Vậy là đã 10 năm “những giấc mơ cổ tích” cuốn chị đi. Giữa nhịp gấp gáp, bận rộn đến quay cuồng của công việc và cả những chông gai, bão táp của cuộc đời, chị biết, vẫn luôn có một người dõi theo, bằng cách này hay cách khác đứng bên chị, làm chỗ dựa cho chị trong hành trình viết tiếp những giấc mơ ấy - những giấc mơ không phải cho riêng chị mà cho hàng ngàn gia đình, hàng ngàn đứa trẻ có số phận kém may mắn.
Chị là Trần Mai Anh - người sáng lập và điều phối chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” (chuyên khám, tư vấn và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục).
Tháng 7/2006, câu chuyện về một bé trai ở Quảng Nam bị mẹ bỏ rơi trong vườn, rồi bị thú hoang ăn mất phần chân phải bộ phận sinh dục khiến dư luận bàng hoàng. Hai bác sỹ ở bệnh viện đã đặt tên cậu bé là Thiện Nhân với mong muốn cuộc đời con sẽ gắn liền với hai chữ ấy.
Chị đã nhận nuôi Thiện Nhân, dạy cậu bé tập ăn, tập nói, kiên trì tìm bác sỹ chữa chạy cho Nhân những chứng bệnh từ nhỏ (ghẻ lở, viêm đường ruột...) và nhẫn nại, bền bỉ song hành cùng con quá trình chạy chữa, tái tạo bộ phận sinh dục kéo dài đằng đẵng nhiều năm, phải đi tới nhiều quốc gia xa xôi như Đức, Italy...
Hành trình chữa bệnh cùng “chú lính chì” Thiện Nhân ấy như một mối “duyên” đưa chị đến và cũng là cái “nghiệp” gắn cuộc sống của “Mẹ Còi” (biệt danh của chị) với những cảnh đời bất hạnh khác - những em bé bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục.
10 năm, chị đã mang đến nụ cười, niềm hạnh phúc cho bao gia đình nhưng cũng lấy đi của mẹ mình [nhà giáo-nhà thơ Bùi Kim Anh - PV] bao nước mắt, tâm sức và những đêm thức trắng…
“Nhìn con gái hao gầy, mải miết trong Nam ngoài Bắc đến quên cả bản thân, làm sao giận, không thương cho được,” nhà thơ Bùi Kim Anh chia sẻ.
Cùng nghe hai người phụ nữ ấy nhắn gửi cho nhau:
Nhà thơ Bùi Kim Anh
Thư gửi con gái!
“Mai Anh, con! Vậy là đã 10 năm Thiện Nhân đến với gia đình mình. Nhìn lại hành trình con đã đi để chữa trị, nuôi dạy Nhân trở thành một cậu bé tự tin, tự chủ và biết yêu thương, chia sẻ như bây giờ, mẹ thực sự rất tự hào!
Cũng như bao bà mẹ khác trên đời, trước khi bước vào phòng hộ sinh, mẹ luôn cầu mong con sinh ra lành lặn, khỏe mạnh. Bố mẹ sinh con ra trong niềm mong ngóng, chắt chiu và đợi chờ khắc khoải. Cuộc sống thời bao cấp với biết bao khốn khó, thiếu thốn. Bố mẹ mong con lớn lên có một cuộc sống hạnh phúc, an nhàn và đủ đầy…
Nhìn con “lao” mình vào một hành trình khó, lòng mẹ rối bời, vừa thương vừa lo. Thế nhưng, có nuôi con mới biết lòng cha mẹ! Thời điểm con ôm Thiện Nhân vào lòng, con cũng đã là một bà mẹ của hai cậu nhóc. Bởi thế, mẹ hiểu suy nghĩ, cảm giác của con khi chứng kiến hoàn cảnh đáng thương, tội nghiệp - đau đớn đến tận cùng của Nhân thời điểm đó.
Khi ấy, Nhân chưa đủ lớn để ý thức được về nỗi đau tinh thần nhưng với bản năng làm mẹ, con đã không thể không bị ám ảnh bởi câu chuyện của Nhân, không thể không đau trước nỗi đau của một đứa trẻ bị chính người sinh ra nó bỏ rơi…
Có những lúc mẹ thấy mình thật vô dụng, cảm giác bất lực choán lấy tâm trí khiến mẹ cảm thấy nặng nề, thậm chí là muốn nổ tung khi nhìn con gái và cháu ngoại “vật lộn” với bệnh tật mà mình chẳng thể giúp gì nhiều.
Chị Trần Mai Anh
Thư gửi mẹ!
Mẹ ạ, con biết, chưa khi nào mẹ thôi lo lắng cho con, nghĩ suy về những việc con làm, hành trình con đi. Con cũng biết, không ít lần, mẹ đã lặng lẽ quay đi, giấu những hàng nước mắt và cả tiếng thở dài…
Thời điểm đón Thiện Nhân về, có một linh cảm thôi thúc trong lòng con rằng, nếu không phải chính lúc này thì sẽ không bao giờ con có thể “chạm” được vào cậu bé ấy.
Rồi những tháng ngày đằng đẵng cùng Nhân đi khắp các bệnh viện (không những ở Việt Nam mà còn ở nhiều châu lục khác trên địa cầu này), hồi hộp, lo lắng, căng thẳng đợi chờ bên ngoài phòng phẫu thuật… con càng thấm thía những ưu tư của mẹ.
Con cũng thấy mình thật có lỗi, tim con đau thắt lại khi hình dung bóng dáng mẹ ở nhà, mái tóc mẹ ngày một bạc thêm. Có thể mẹ đang cười trong lúc phơi đồ hay nấu ăn đấy nhưng lòng mẹ nặng trĩu, bởi con cháu vẫn đang ở nơi xa, những lúc con mệt, cháu đau mà mẹ không thể ở bên.
Con có ích kỷ quá không mẹ khi bao năm tháng nay, hầu như, cứ cuối tuần là con vắng nhà, mẹ phải “cho mượn” con gái, còn Thiên Minh, Hải Minh và Thiện Nhân thì phải “cho mượn” Mẹ Còi? [Thông thường, sau giờ làm chiều thứ Sáu, chị Mai Anh lại “xách balô lên và đi” cho kịp buổi làm việc, thăm khám ở các bệnh viện khắp Bắc, Trung, Nam trong chương trình “Thiện Nhân và những người bạn.” Chị trở về nhà vào tối muộn Chủ Nhật, thậm chí là khi màn đêm đã buông xuống, cốt để kịp giờ làm việc sáng hôm sau - PV].
Con biết, dù không nói ra nhưng mẹ vẫn luôn ủng hộ con, giống như khi con còn thơ bé, mẹ vẫn đồng ý với việc con mang đồ ăn cho những người bị tạm giữ ở đồn công an phường (đối diện nhà mình) trong khi không hề biết, họ là người thế nào! Hay như mẹ con mình vẫn có “thỏa thuận ngầm” về việc con nuôi rất nhiều cung quăng, bọ gậy chỉ vì con thấy xót xa trước những mầm sống nhỏ bé, yếu ớt ấy.
Nhà thơ Bùi Kim Anh
Thư gửi con gái!
Từ nhỏ, con đã bộc lộ mình là một người đa cảm. Thế nhưng, bên cạnh những phút yếu đuối, ướt át của một kẻ mê thơ phú, văn chương thì con cũng cho mẹ thấy được sự mạnh mẽ, quyết đoán.
Từ trước đến nay, mẹ vẫn luôn giữ vững quan điểm rằng, con không cần gồng mình lên để giống ai đó hay cố ép mình sống theo mong muốn của một ai đó. Con hãy cứ là con với những ước mơ và khả năng riêng; để tự định nghĩa thế nào là hạnh phúc.
Cuộc sống là vậy! Chúng ta không nên đạp lên dư luận nhưng cũng không cần thiết và không có trách nhiệm phải làm hài lòng tất cả những người xung quanh. Con và những người bạn của mình đã chứng minh ý nghĩa, giá trị của những việc làm thiện tâm của mình một cách bền bỉ.
Chị Trần Mai Anh
Thư gửi mẹ!
Mẹ ạ, nhiều người hỏi con rằng, có khi nào con mệt và thấy oải không khi vừa phải đi làm, kiếm tiền nuôi ba đứa con lại vừa liên tục ngược xuôi, xuôi ngược liên hệ các bệnh viện, gây quỹ, tìm nguồn tài trợ cho hành trình “Thiện Nhân và những người bạn” để giúp đỡ những người không quen biết, chưa một lần gặp mặt (dù chỉ là thoáng qua)…
Con cũng mệt lắm chứ! Không ít lần, đôi chân muốn khụy xuống. Thế nhưng con không buồn hay nghĩ ngợi về những câu nói ác ý, đầy soi mói; bởi con không hề cô độc trong hành trình ấy. Ngày càng nhiều tình nguyện viên đăng ký đồng hành cùng “Thiện Nhân và những người bạn.” Ngày càng nhiều bác sỹ từ Mỹ, Italy tình nguyện dành hết những ngày nghỉ phép trong năm của mình, tình nguyện sang Việt Nam khám, phẫu thuật cho những đứa trẻ đáng thương…
Ngày càng nhiều đứa trẻ gọi con là “mommy,” “mẹ.” Con thấy ấm lòng vì điều đó và cũng chỉ cần có vậy thôi. Càng nhiều đứa trẻ nhận con là mẹ tức là càng nhiều giấc mơ cổ tích được viết giữa đời thường, có phải không mẹ?
Điều làm con phiền lòng, thậm chí cảm thấy bực bội là có một số gia đình đã lơ là trong khâu chăm sóc hậu phẫu, để đứa trẻ bị nhiễm trùng. Vì sự lơ là của người lớn mà những thân hình bé nhỏ, yếu đuối vốn đã phải chịu nhiều thương tổn kia, nay lại càng đau đớn.
Hay như, có những gia đình lỡ hẹn lịch khám mà không một lời giải thích, một dòng tin thông báo; làm mất đi cơ hội của đứa trẻ khác. Có phải bất cứ khi nào các bác sỹ cũng có thể bố trí thời gian, thu xếp công việc để sang Việt Nam thăm khám, điều trị cho bệnh nhân đâu cơ chứ!
Nhà thơ Bùi Kim Anh
Thư gửi con gái!
Mẹ hiểu sự thất vọng và cảm giác bất lực của con những lúc ấy!
Nhìn hành lang bệnh viện hun hút với những ông bố mang vẻ mặt thất thần, những bà mẹ không ngừng thổn thức, ánh mắt hướng về các bác sỹ như cầu khẩn, van nài “hãy giúp con tôi,” đặc biệt là những câu chuyện về những đứa trẻ mà con viết lại trên trang cá nhân, mẹ hiểu lý do tại sao, dù mệt, con vẫn không dừng lại…
Mẹ đã không thể kìm lòng khi đọc câu chuyện này trên trang cá nhân của con: “Sophean bị người đẻ ra nó bỏ rơi ngay trong đêm Giao thừa 2007 tại một bệnh viện ở Campuchia với vết thương bẩm sinh không có bộ phận sinh dục, bàng quang lộ hết ra ngoài...
Cũng chính vì vết thương đến người đẻ ra nó còn chối bỏ nó không nương tay thế nên càng chẳng có ai, chẳng có trại trẻ nào chịu nhận nó về. Suốt 4 năm đầu đời nó đã sinh tồn một cách đau đớn và thiếu thốn đồ ăn, thiếu thốn tình yêu thương ngay trong bệnh viện.
Nó thiếu thốn bởi vì người ta trông nó theo ca trực, tuỳ từng người mà theo trách nhiệm hay tình thương, thiếu thốn vì nó lớn lên bằng thức ăn thừa, thức ăn nào nó kiếm được, thức ăn nào bệnh viện cho nó ăn. Nó thiếu thốn vì không ai coi nó như con nên nó không được ở dưới một mái nhà nào cả...
Phanat Ouch là giáo viên tại trại trẻ Hannah' Hope (với 40 đứa trẻ mồ côi) đã đón Sophean về trại trẻ được 3 năm và tìm được thông tin về hành trình Thiện Nhân để Sophean được phẫu thuật.”
Nhưng Mai Anh à, con cũng là một phụ nữ! Hãy biết nâng niu, chăm chút bản thân mình hơn một chút. Có sức khỏe tốt thì mới giúp đỡ được nhiều đứa trẻ đáng thương khác. Hãy nhớ điều này con nhé!
Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” đã hỗ trợ tiến hành hơn 200 ca phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em trên khắp cả nước; khám và tư vấn miễn phí cho hơn 800 trường hợp.