, ứng dụng những thành tựu kỹ thuật mới nhất của Liên bang Nga và có thể đạt tốc độ tới 2.600 km/giờ.

Trao đổi với các phóng viên tại triển lãm, ông Viktor Kladov phụ trách về hợp tác quốc tế của Tập đoàn công nghệ Rostec, cho biết không loại trừ khả năng Nga sẽ bán tiêm kích thế hệ thứ năm này cho Thổ Nhĩ Kỳ do Mỹ đã từ chối bán máy bay chiến đấu đa năng F-35 cho Ankara.

Tạo ấn tượng cũng không kém phần phú vị là mẫu trực thăng hạng sang Aurus lấy cảm hứng từ ô tô Aurus Senat dành cho Tổng thống Nga Putin.

Dựa trên nền tảng của chiếc trực thăng Ansat, Công ty cổ phần “Trực thăng Nga” trực thuộc Tập đoàn công nghệ Rostec, phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học ôtô (NAMI), nhà phát triển dòng xe ôtô Aurus của Nga, đã thiết kế và chế tạo chiếc trực thăng Aurus dành cho các nhân vật VIP này.

Khoang cabin của máy bay được hoàn thiện bằng các chất liệu gỗ, nhôm và da sang trọng cùng hệ thống chiếu sáng có thể tùy chỉnh theo nhu cầu của khách VIP.

Trên khía cạnh dân sự, một điểm đáng chú ý khác tại MAKS 2019 là sự xuất hiện lần đầu tiên của mẫu máy bay chở khách tầm trung MS-21 của Nga do công ty Irkutsk chế tạo.

Dự kiến loại máy bay này sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt năm 2021 và hãng hàng không Aeroflot đã ký hợp đồng mua 50 chiếc máy bay loại này. Bên cạnh đó, dòng máy bay trực thăng của Nga cũng được quan tâm đặc biệt.

Các chuyên gia đã giới thiệu chi tiết các dòng máy bay trực thăng đa năng K-62 lần đầu tiên hiện diện tại triển lãm này; dòng trực thăng hạng nhẹ Ka-226T bản nâng cấp mới nhất...

Theo ông Oleg Landin, trưởng bộ phận tiếp thị và phát triển kinh doanh của Công ty cổ phần “Trực thăng Nga,” giá thành của máy bay trực thăng Nga thường rẻ hơn khoảng 30% so với các loại máy bay cùng loại của phương Tây, vì thế trên phương diện kinh tế, mức giá này phù hợp với nhu cầu tại các nước đang phát triển.

Tại triển lãm, “Trực thăng Nga” cũng giới thiệu dự án “taxi trực thăng” phục vụ thủ đô Moskva vốn thường hay tắc đường.

Tại triển lãm, khách tham quan cũng được ngắm các màn trình diễn trên máy bay huấn luyện Yak-152, Mig-35, Su-34, và Su-35./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.