Những tác động của Brexit “cứng” với các ngành công nghiệp Anh

Mặc dù Chính phủ Anh và EU chưa bắt đầu đàm phán các điều khoản cụ thể, giới doanh nghiệp đang phải lên kế hoạch dự trù cho mọi trường hợp, không loại trừ trường hợp ảm đạm nhất khi Brexit “cứng.”
Sản xuất ​chocolate. (Ảnh minh họa: ndtv.com)

Mặc dù Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu (EU) chưa bắt đầu đàm phán các điều khoản cụ thể liên quan đến việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit, giới doanh nghiệp đang phải lên kế hoạch dự trù cho mọi trường hợp, không loại trừ trường hợp ảm đạm nhất khi Brexit “cứng,” ám chỉ việc nước Anh rời khỏi cả Thị trường ​chung châu Âu và Liên minh Thuế quan, xảy ra. 

Theo phóng viên TTXVN tại London ngày 21/11, Công ty tư vấn Boston Consulting Group, Global Counsel và công ty luật Herbert Smith đã tiến hành một nghiên cứu về tác động đối với ba nhóm công ty bao gồm công ty sản xuất ôtô, công ty sản xuất chocolate và các hãng thời trang bán lẻ, trong trường hợp kịch bản xảy ra Brexit “cứng” nếu không đạt được thỏa thuận thương mại mới. 

Trên cơ sở phân tích ba công ty giả định, nhóm nghiên cứu kết luận rằng các công ty sản xuất ôtô sẽ bị thiệt hại nặng nhất, trong khi ngành thời trang bán lẻ sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.

Lợi nhuận trước thuế và lãi vay của công ty ôtô sẽ giảm tới 70% so với giai đoạn trước Brexit, của công ty thời trang là 11% và của công ty sản xuất chocolate là 18%.

Trong trường hợp Brexit “cứng” nhất, hàng hóa của Anh vào thị trường EU sẽ không còn được hưởng chính sách miễn thuế hay miễn thủ tục hải quan và các biện pháp kiểm soát biên giới khác.

Tuy nhiên, Anh cũng sẽ không phải tuân thủ các quy định của EU cũng như sẽ không phải tiếp nhận luồng di chuyển tự do về thương mại, dịch vụ và công dân từ EU. 

Hàng xuất khẩu của Anh sang các nước thuộc khối EU sẽ bị đánh thuế như các thành viên không thuộc EU khác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các mức thuế suất sẽ được áp dụng tùy theo mặt hàng. Đơn cử như mức thuế suất đối với máy tính cá nhân và điện thoại di động là 0%, kính mắt là 2,9% và xe ô tô là 10%. Hàng xuất khẩu của EU vào Anh cũng sẽ phải chịu mức thuế suất do Chính phủ Anh quyết định.

Ông Pierre Mercier, quan chức thuộc Boston Consulting Group, nhận định: “Những thay đổi dù rất nhỏ trong các quy định thuế quan sẽ ảnh hưởng đáng kể lên các công ty Anh. Theo đó, một công ty có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là 5% sẽ hầu như không còn lợi nhuận nếu thuế suất mới tăng thêm 5%."

Theo quy định hiện hành của WTO, nước Anh có thể lựa chọn đánh hoặc không đánh thuế nhập khẩu, song nếu chọn giải pháp đánh thuế nhập khẩu, nước này sẽ phải áp một mức thuế chung cho tất cả các nước thành viên WTO.

Điều này đồng nghĩa là nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận về thuế quan mới, Anh sẽ không thể thực hiện chính sách ưu đãi nhập khẩu riêng đối với hàng hóa của EU.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Anh Michael Beck của công ty tư vấn Oxford Economics, lập luận rằng trong trường hợp Brexit "cứng," kinh tế “xứ sở sương mù” nói chung và ba nhóm ngành được phân tích nói riêng sẽ hưởng lợi, nếu Chính phủ Anh lựa chọn phương án không áp dụng thuế nhập khẩu đối với bất cứ mặt hàng nào.

Lý do là Anh hiện đang nhập siêu đối với xe ôtô, hàng tiêu dùng và hàng may mặc, và nếu thuế suất bằng 0%, các nhà sản xuất có thể nhập khẩu nguyên liệu và phụ kiện với giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo tác động bất lợi từ việc người Anh có thể sẽ chuyển hướng sang mua hàng nhập khẩu thay vì mua hàng sản xuất từ thị trường trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục