Năm 2014 trôi qua với việc hình thành nên “thế chân vạc” trong ngành viễn thông di động tại Việt Nam và cả ba “đại gia” Viettel, VNPT, MobiFone đều dành được doanh thu lớn. Theo nhiều chuyên gia, năm 2015, ngành viễn thông sẽ tiếp tục chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt cũng như những xu hướng mới, buộc cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải thích nghi để đáp ứng với nhu cầu thực tế.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này.
- Thưa Thứ trưởng, năm 2014, ngành viễn thông Việt Nam đã có nhiều biến động. Theo ông, đâu là dấu ấn nổi bật?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Đối với quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông trong năm 2014, dấu ấn quan trọng nhất là tiếp tục hoàn chỉnh hành lang pháp luật, tạo điều kiện cho thị trường viễn thông phát triển.
Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình ban cán sự Đảng, Chính phủ, Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 36 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Việc này đã tạo điều kiện cho toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trong đó có hạ tầng về viễn thông tiếp tục phát triển với những điều kiện thuận lợi mới.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng trình Chính phủ hàng loạt các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, ban hành nhiều Thông tư liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông.
Cũng trong năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều đề án liên quan, tạo điều kiện cho phát triển hạ tầng và dịch vụ viễn thông; Phê duyệt một loạt đề án quan trọng khác như Chuyển mạng giữ số; Triển khai hệ thống bảo đảm an toàn an ninh cho hệ thống máy chủ tên miền quốc gia; Triển khai các đề án về thu thập dữ liệu của các doanh nghiệp viễn thông bảo đảm kiểm soát tất cả các thuê bao di động…
Về sản xuất kinh doanh, năm 2014 cũng là năm doanh nghiệp viễn thông để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Mặc dù trong điều kiện kinh tế có những bước phục hồi nhưng còn khó khăn, cạnh tranh trên thị trường khốc liệt, ảnh hưởng từ OTT… nhưng những doanh nghiệp viễn thông vẫn giữ vững thị trường trong nước, vươn ra quốc tế. Các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, MobiFone, Tổng công ty Bưu điện… đều làm ăn có lãi, có tăng trưởng cả về doanh số, lợi nhuận, nộp ngân sách…
- Năm 2014 phải kể đến việc xác lập được “thế chân vạc” trong thị trường viễn thông qua việc tách MobiFone ra khỏi VNPT. Điều này sẽ khiến thị trường viễn thông phát triển thế nào trong thời gian tới?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có trọng tâm là tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng và được phê duyệt đề án tái cơ cấu VNPT mà một trong những nội dung chính là tách MobiFone trở thành doanh nghiệp độc lập.
Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định phê duyệt thành lập Tổng Công ty MobiFone, nâng cấp đơn vị này thành doanh nghiệp đa dịch vụ, có đủ điều kiện để cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp viễn thông lớn khác như VNPT, Viettel.
Chúng tôi cũng tin tưởng với việc tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông nói riêng và thị trường viễn thông nói chung sẽ khiến sức cạnh tranh trên thị trường viễn thông ngày càng tăng, bảo dảm chất lượng dịch vụ ngày càng cao, giá cước hạ hơn, mang lại quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ.
- Nhắc đến MobiFone, dư luận đang rất quan tâm về việc cổ phần hóa doanh nghiệp này sau khi tách khỏi VNPT. Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về vấn đề này?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Cùng với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp viễn thông, một trong những chủ trương của Chính phủ cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông là thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.
MobiFone có doanh thu bình quân năm 2014 gần 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 7.000 tỷ đồng là một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn tiến hành cổ phần hóa. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone.
Ban chỉ đạo đã họp và báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo về quan điểm, nguyên tắc lớn về cổ phần hóa MobiFone. Sau khi Thủ tướng phê duyệt nguyên tắc lớn, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể về cổ phần hóa MobiFone, trong đó có việc đánh giá giá trị doanh nghiệp, chọn nhà đầu tư chiến lược…
- Thưa Thứ trưởng, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, liệu thị trường viễn thông Việt Nam trong 2015 sẽ theo xu hướng nào?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Với việc tái cơ cấu doanh nghiệp và thị trường vừa qua, sự cạnh tranh sẽ tăng lên. Cụ thể, việc tách MobiFone thành doanh nghiệp độc lập, nâng cấp lên tổng công ty, kinh doanh đa dịch vụ… sẽ tạo thêm độ cạnh tranh, giúp thị trường phát triển tốt hơn, bền vững hơn theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, xu hướng hội tụ công nghệ dịch vụ giữa viễn thông-phát thanh truyền hình-công nghệ thông tin trên một nền tảng ngày càng rõ nét hơn. Các doanh nghiệp không chỉ kinh doanh một dịch vụ đơn lẻ khi người dân có nhu cầu trên một đôi dây, một đường truyền cần có các dịch vụ như thoại, internet, truyền hình, giải trí...
Với một thiết bị di động hiện nay, người dân vừa chơi game, vừa xem tivi, gọi điện, giao dịch ngân hàng… Do đó, các doanh nghiệp khi triển khai kế hoạch kinh doanh cần lưu ý xu hướng này để các giải pháp, dịch vụ đưa ra bảo đảm tính hội tụ và tích hợp dịch vụ công nghệ trên cùng một nền tảng.
Tiếp theo là xu hướng về các dịch vụ tính cá thể hóa ngày càng rõ rệt. Trước đây, dịch vụ chỉ cung cấp đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và hơn nữa là hộ gia đình. Bây giờ, dịch vụ đã cung cấp đến từng người dân. Mỗi cá thể khi về nhà có thể sử dụng tivi, máy tính ở nhà nhưng khi ra đường, toàn bộ ứng dụng dịch vụ ở nhà đều được mang theo người qua các thiết bị di động. Do đó, các doanh nghiệp khi triển khai cần tính đến các giải pháp hướng tới số đông người dân, lấy khách hàng làm trung tâm để cung cấp dịch vụ.
Cùng sự phát triển mạnh mẽ, tính cá thể hóa như vậy thì nhu cầu bảo đảm an toàn thông tin ngày càng cao hơn. Người sử dụng quan tâm an toàn thông tin ở các góc độ: thông tin cá nhân phải được bảo đảm an toàn; dịch vụ sử dụng không bị gián đoạn, không bị phá hoại, thu thập thông tin trái phép; không bị quấy rối bởi tin nhắn rác, thư rác…
Trước yêu cầu của người sử dụng, khi doanh nghiệp và cơ quan quản lý khi xây dựng văn bản pháp luật hay triển khai các hoạt động kinh doanh của mình cần phải quan tâm.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!