Thị trường đang dồn nhiều sự chú ý vào việc liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden có tái bổ nhiệm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell sau khi nhiệm kỳ của ông hết hạn vào tháng 2/2022, hay sẽ giao vị trí này cho một người khác.
Các đảng viên Dân chủ cấp tiến muốn Fed đảm nhận một vai trò rộng lớn hơn trong nền kinh tế, bằng cách tăng cường nỗ lực thúc đẩy việc làm, tránh rủi ro khí hậu và giải quyết bất bình đẳng.
Những đảng viên Cộng hòa bảo thủ lại muốn ngân hàng trung ương này bám sát đường lối chính sách tiền tệ của mình, chú ý nhiều hơn đến việc kiềm chế lạm phát và giảm tác động trên thị trường tài chính và cả hoạt động giám sát.
Nhưng dù ai là người được Tổng thống Biden lựa chọn, Chủ tịch tiếp theo của Fed sẽ cần giải quyết các câu hỏi lớn về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này. Dưới đây là những thử thách chính đối với Chủ tịch Fed trong bốn năm tới.
Xác định đúng phương hướng chính sách
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 3/2020, Fed đã giảm lãi suất chuẩn qua đêm xuống gần mức 0% và mua hàng nghìn tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ cùng chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản thế chấp.
Giữa lúc nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng, các nhà hoạch định chính sách của Fed có thể sẽ bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản vào cuối năm nay.
Nhưng theo khung chính sách mới được thông qua vào tháng 8/2020, các quan chức Fed có kế hoạch chỉ tăng lãi suất khi nền kinh tế đạt mức toàn dụng lao động, lạm phát quanh khoảng 2% và trên đà vượt ngưỡng này ở mức vừa phải.
[Fed sẽ thắt chặt dần tiền tệ nếu việc làm tiếp tục cải thiện]
Đó sẽ là một lời cam kết mà Chủ tịch mới của Fed có gặp khó khăn để duy trì. Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed tin rằng việc lạm phát vượt xa ngưỡng 2% hiện nay chỉ mang tính tạm thời.
Tuy nhiên, nếu giá cả tăng trong thời gian dài hơn, bất kỳ ai đứng đầu ngân hàng trung ương có thể sẽ phải tăng lãi suất trước khi tất cả những người lao động Mỹ sẽ có thể kiếm được việc làm.
Hiện số lao động được tuyển dụng tại Mỹ vẫn thấp hơn 5,7 triệu người so với thời kỳ trước đại dịch.
Vai trò của Fed như cơ quan giám sát
Các nhà phân tích cho rằng, nếu khuôn khổ chính sách mới của Fed khiến ngân hàng này duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng lâu hơn để đảm bảo thị trường lao động mạnh mẽ hơn, Fed có thể phải thắt chặt các quy định tài chính nhằm ngăn chặn các hành vi rủi ro có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng.
Ông David Wilcox, cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu của Fed và hiện là chuyên gia cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đánh giá đây là vấn đề quan trọng số hai trong chương trình nghị sự của Fed.
Ông đặc biệt lưu ý đến việc Fed cần tiếp tục giải quyết vấn đề kiểm soát rủi ro tài chính trong môi trường lãi suất thấp kỷ lục.
Theo ông Wilcox, bất cứ nhà lãnh đạo nào của Fed cũng cần phải nhìn nhận sự ổn định tài chính một cách rộng rãi hơn.
Những điểm yếu mang tính hệ thống trong hoạt động giao dịch trái phiếu Kho bạc và tiền tệ đã bộc lộ vào tháng 3/2020, khi thị trường tài chính gần như sụp đổ do các lệnh phong tỏa liên quan đến đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, ông Eric Rosengren, lập luận rằng sự phổ biến ngày càng tăng của "stablecoin", một dạng tiền điện tử được “gắn” theo giá trị của đồng USD nhưng phần lớn không được kiểm soát, cũng gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định của hệ thống tài chính.
Xu hướng tiền tệ kỹ thuật số
Một câu hỏi lớn cũng được đưa lên bàn cân là liệu Fed có quyết định phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình hay không. Chủ tịch đương nhiệm Powell cho đến nay vẫn không đưa ra bất cứ cam kết cụ thể nào.
Thống đốc Fed Lael Brainard, một ứng cử viên hàng đầu khác cho vị trí Chủ tịch Fed, cho biết sẽ “khó tưởng tượng nếu Fed không làm như vậy.”
Dự kiến, Fed sẽ xuất bản một tài liệu thảo luận về chủ đề này vào tháng Chín.
Những người ủng hộ nói rằng một loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) được thiết kế tốt có thể giảm chi phí giao dịch, tăng khả năng tiếp cận hệ thống ngân hàng cho các nhóm yếu thế.
Những người lo lắng lại cho rằng các ngân hàng có thể bị bỏ qua nếu các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ giao dịch thẳng qua Fed.
Trung Quốc và các quốc gia khác đã phát hành các CBCD của riêng họ, cũng như các công ty tư nhân như Amazon.com Inc.
Nếu được áp dụng rộng rãi, những đồng tiền như vậy có thể phân mảnh hệ thống thanh toán, đe dọa khả năng kiểm soát lãi suất của Fed và gây nguy hiểm cho sự thống trị toàn cầu của đồng USD.
Giáo sư kinh tế Andrew Levin tại Đại học Dartmouth cho biết: “Fed cần phải nhanh chóng tìm ra cách giải quyết vấn đề này. Đây là một thách thức có thể sớm trở nên rõ ràng hơn trong vòng một hoặc hai năm tới."
Giải quyết rủi ro khí hậu
Người đứng đầu Fed cũng sẽ phải chịu áp lực để nghiên cứu và giải quyết các tác động kinh tế và tài chính từ các sự kiện khí hậu cực đoan, bao gồm vụ cháy rừng không kiểm soát được, các cơn bão siêu mạnh cùng nhiều tác động tàn phá khác của quá trình biến đổi khí hậu.
Cả ông Powell và bà Brainard đều cho hay nhiệm vụ của Fed là đảm bảo các ngân hàng có khả năng chống chịu các tình huống khác nhau trong tương lai, như giá trị tài sản giảm do các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, hoặc chính sách hạn chế phát thải CO2 của các Chính phủ.
Nhưng Fed không có bất kỳ khoản tài chính nào phục vụ công tác chống biến đổi khí hậu một cách trực tiếp, như trường hợp của một số ngân hàng trung ương khác.
Hồi năm 2020, Fed đã thành lập hai ban làm việc nội bộ, với một ban tập trung vào các rủi ro liên quan đến khí hậu tại các ngân hàng riêng lẻ. Ban còn lại chịu trách nhiệm nghiên cứu các mối đe dọa trên toàn hệ thống.
Fed cũng trở thành ngân hàng trung ương lớn cuối cùng tham gia Mạng lưới xanh hóa hệ thống tài chính, tổ chức phát triển các khuyến nghị cho các ngân hàng trung ương để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cả hai đều có thể là phương tiện để người đứng đầu Fed làm được nhiều việc hơn trên mặt trận chống biến đổi khí hậu, mặc dù khả năng đưa ra những biện pháp mạnh tay ngang hàng với các ngân hàng trung ương khác có thể sẽ khó khăn nếu không có các luật và quy định mới./.