Viết bưu thiếp là một cách để lưu trữ kỷ niệm, cảm xúc trên những tấm hình đẹp về nơi mình đến. Ngày nay, không còn nhiều người viết bưu thiếp nữa vì đã có nhiều phương pháp hiện đại thay thế.
Tuy vậy Jan Wagner - một nhà thơ, dịch giả người Đức đến thăm Việt Nam - vẫn chọn cách này. Năm 2017, Jan Wagner tham gia một chuyến lưu trú Viện Goethe dành cho nghệ sỹ tại Việt Nam. Cuốn sách “Những tấm bưu thiếp Việt Nam” là tổng hợp của những quan sát, ấn tượng và suy tư của anh ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.
Jan Wagner (sinh năm 1971, Berlin) ghi lại rất nhiều sự việc, hiện tượng và cảnh vật mà anh cho là đậm chất Việt Nam. Anh ngắm đường phố, ra chợ, vào quán ăn, đi Lăng Bác, vào điểm di tích văn hóa. Anh quan sát và diễn giải.
'Chuyện người Tây ở xứ Ta': Việt Nam qua góc nhìn của người nước ngoài
Ví dụ như những đứa trẻ được kẹp giữa bố mẹ khi đi xe máy. Phía trước là tấm lưng căng cứng của bố, ngay phía sau là phần bụng và ngực mềm của mẹ. Jan Wagner viết: “Hẳn phải là một ký ức tuổi thơ đặc biệt Việt Nam về những giây phút được che chở an toàn tuyệt đối, mà không một người Âu châu, không một người ‘không Việt Nam’ nào có thể cảm nhận được.”
Jan Wagner cũng thực hành những nét riêng của Việt Nam, thể hiện qua việc “bóc tách” rất rõ cách để ngồi xổm. Bàn chân phải thế nào, lưng ở tư thế ra sao… Anh trầm trồ cho rằng người Việt Nam phải có “cơ bắp” - những sợi cơ, búi bắp không có trong “cơ thể đã thoái hóa từ lâu của người Âu châu.”
Dịch giả Thái Kim Lan cho rằng cái hay mà Jan Wagner làm được là biến thứ tầm thường thành đối tượng văn học. “Đó là những cái lớn” - Thái Kim Lan nhận xét.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý thì cho rằng cách viết của tác giả người Đức là đầy chất thơ. Còn ông Oliver Brandt - Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cho rằng bức ký họa du lịch của Jan Wagner kết hợp đầy sinh động giữa âm thanh, mùi vị, màu sắc và hình dạng… tạo thành một màn pháo hoa đầy gợi cảm.
Mỗi chương trong sách của Jan Wagner đi kèm một hình minh họa đầy màu sắc. Đó có thể là những chiếc ghế nhựa trên đường phố, trong quán ăn, những xe máy chở các gia đình hoặc hàng hóa chất đầy phía sau…
Cuốn sách không dày, chỉ 86 trang, nhưng được Jan Wagner coi như lời cảm ơn tới Việt Nam, đất nước đã làm nên chuyến du lịch văn học, nghệ thuật hấp dẫn của anh./.