Những trở ngại trên tiến trình hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria

Toan tính của các bên trong "màn quyết đấu cuối cùng" ở Idlib, mà kết quả của nó có thể tạo bước ngoặt cho cuộc khủng hoảng Syria, cũng đang làm phức tạp thêm tiến trình hòa bình ở Syria.
Những trở ngại trên tiến trình hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria ảnh 1Khói bốc lên sau cuộc oanh kích của quân đội Syria nhằm vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Deir Ezzor ngày 31/10/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một loạt động thái dịch chuyển quân sự của các bên xung quanh tỉnh Idlib (Tây Bắc Syria), nơi được xem là thành trì cuối cùng của lực lượng khủng bố và phiến quân tại quốc gia Trung Đông, đang khiến tình hình tại khu vực giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ này ngày càng nóng bỏng.

Nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc can dự vào cuộc xung đột đã bước đang năm thứ tám ở Syria đang dần hé lộ. Trong khi đó, toan tính của các bên trong "màn quyết đấu cuối cùng" ở Idlib, mà kết quả của nó có thể tạo bước ngoặt cho cuộc khủng hoảng Syria, cũng đang làm phức tạp thêm tiến trình giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng.

Chiến dịch quân sự của chính quyền Syria nhằm giành lại quyền kiểm soát Idlib đã trở thành chủ đề chính của cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa tổng thống ba nước bảo trợ cho tiến trình hòa đàm Astana về Syria, gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra tại Tehran.

Mặc dù tuyên bố chung sau cuộc gặp nhấn mạnh tới giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời ba nước cũng nhất trí phối hợp tìm kiếm cách thức giải quyết tình hình tại tỉnh Idlib, phù hợp với tinh thần hợp tác vốn là đặc điểm của tiến trình hòa đàm Astana, song không có gì đảm bảo những tuyên bố trên sẽ được thực hiện. Tuyên bố chung kể trên cũng được nhận xét là "nghèo chi tiết" và chưa thể hiện được lập trường chung của ba bên về cuộc tấn công nhằm vào Idlib.

Nga và Iran - hai nước được xem là đồng minh của Chính phủ Syria, thể hiện quyết tâm quét sạch các phần tử khủng bố và lập lại hòa bình tại Syria, ủng hộ quân đội nước này trong cuộc chiến tổng lực giải phóng Idlib, bởi như Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thì Idlib là "điểm nóng cuối cùng" của khủng bố.

Cả lãnh đạo Nga và Iran đều cho rằng giành lại Idlib có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực hoàn thành chiến thắng quân sự nhằm quét sạch khủng bố và phiến quân tại Syria, sau khi binh sỹ Syria tái chiếm gần như toàn bộ các thành phố và thị trấn chủ chốt.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani còn khẳng định chiến đấu chống khủng bố ở Idlip là một phần không thể thiếu của sứ mệnh tái lập nền hòa bình và ổn định tại Syria. Cả Iran và Nga đều nhấn mạnh chính quyền Damacus có quyền giành lại kiểm soát với toàn bộ lãnh thổ nước này.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại cuộc tổng tấn công trên có thể gây ra một dòng người di cư Syria ồ ạt đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tuyên bố cố gắng ngăn chặn kế hoạch này. Ngay tại cuộc họp báo chung sau hội nghị, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã bày tỏ sự bất đồng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, đồng thời cảnh báo một cuộc tấn công của quân đội Syria nhằm vào Idlib sẽ gây ra "thảm họa nhân đạo" tại tỉnh Tây Bắc này. Ankara lo ngại bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Iblib sẽ ảnh hưởng tới tương lai của Syria cũng như đến tình hình an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và toàn khu vực.

Chuyên gia Hasan Yalcin thuộc Quỹ nghiên cứu chính trị, kinh tế và xã hội cho rằng với Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào khu vực Idlib không chỉ tạo ra một dòng người di cư ồ ạt kéo về Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn mà còn khiến các phần tử khủng bố đổ về quốc gia này và tạo ra mối đe dọa an ninh lớn. Ankara vì thế sẽ khó chấp nhận bất kỳ chiến dịch quân sự nào tại Idlib.

[Reuters: Không quân Nga và Syria oanh tạc dữ dội chiến trường Idlib]

Chuyên gia phân tích của nhật báo Hariyet Serkan Demirtas cho rằng với mâu thuẫn chủ chốt giữa ba nước về vấn đề này, nếu Nga mở đường cho cuộc tấn công Idlib thì đây sẽ được coi là "dấu chấm hết" cho tiến trình hòa đàm Astana vốn được thiết lập giữa các bên không cùng chung đối tượng hậu thuẫn, trong đó Iran và Nga ủng hộ chính quyền Damacus còn Thổ Nhĩ Kỳ lại có những mục tiêu riêng.

Việc ba quốc gia này chưa thể tìm ra tiếng nói chung cho chiến dịch quân sự kể trên cũng tạo ra một nguy cơ treo lơ lửng về khả năng tiến trình hòa đàm Astana hoàn toàn có thể rơi vào bế tắc, giống như tiến trình hòa đàm Syria do Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, tình hình thực địa sẽ có thể diễn biến phức tạp hơn nếu có sự can dự của các quốc gia phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Những tuyên bố mang tính cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Idlib cho thấy Washington có vẻ đang coi đây là cơ hội cuối cùng để Mỹ có thể tái khẳng định sự hiện diện tại quốc gia Trung Đông, trong bối cảnh thời gian gần đây vai trò của Mỹ trong vấn đề Syria có dấu hiệu bị lu mờ.

Có ý kiến còn rằng Mỹ muốn cuộc khủng hoảng Syria tiếp diễn để Nga không thể sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng này, và cuộc tấn công của liên quân do Mỹ đứng đầu tại Syria sẽ khiến tình hình leo thang. Nhiều thông tin cho biết Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria với lý do quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib. Thậm chí quân đội Syria đang trong tình trạng báo động cao trước nguy cơ bị Mỹ tấn công.

Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn đang phát đi những tín hiệu khá lẫn lộn về kế hoạch của mình đối với cuộc xung đột Syria. Vì vậy, những hành động cụ thể của Washignton trong bối cảnh này hiện vẫn được coi là "khó lường."

Thêm vào đó, truyền thông Đức đưa tin Berlin có thể sẽ tham gia với liên quân do Mỹ đứng đầu tiến hành không kích nhằm vào các lực lượng chính phủ Syria, trong trường hợp Damascus sử dụng vũ khí hóa học.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng khẳng định nếu các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học được tiến hành tại Syria, Pháp sẵn sàng có những động thái đáp trả thích đáng.

Những tuyên bố trên được đưa ra khi Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo chỉ huy của nhóm khủng bố Tahrir al-Sham có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Nusra đang lên kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công nhằm vào dân thường tại tỉnh Idlib của Syria, với mục đích "kích động" các nước phương Tây trả đũa chống lại Damascus, nói đúng hơn là "tạo cớ" cho hành động quân sự chống quân đội Syria.

Có thể thấy, lộ trình hòa bình Syria vẫn gặp rất nhiều trắc trở. Theo kế hoạch, ngày 11/9, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, Staffan de Mistura sẽ gặp đại diện của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - ba quốc gia bảo trợ cho tiến trình hòa đàm Astana, trong khuôn khổ cuộc đối thoại về vấn đề Ủy ban Hiến pháp Syria.

Tuy nhiên, nỗ lực thúc đẩy việc thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp Syria, bước quan trọng trong tiến trình chính trị tại quốc gia này, có thể cuối cùng sẽ "xôi hỏng bỏng không" khi các bên liên quan vì mâu thuẫn lợi ích vẫn tạo ra những diễn biến trái chiều trên thực địa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.