Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam: Cần coi trọng yếu tố an toàn

Những thách thức về vấn đề phát triển điện hạt nhân ở châu Á

Chương trình phát triển điện hạt nhân Việt Nam là một trọng tâm được Hội nghị Điện hạt nhân châu Á lần thứ ba tập trung thảo luận tại Hà Nội.
Phòng trưng bày về điện hạt nhân tại Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Ngày 22/1, tại Hà Nội, Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cơ quan Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh tổ chức Hội nghị Điện hạt nhân châu Á lần thứ 3.

Hội nghị có sự tham gia của các đại biểu, chuyên gia đến từ các nước có nền công nghiệp hạt nhân phát triển, các quốc gia thành viên mới, các quốc gia có kế hoạch mở rộng chương trình điện hạt nhân, các tập đoàn công nghệ quốc tế như Anh, Nhật Bản, Trung Quốc...

Đây cũng là cơ hội để các nước nói chung cũng như Việt Nam nói riêng học tập, chia sẻ các bài học, kinh nghiệm của các quốc gia có nền công nghệ điện hạt nhân phát triển.

Hội nghị tập trung thảo luận những thách thức về vấn đề phát triển điện hạt nhân ở châu Á như năng lượng hạt nhân, biến đổi khí hậu, các vấn đề an toàn, an ninh, pháp lý, môi trường và xã hội phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân; các cơ hội đầu tư và chiến lược tài chính cho lĩnh vực điện hạt nhân...

Chương trình phát triển điện hạt nhân Việt Nam là một trọng tâm được hội nghị tập trung thảo luận.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh đánh giá cao chương trình Hội nghị Điện hạt nhân châu Á lần thứ 3 với các nội dung thảo luận liên quan đến những thách thức đối với một chương trình điện hạt nhân mới, sự chấp thuận của công chúng và tiến bộ công nghệ…

Đây là những vấn đề chủ chốt đối với các chương trình điện hạt nhân mới và mở rộng nói chung, cũng như đối với Việt Nam nói riêng.

Hội nghị sẽ góp phần giúp cho các quốc gia mới bắt đầu phát triển điện hạt nhân như Việt Nam triển khai chương trình điện hạt nhân một cách an toàn, an ninh và hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính có ảnh hưởng xấu đến biến đổi khí hậu.

Ông Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển điện hạt nhân, bởi điện hạt nhân là nguồn năng lượng thay thế các nhiên liệu khác như than, dầu... Đồng thời đánh giá cao việc Việt Nam quan tâm phát triển nguồn năng lượng mới, nhưng việc phát triển phải đảm bảo xây dựng các biện pháp an toàn, an ninh ngay từ giai đoạn đầu và giám sát rủi ro để không xảy ra sự cố như ở Fukushima, Nhật Bản.

Thực tế Vương quốc Anh đặc biệt quan tâm đến ngành công nghệ hạt nhân và trong nhóm những nước tiên phong trong ngành năng lượng hạt nhân khoảng 40-50 năm.

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới được xây dựng ở phía Tây Bắc nước Anh và đến nay Anh vẫn cải tiến và duy trì sự an toàn, cũng như tập trung vào phát triển điện hạt nhân mới để cung cấp điện cho thế hệ tương lai.

Ông Giles Lever cho biết tháng 11/2013, Vương quốc Anh đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Khoa học và Công nghệ về hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Vì vậy Vương quốc Anh sẵn sàng cung cấp chuyên gia, trao đổi nghiên cứu viên, đào tạo ngắn hạn, tư vấn cho Việt Nam trong phát triển điện hạt nhân.

Việt Nam đã ký các Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình với 9 quốc gia là Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Argentina, Canada và Hoa Kỳ.

Việt Nam đã tham gia hầu hết các văn kiện pháp lý quốc tế liên quan và đang tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng hạt nhân cần thiết cho việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thông qua ngày 25/11/2009.

Để triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam đã ký với Liên bang Nga và Nhật Bản thỏa thuận hợp tác xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.

Đến nay, các tổ chức tư vấn của Liên bang Nga và Nhật Bản đã hoàn thành và nộp báo cáo Dự án đầu tư (FS) và Hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) của các Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam - chủ đầu tư dự án để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, các dự án thành phần của Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cũng đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết những năm qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các tổ chức quốc tế và các quốc gia có kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân để triển khai chương trình điện hạt nhân một cách an toàn, an ninh và hiệu quả.

Trong giai đoạn 2009-2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với IAEA và các cơ quan liên quan tổ chức 2 Đoàn Công tác đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng điện hạt nhân (INIR) của Việt Nam.

Đoàn Công tác INIR thứ 2 (tháng 12/2012) đã kết luận Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân và Việt Nam cần triển khai nhiều hoạt động để đạt được Cột mốc số 2 trong phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân theo hướng dẫn của IAEA.

Năm 2013, Việt Nam đã phối hợp với IAEA, Hoa Kỳ và Liên bang Nga hoàn thành chương trình chuyển đổi nhiên liệu uran có độ giàu cao sang sử dụng uran có độ giàu thấp cho lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt.

Ngoài ra, tháng 10 năm 2013, Việt Nam đã tuyên bố tham gia Công ước chung về An toàn quản lý nhiêu liệu đã qua sử dụng và an toàn quản lý chất thải phóng xạ.

Việc này đã một lần nữa thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích òa bình, bảo đảm an toàn và an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục